Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cần 21,4 tỷ USD

18:20, 18/09/2012
|

(VnMedia) - Đoàn nghiên cứu JICA (Nhật Bản) vừa đề xuất khoản kinh phí 21,4 tỷ USD để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang sẽ được xây dựng trước.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, ngày 17/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã họp tại TPHCM với một số tỉnh thành phía Nam về phương án phát triển đường sắt Bắc - Nam.

Tại cuộc họp, về việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đoàn nghiên cứu JICA đề xuất Việt Nam nên lựa chọn xây dựng trước hai đoạn đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh (dài khoảng 300km) và TPHCM - Nha Trang (khoảng 370km) với tốc độ 300km/giờ và tổng kinh phí khoảng 21,4 tỉ USD.  Theo đề xuất của đoàn nghiên cứu, tới năm 2013 sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi và trình Quốc hội phê duyệt dự án.

Trước đó, xung quanh đề án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này, cách đây hai năm, sau những tranh cãi của dư luận xã hội, đề án đã phải đưa ra Quốc hội lấy biểu quyết. Khi đó, chỉ với 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua chiều 19/6/2010.

Tuy nhiên, trước sự cấp thiết phải có một hệ thống đường sắt cao tốc nối liền hai miền Bắc - Nam, rút ngắn thời gian hành trình của tuyến đường, khoảng 2 tháng sau, Văn phòng Chính phủ lại có công văn cho phép Bộ Giao thông, Tổng Công ty Đường sắt kết hợp với tổ chức JICA lập dự án đầu tư một số tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM.

Theo đó, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM báo cáo Quốc hội, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài.

Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Quốc hội, tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá; làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đàm phán nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc