Tích hợp chợ và không gian công cộng: Tại sao không?

18:45, 15/07/2012
|

(VnMedia) - Trong tình trạng BĐS không còn lên cơn sốt, Hà Nội lại đang rất thiếu không gian công cộng, có thể “làm mới” những cái chợ theo hướng đa năng, nhưng không phải là kèm trung tâm thương mại hay nhà ở, văn phòng, mà thay vào đó là những nơi vui chơi, giải trí cho người Hà Nội. Đó là một ý tưởng hoàn toàn mới mà Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh đề xuất…


>>Nước mắt Chợ Dừa sau 7 năm "hiện đại hóa"
>>Chợ và những ý kiến không nên bỏ qua
>>Đìu hiu "chợ hiện đại" giữa lòng Hà Nội
>>Hà Nội xem lại việc chuyển chợ thành siêu thị
>>Chuyển đổi chợ: Bài học thành công từ Đồng Xuân, Bến Thành
>>
Hiện đại hoá chợ Hà Nội bằng cách nào?
>>Quản lý chợ Hà Nội, học gì từ các nước
>>Những "dấu hỏi" cho bản quy hoạch chợ Hà Nội
>>Phá chợ xây siêu thị là "phú quý giật lùi"?
>>"Mẹ tôi 90 tuổi vẫn thiết tha chống gậy ra chợ"
>>Phải có mặc cả, trả giá mới là chợ
>>Xoá chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>
Hà Nội sẽ không còn chợ?
 

Liên quan đến bản Quy hoạch chợ Hà Nội, sau khi đặt những câu hỏi đầy trách nhiệm đối với Sở Công thương, qua VnMedia, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) tiếp tục đóng góp thêm ý kiến để bản Quy hoạch tăng tính khả thi hơn.

 

BĐS suy giảm có thể là cơ hội

 

Vấn đề đầu tiên mà KTS Trần Huy Ánh băn khoăn, đó chính là dự báo về sự phát triển kinh tế - xã hội của bản Quy hoạch. Theo ông, nếu quy hoạch chợ theo dự báo đến năm 2045, bình quân thu nhập theo đầu người của Hà Nội là 3.300USD và năm 2020 là 5.300USD là quá lạc quan, dễ trở thành quy hoạch treo.

 

Ông phân tích: Thu nhập Hà Nội đang là khoảng 2200 USD/năm. Giả sử tăng gấp 1,5 lần thì bằng Philippines hay gấp 2 lần cũng sẽ chỉ như  Thái Lan  hiện nay. Thập kỷ 1970 -1980, nguồn lực kinh tế hai quốc gia này tập trung vào tay các gia đình tư bản lớn , độc tài quân sự. Hầu hết các diện tích lớn từ trung tâm đến ngoại ô, dọc các trục giao thông lớn mọc lên các siêu thị khổng lồ. Mối liên hệ giữa người sản xuất và tiêu dùng truyền thống bị chia cắt bởi các tập đoàn thương mại trung gian.

 

Tuy nhiên, cuối thập kỷ 1990 khi xảy ra khủng hoảng tài chính, những biến cố xã hội khiến mô hình quan hệ giao thương truyền thống được phục hồi. Bên cạnh các trung tâm thương mại lớn, xa hoa, tại Bangkok và Manila, nhiều chợ dân sinh được duy trì, hiện đại hóa, phân loại để bình dân hóa các siêu thị cũ , tạo mới, mở rộng các chợ giao dịch nông sản cho các vùng nông nghiệp, tổ chức mô hình chợ đầu mối ngoại ô, chợ cuối tuần... Đây chính là những điều mà Hà Nội cần nhìn nhận để rút kinh nghiệm trong quy hoạch chợ.


 Ảnh minh họa

 Một cửa hàng may vá trong khu chợ của Manila

 Ảnh minh họa

Chợ cây và hoa cuối tuần ở Băng-cốc - Thái Lan

 

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường BĐS Hà Nội đang suy giảm, đất đô thị hóa dở dang bị hoang hóa lãng phí đang được Hà Nội rà soát, thu hồi, KTS Trần Huy Ánh đã mạnh dạn đề xuất một “lối thoát”. Theo ông, đây có lẽ là lúc Hà Nội tái bố trí sản xuất nông nghiệp (kế thừa các dự án hoàn thành tích tụ đất nhưng thất bại kinh doanh BĐS), để mở rộng mô hình sản xuất/giao dịch nông sản chất lượng cao trên nền khu dự án sẽ đắp chiếu lâu dài.

 

“Như vậy vừa xóa quy hoạch treo đô thị lẫn chợ, lại có thể sinh ra bản quy hoạch phát triển Xanh tiết kiệm đất đai, tạo cơ hội sinh kế mới cho hàng triệu nông dân ngoại thành HN vốn giỏi chăn nuôi, trồng trọt.” – ông Ánh nói.

 

Tận dụng giao thông đường sắt, đường thủy

 

Xem xét kỹ bản quy hoạch chợ của Sở Công thương, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, bản quy hoạch này vốn không gắn kết với quy hoạch giao thông.

 

“Quy hoạch chợ không thể tham chiếu với viễn cảnh kỳ vĩ của 5 đường vành đai bên ngoài, 3 trục đường dọc và hàng chục đường xuyên tâm bên trong, theo 4 phương 8 hướng kết nối ra ngoài. Rồi lại 6 tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao, đường cảnh quan bên sông Hồng.... Quy hoạch chợ cần tìm kiếm mô hình liên kết sinh lợi để các trung tâm thương mại sẽ hỗ trợ tiền của đầu tư xây dựng nên những con đường ấy.” – ông Ánh đặt vấn đề.

 

Phân tích về đặc điểm giao thương của Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, nếu kích hoạt hai loại hình giao thông vừa rẻ tiền vừa thân thiện môi trường là đường thủy và đường sắt – hai lợi thế của Hà Nội, thì những lợi thế phát triển thu mua /phân phối hàng hóa cũng theo đó tăng nhanh.


 Ảnh minh họa

 Trung tâm mua sắm thì cần kết hợp với ga tàu điện trên cao để hút khách (Băng - cốc)

 

“Rất tiếc bản QH chợ chỉ lí nhí với mạng chợ cũ mà không đặt ra những khu vực chợ có không gian lớn (quy mô hàng trăm Ha), có khả năng chuyển đổi/nối tuyến từ các phương tiện khác nhau - Hà Nội cần đến 10 trung tâm như vậy.” - KTS Trần Huy Ánh khẳng định và cho rằng, để trở thành trung tâm giao thương của cả vùng thì các vùng sản xuất hàng hóa quanh Hà Nội cũng cần hội đủ điều kiện phát triển: nguồn nguyên liệu, năng lượng, nước sạch…

 

Tích hợp chợ dân sinh và không gian công cộng

 

KTS Trần Huy Ánh có lẽ là một trong số ít người đặt ra một mô hình “tận dụng” chợ dân sinh, nếu như người ta vẫn lo rằng để như hiện nay là “lãng phí đất vàng”. Theo đó, quy hoach chợ cũng cần lồng ghép phát triển hạ tầng xã hội, lấy chỗ thừa bù cho chỗ thiếu. Thay vì chỉ tính mỗi phường xã một chợ vài trăm m2 thì cần đặt ra chỉ tiêu là cứ 1.000 dân nên có một chợ dân sinh rộng 1.000m2, tích hợp chợ dân sinh làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

 

Ông nói: “Có thể hình dung một cái chợ mà ở tầng dưới là chợ dân sinh, tầng 2, tầng 3 là nơi sinh hoạt cho thiếu nhi, người già, là nơi tập thể dục của chị em, anh em… Như vậy, theo quan điểm này, chợ vẫn có thể “đa năng”, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa văn hóa, vừa kinh tế, mà lại giải quyết được bài toán về không gian công cộng, vốn đang làm đau đầu các nhà quản lý của Hà Nội.”.

Là một người dân Hà Nội, yêu và có trách nhiệm với chợ Hà Nội, KTS giãi bày: “Người Hà Nội vừa được lời như mở tấm lòng khi nghe ông Giám đốc sở Công thương cho biết “Sẽ không có chuyện chuyển đổi các chợ thành Trung tâm thương mại lớn theo kiểu chợ không ra chợ, trung tâm thương mại không ra trung tâm thương mại. Trong quy hoạch hiện nay đã chỉnh sửa, không còn hiện tượng ấy nữa…”

 

“Vậy thì nhân dịp Hà Nội đang lấy ký kiến đóng góp cho Quy hoach Thủ đô, ta nên xem lại bản quy hoạch chợ cũ đã lập, đề xuất lại bản mới để có một mạng lưới chợ mong đợi. Những cái chợ lớn nhỏ ấy sẽ là athứ không thể thiếu được của Hà Nội , nơi vốn được vinh danh là Kẻ Chợ từ ngày xửa ngày xưa:” – KTS Trần Huy Ánh nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc