Hà Nội giải thích về tòa nhà cao tầng gần Hồ Gươm

06:02, 29/03/2013
|

(VnMedia) - Sau khi báo chí đưa tin về tòa nhà Trung tâm thương mại cao tầng vừa được phép xây dựng tại số 10 phố Trần Nguyên Hãn, trước sự băn khoăn của dư luận vì tòa nhà nằm rất gần Hồ Gươm này (cách Hồ Gươm khoảng 200m), ngày 28/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, thực chất tòa nhà không phải cao 16 tầng.

 Ảnh minh họa

 Vị trí sẽ xây tòa nhà Trung tâm thương mại tại số 10 Trần Nguyên Hãn


Theo giải thích của Văn phòng UBND TP, hiện trạng khu đất bao gồm Nhà khách 5 tầng và nhà làm việc 2 tầng. do Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam quản lý sử dụng, tiếp giáp mặt phố Lý Thái Tổ và Trần Nguyên Hãn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc di dời cơ quan, cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực nội thành, việc chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê là phù hợp với chủ trương sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và đã được Bộ Tài chính và Bộ Công thương thống nhất chủ trương.

"Công trình Trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê khi được xây dựng sẽ thay thế Khách sạn Bình Minh và các công trình cũ, xuống cấp, đáp ứng các nhu cầu khách sạn, dịch vụ thương mại cao cấp cho Trung tâm Thành phố mà hiện nay nhu cầu này còn đang rất thiếu" - Văn phòng UBND TP cho biết.
 
Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, khu đất nằm trong khu vực Khu phố Cũ, được quy định: “Ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, dịch vụ du lịch và văn phòng làm việc cao cấp. Cải tạo hoặc xây dựng lại khách sạn, cơ sở lưu trú, phát triển khách sạn chất lượng cao...; Cho phép có điều kiện: lựa chọn một số địa điểm phù hợp về vị trí, đáp ứng đủ các tiêu chí về hạ tầng để làm điểm nhấn đô thị và đóng góp cho cảnh quan chung. Các công trình này cần có những đóng góp về không gian mở, vườn hoa, vỉa hè lớn, kết hợp làm không gian công cộng”
 
Cũng theo Văn phòng UBND TP, trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch, Chủ đầu tư đã phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Lý Thái Tổ tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Dự án cũng đã được lấy ý kiến của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch Thành phố, các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, kiến trúc.
 
Về số tầng cao của tòa nhà, trước đó, Quyết định của TP ghi: tòa nhà bao gồm phần đế 4 tầng, phần thân 8 tầng + 1 tum và 4 tầng ngầm. Điều này khiến một số người hiểu là tòa nhà cao 16 tầng.

Tuy nhiên, theo giải thích của Văn phòng UBND TP, quy hoạch chi tiết được duyệt sẽ cho phép xây dựng công trình như sau: Lớp ngoài quy mô 6 tầng, lớp trong (lùi so với lớp ngoài là 4m) cao 8 tầng (tối đa 32m) + 1 tum kỹ thuật và 4 tầng ngầm. Công trình có khối đế 4 tầng (nằm trong khối 8 tầng). Mật độ xây dựng phần đế là 64%, phần thân (khối 8 tầng) là 51%.
 
Về độ cao của tòa nhà, UBND TP giải thích: Các chuyên gia, thành viên trong Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố thống nhất có thể chấp nhận công trình với lớp ngoài cao 25,6m, lớp trong cao 35,6m (vì công trình dài, nếu thấp hơn thì mặt nhà sẽ không có được tỷ lệ đẹp cho công trình), và với độ chênh nhỏ hơn 10% khó cảm nhận được (lớp công trình phía trong) ở ngoài thực tế và như vậy không ảnh hưởng lớn tới hình ảnh kiến trúc đường phố và đô thị”.

Theo quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm tỷ lệ 1/2000 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 96/2000/QĐ-UB ngày 7/11/2000, khu đất dự án có ký hiệu C25 CQ có chức năng cơ quan, mật độ xây dựng 55%, tầng cao tối đa 15 tầng. Xung quanh khu vực dự án đã có một số công trình Tòa nhà Cục Lao động cao 8 tầng; giáp phía sau có Trụ sở Công ty Lương thực Miền Bắc cao khoảng 11 tầng; công trình tại số 2-4 Ngô Quyền cao 16 tầng; Toà nhà BIDV cao 21 tầng, công trình Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng cao 7 tầng + 2 tầng mái.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc