Xây dựng chính quyền đô thị:: Cần trao cho người dân quyền trực tiếp chọn người đứng đầu

13:50, 27/11/2012
|

(VnMedia) - Đề xuất mô hình xây dựng chính quyền đô thị, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu cho rằng, cần mạnh dạn trao cho nhân dân quyền trực tiếp chọn lựa người đứng đầu qua hình thức tranh cử.

 

Chính quyền không theo kịp sự phát triển

Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam diễn ra đồng thời với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, thể chế kinh tế - chính trị và hiện đại hoá về nhiều mặt dẫn đến sự điều chỉnh không theo kịp yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh.

 

Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Trưởng khoa Quản lý nhà nước về đô thị và nông thôn, Học viện Hành chính, tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt là các đô thị lớn trong vòng 20 năm qua là thách thức rất lớn cho quá trình đổi mới hệ thống chính quyền đô thị. Theo đó, mức độ tập trung các hoạt động, tính chất phức tạp và yêu cầu quản lý cao ở đô thị lớn ngày càng khác biệt so với tính chất quản lý lãnh thổ nói chung hay quản lý một số lĩnh vực nông thôn…

 

TS.Hiếu cũng chỉ ra rằng, những bất cập không chỉ ở trong khu vực quản lý đô thị mà còn có tính hệ thống. Theo ông, có thể quan sát được những dấu hiệu như đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp và tồn tại nhiều việc mà hai, ba cấp cùng có trách nhiệm ra quyết định nhưng không rõ ràng cấp nào giải quyết vấn đề gì.

 

Bộ máy chính quyền cũng đã nhận thức được vấn đề tập trung trách nhiệm vào người đứng đầu và tính giải trình, tuy nhiên, vấn đề không đơn giản bởi việc chịu trách nhiệm và giải trình phải trở thành nền tảng cho cả bộ máy quản lý, với việc người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm cao nhất với toàn thể dân cư của họ. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới thường đảm bảo điều này bằng cách để thị dân trực tiếp bầu ra người đứng đầu” - TS Hiếu nói.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Trao thực quyền cho người dân

Trước thực tế này, góp ý cho việc xây dựng chính quyền đô thị tại Việt Nam, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu đề nghị, cần xây dựng chính quyền đô thị tự chủ, tự quản với bản chất trao quyền cho “thị dân” bằng cách mạnh dạn trao cho nhân dân quyền trực tiếp chọn lựa người đứng dầu qua hình thức tranh cử. Đồng thời, nâng cao vị thế Hội đồng nhân dân để trở thành đối trọng bằng các quyền giám sát và năng lực giám sát.

 

Theo ông Hiếu, toà án có thể trở thành một bên thứ ba để hỗ trợ và hướng dẫn các bên khi có tranh chấp. Việc bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu là mô hình đáng tham khảo và sử dụng trong điều kiện dân trí đã nâng cao. “Đây cũng là đề xuất của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về bầu thị trưởng trực tiếp” - ông Hiếu cho biết.

 

Tuy nhiên, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu cũng nhấn mạnh, “đã trao quyền thì phải trao thực quyền”. Theo ông, việc tổ chức hội đồng nhân dân chỉ có ý nghĩa khi có ngân sách riêng và chính sách riêng. Các vị trí phải độc lập, hành pháp thì không làm giám sát và ngược lại".

 

TS.Hiếu cũng đề xuất, ngay cả những đô thị có quy mô nhỏ cũng cần hình thành chính quyền đô thị riêng, dù phạm vi trao quyền về các lĩnh vực kỹ thuật phức tạp còn ít nhưng việc quản lý về mặt xã hội vẫn phải có đầy đủ, “và chỉ có một cấp thực thi các việc được trao. Cấp trên trao quyền nên ít can thiệp vào việc cấp dưới, tránh để một việc hai cấp cùng có trách nhiệm. Đây là cốt lõi của việc phân công tổ chức bộ máy” - TS.Nguyễn Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

 

Đối với các đô thị có quy mô trung bình lớn, theo TS.Hiếu, cần trao quyền về quản lý kỹ thuật phức tạp như quản lý đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng và kiểm soát phát triển đô thị. Tuy nhiên, các nội dung quan trọng này khi trao quyền cần tiến tới mô hình một đầu mối để không còn trùng lắp các chức năng quản lý giữa Sở Xây dựng và Phòng quản lý đô thị.

 

Liên quan đến việc tổ chức quản lý đô thị, TS.Nguyễn Ngọc Hiếu đề xuất đô thị loại I có thể có quyền tự chủ rộng rãi gần với tỉnh nhưng không nhất thiết phải thuộc Trung ương. Đô thị loại này có thể học tập mô hình quản lý xây dựng chính quyền quản lý khu vực đô thị lõi và để các huyện ngoại vi quản lý tự chủ theo mô hình nông thôn, trong đó Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, Huế có thể trao quyền rộng rãi hơn cho huyện và tập trung quản lý khu vực đô thị với chỉ một cấp chính quyền.

 

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được đề xuất áp dụng mô hình chính quyền đô thị hai cấp: quận và Thành phố. Trong khi đó, vùng ngoại vi đô thị vùng cần được xây dựng mô hình riêng. “Hà Nội so với TP. Hồ Chí Minh cũng có cũng khác biệt do tỉ lệ diện tích và dân số nông nghiệp lớn. Có thể áp dụng mô hình đô thị lõi làm hai cấp, còn bên ngoài là tỉnh Hà Nội. Bên trong đô thị lõi có thể áp dụng mô hình này với hai cấp chính quyền là cơ sở và quận hiện tại. Còn bên ngoài Hà Nội là cá huyện có cơ chế quản lý như huyện ngoại thành được trao quyền tự chủ cơ sở cao hơn" - TS Nguyễn Ngọc Hiếu đề xuất.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc