Mạnh tay chống thực phẩm bẩn

16:17, 22/01/2013
|

Trong tháng cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán, Bộ Y tế thành lập 8 đoàn thanh tra kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, thanh tra ở 21 tỉnh, thành phố trọng điểm trên toàn quốc. Để mạnh tay chống thực phẩm bẩn, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm với mức phạt tiền được nâng lên nhiều lần.

Về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán đang diễn biến phức tạp. Ở Hà Nội, tuy không còn tình trạng ô tô chở gà nhập lậu ùn ùn kéo về như trước nữa, nhưng nhiều đầu nậu lợi dụng quy định, nếu vận chuyển dưới 50 con gia cầm thì không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc, nên đã tập kết gà nhập lậu tại các tỉnh lân cận, rồi thuê xe ôm vận chuyển vào thủ đô tiêu thụ. Đối với loại gà siêu rẻ xuất xứ Hàn Quốc, đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng nên sau một thời gian tạm dừng, nay được siêu thị BigC bán trở lại. Ngay tại hội chợ khuyến mại tiêu dùng tổ chức gần đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng thu giữ 700 sản phẩm giả.

An toàn thực phẩm đáng báo động như vậy, nhưng cách đây ít ngày, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương và Hà Nội lại chọn những cơ sở có nguy cơ thấp để kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay việc kiểm tra tại chợ Đồng Xuân, do được báo trước nên nhiều cửa hàng kinh doanh bánh, mứt, kẹo, ô mai đóng cửa. Rút kinh nghiệm từ đợt kiểm tra này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cho biết, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất để góp phần ngăn chặn hiệu quả thực phẩm bẩn. Là một trong những tỉnh trọng điểm được Bộ Y tế tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Quý Tỵ này, tỉnh Hải Dương tiến hành thanh tra, kiểm tra các loại nước uống có cồn, nước giải khát đóng chai; đồng thời, tổ chức phát tờ rơi, căng panô, áp phích tuyên truyền rộng rãi tới người dân, thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tới khu du lịch và những nơi tập trung đông người. Chi cục trưởng chi cục An toàn thực phẩm Hải Dương Phạm Văn Tuyến cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tập trung phối hợp kiểm soát việc giết mổ gia súc, gia cầm và các thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập khẩu vào nước ta.

Hưởng ứng tháng cao điểm an toàn thực phẩm Tết, tại 21 địa phương trọng điểm thời điểm này đều thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tăng cường xuống tận xã, huyện. Trong đó, tập trung phát hiện xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, vận chuyển thực phẩm nguyên liệu phụ gia thực phẩm không bảo đảm an toàn. Chú trọng những mặt hàng thực phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như các sản phẩm từ thịt, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát. Tại những địa phương có cửa khẩu, xác định dịp Tết Nguyên đán việc vận chuyển thực phẩm gia tăng, nên các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đồng loạt về các huyện, xuống các xã kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, kiểm tra việc sản xuất và kinh doanh rượu.

Theo Bộ Y tế, việc thành lập các đoàn thanh tra kiểm tra trong tháng cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm và chủ đề bữa ăn an toàn dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán chỉ là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh dịp Tết. Ngoài việc ngăn ngừa tình trạng nhập lậu thì kiểm soát về tình trạng sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền để nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng quy định, hạn chế thấp nhất lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm trong rau, củ, quả. Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm với mức phạt tiền nâng lên nhiều lần. Cùng với đó, cũng trao nhiều quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn cho địa phương. Nhưng theo Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Trần Quang Trung, các địa phương cũng cần tuyên truyền rộng rãi đến người tiêu dùng, trong đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị liên ngành quản lý về thực phẩm.

Để có thể mạnh tay với thực phẩm không an toàn đòi hỏi phải quản lý tốt từ khâu sản xuất, chế biến, đến nhập khẩu hàng hóa chứ, không phải cứ đến Tết là tăng cường kiểm tra. Nhưng trong điều kiện quản lý thực phẩm theo chuỗi ở nước ta chưa thực hiện được thì việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết để loại trừ những nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Vấn đề là việc kiểm tra phải thực chất và thường xuyên. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tại cuộc giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp chấn chỉnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Để thực phẩm bẩn không còn đất sống, cần vận động 3 không: không sản xuất, không tiêu thụ, không an toàn trong chế biến; đẩy mạnh xây dựng chợ an toàn; xây dựng xã, phường an toàn về thực phẩm; đẩy mạnh liên kết các địa phương để tiêu thụ sản phẩm an toàn.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc