Gây ô nhiễm môi trường phạt tới 2 tỷ đồng

19:07, 13/09/2012
|

(VnMedia) - Tới đây, hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt mức rất cao: 2 tỷ đồng. Đây đang là một quy định được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường...

Phần lớn các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được giải quyết

Ngày 13/9/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, qua hơn 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay, trong tổng số 439 cơ sở được thống kê giai đoạn 1 (từ 2003-2007), đã có 370 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 84,3%).

 

Còn trong 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê tại thời điểm trước năm 2003, đến nay chỉ còn 372 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, kể từ khi thống kê các cơ sở nói trên đến nay đã gần 10 năm, cùng với phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp xuất hiện thì ô nhiễm lại gia tăng theo đà phát triển kinh tế, theo đó đã tồn tại và phát sinh một số lượng khá lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống nhân dân.

"Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay các biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này sẽ gây ra những xáo trộn và bất ổn lớn trong xã hội cũng như đối với nền kinh tế của đất nước, như sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, đói nghèo và tệ nạn xã hội” - ông Tuyến nói.
 

“Chính vì vậy, việc xây dựng một lộ trình hợp lý để các cơ sở nói trên tiến hành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để là giải pháp thích hợp, vừa bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội” - ông Tuyến nói.


Đến năm 2020 sẽ không còn cơ sở gây ô nhiễm
 

Theo Dự thảo kế hoạch, trong năm 2012, sẽ tiến hành tổng rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở đang hoạt động có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đưa vào danh mục kèm theo thời gian và các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để có tính khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo phân cấp, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm nhằm ngăn chặn việc phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

 

Trường hợp vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh hàng năm, sẽ được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân cấp thẩm quyền quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Đến năm 2015, sẽ hoàn thành xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được rà soát đến năm 2012; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

 

Đến năm 2020, sẽ hoàn thành xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được rà soát bổ sung đến năm 2015; chấm dứt tình trạng phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bảo đảm trên phạm vi cả nước không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, sự thay đổi đáng kể được đưa ra trong kế hoạch lần này chính là quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, Thủ trưởng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.

Lần này sẽ phân danh sách các cơ sở theo từng loại khác nhau và giao trách nhiệm cho từng bên liên quan. Sẽ phải xác định rõ ràng cơ sở nào sẽ được sự chú ý thường trực của các cơ quan trung ương, cơ sở nào giao trách nhiệm trực tiếp cho Chủ tịch tỉnh, và phải giải quyết, hoàn thành trong thời gian bao lâu,…" - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Mức phạt cao liệu có phát sinh tiêu cực?
 

Trao đổi với VnMedia bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, chiểu theo Luật xử phạt vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua thì tới đây, hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng.

 

- Thưa Thứ trưởng, ông kỳ vọng gì vào mức phạt cao như vậy?

 

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến

Đây là một mức phạt rất cao, có tính chất răn đe mạnh. Điều này sẽ góp phần khiến các doanh nghiệp cẩn trọng hơn bởi vì trước đây, với mức phạt nhẹ, nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Việc nâng mức phạt cao là một chế tài quan trọng. Thêm vào đó, ý thức của cộng đồng, của người dân nói chung cũng sẽ cao hơn.

 

- Có ý kiến lo ngại rằng, việc nâng mức phạt cao nhưng cơ chế giám sát không tốt có thể là cơ hội phát sinh tiêu cực lĩnh vực thanh kiểm tra về môi trường. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

 

Bao giờ cũng có hai mặt của một vấn đề. Tính cách dị nguyên bao giờ cũng hiện diện trong lĩnh vực xử phạt hành chính và các khía cạnh khác. Tốt hơn hết là mình khai thác những khía cạnh tích cực của nó. Khía cạnh tiêu cực luôn luôn có, vấn đề ở chỗ là mình có biện pháp để phối hợp giữa giới quản lý và cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình đó, làm cho việc đó trở nên minh bạch, đúng đắn hơn.

 

- Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, trong quá trình thanh kiểm tra, Tổng cục Môi trường có phát hiện trường hợp tiêu cực nào liên quan đến việc thanh kiểm tra hay không?

 

Cái đó thì chúng tôi không có số liệu, nhưng chúng tôi đã làm rất kỹ. Trong công tác thanh tra kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường không xử phạt trực tiếp. Sau khi chúng tôi đi những đoàn phối hợp với Cảnh sát môi trường hoặc với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, hay phối hợp với một số tổ chức khác, khi phát hiện những lỗi vi phạm thì lập biên bản và quy định mức phạt, chuyển giao cho địa phương xử phạt.

 

- Vậy Thứ trưởng đã bao giờ nhận được thông tin phản hồi nào từ phía doanh nghiệp về việc bị nhũng nhiễu, làm khó… trong vấn đề môi trường không?

 

Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi chỉ chấp nhận những trường hợp nào có văn bản, có chữ ký và có đóng dấu, còn những tin đồn thì chúng tôi không xử lý. Những tin đồn và dư luận thường có nhiều mục tiêu khác nhau. Những việc thanh tra, xử lý ở các chính quyền địa phương, nếu các doanh nghiệp không đồng ý thì theo luật có thể khiếu kiện tại toà. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Tổng cục không can thiệp vào chuyện đó.

 

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc