Quản lý chợ Hà Nội, học gì từ các nước?

06:45, 28/06/2012
|

(VnMedia) - Không nên và cũng không thể thay thế hoàn toàn chợ bằng siêu thị, đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia và người dân. Tuy nhiên, cũng không thể để chợ tự phát hoặc giữ lại sự nhếch nhác, mất vệ sinh như hiện nay.

Vậy, cần phải cải tạo, nâng cấp chợ Hà Nội như thế nào để vừa giữ được nét văn hoá cổ truyền, vừa đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội khác? Hà Nội có thể học điều gì từ kinh nghiệm quản lý chợ của các nước trên thế giới? Nhóm nghiên cứu MALICA đã xác định 10 quy tắc tổ chức và quản lý để bảo tồn và sử dụng chợ tốt nhất cho quy hoạch hệ thống bán lẻ hiện đại ở đô thị mà Hà Nội có thể tham khảo...


>>Những "dấu hỏi" cho bản quy hoạch chợ Hà Nội
>>Phá chợ xây siêu thị là "phú quý giật lùi"?
>>"Mẹ tôi 90 tuổi vẫn thiết tha chống gậy ra chợ"
>>Phải có mặc cả, trả giá mới là chợ
>>Xoá chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>Hà Nội sẽ không còn chợ?
 

Theo Nhóm nghiên cứu MALICA (Liên kết nông nghiệp và thị trường các thành phố Châu Á), chợ bán lẻ đa dạng thực sự là một trong những mô hình có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, cả người có thu nhập cao lẫn người có thu nhập thấp, với các sản phẩm thông thường, tươi sống, không quá đắt, phong phú và an toàn.

 

Tuy nhiên, cũng giống như các kênh bán lẻ khác, việc nâng cấp chợ truyền thống đòi hỏi một tầm nhìn cụ thể và sự cẩn trọng từ phía quy hoạch đô thị và chính sách công.

 

Nhóm nghiên cứu Malica chỉ ra rằng, tầm nhìn của các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách, ở châu Âu và châu Mỹ La tinh là: chợ và siêu thị đều có vai trò hữu ích và bổ sung cho nhau, nên duy trì cả hai trong việc cung ứng thực phẩm cho thành phố. Đó là lý do tại sao ngày nay các chợ mới tiếp tục được hình thành, ví dụ các “chợ nông dân” ở Mỹ, hoặc tại các khu đô thị mới ở châu Âu.

 

Nhóm nghiên cứu này đã xác định 10 quy tắc tổ chức và quản lý để bảo tồn và sử dụng tốt nhất chợ truyền thống đa dạng cho quy hoạch hệ thống bán lẻ hiện đại ở đô thị.


Đa dạng các kênh bán lẻ
 

Thứ nhất, thừa nhận vai trò lâu dài của các chợ khu phố trong hệ thống bán lẻ đô thị. “Các thành phố lớn, hiện đại không thể phụ thuộc vào một hoặc duy nhất một kênh bán lẻ - cho dù đó là chợ không có mái che, siêu thị, hoặc cửa hàng. Các thành phố phải đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng có nguồn gốc, thu nhập và sở thích khác nhau. Do đó, tất cả các kênh bán lẻ đều cần thiết để đáp ứng thách thức khổng lồ này.” – nhóm nghiên cứu khẳng định.

 

Thứ hai, cần khai thác tài sản văn hóa và xã hội của chợ đường phố. Theo đó, nhiều chợ thành phố đã trở thành bản sắc đối với người dân địa phương. Một số chợ nổi tiếng trong nước hoặc thậm chí ở tầm quốc tế và được giới thiệu trên "bưu thiếp" hoặc trở thành "địa chỉ phải thăm" cho du khách trong và ngoài nước.


 Ảnh minh họa

 Cần khai thác tài sản văn hóa và xã hội của chợ đường phố

 

Theo nhóm nghiên cứu MALICA, các việc làm để cải tạo chợ như lợp mái, lát nền, xây dựng các gian hàng sạch sẽ, lắp đặt điện, nước có thể tạo ra sự khác biệt. Cũng cần có sự cải thiện về tiếp cận hệ thống giao thông công cộng, bãi đỗ xe, biển hiệu và chỉ dẫn rõ ràng ở trong và ngoài chợ.

 

Thứ ba, khi quy hoạch chợ cần tính đến tần suất của các chợ khác nhau: hàng ngày, hàng tuần và không thường xuyên. Theo đó, các chợ thành phố có thể có tần suất họp khác nhau. Vấn đề quản lý và giải pháp sẽ khác nhau cho từng trường hợp cụ thể: chợ hàng ngày (hoặc hai phiên một ngày như nhiều chợ ở Việt Nam ), chợ họp hàng tuần, hoặc chợ họp phục vụ lễ hội.

 

Nhóm nghiên cứu dẫn chứng, tại Pháp, Liên đoàn quốc gia chợ ngoài trời duy trì việc cập nhật thông tin về vị trí và tần suất họp của 4.340 chợ trong cả nước. Trong đó, khoảng 80% là những chợ không có mái che, còn 20% được xây dựng có mái che. Khoảng một nửa các chợ này (48%) được họp theo tuần. Về quy mô, hầu hết các chợ khu phố tập trung từ 26 đến 60 thương nhân. Chủng loại sản phẩm càng đa dạng thì càng thu hút khách hàng.

 

Chợ hàng ngày đòi hỏi một không gian cố định, bao gồm khu vực mua sắm, bãi đậu xe và khu dịch vụ. Còn khi chợ họp mỗi tuần một lần, vào ngày phiên chợ, thì các kế hoạch bố trí đậu xe và lưu thông đường bộ sẽ được điều chỉnh phù hợp, được chỉ dẫn rõ ràng.


Môi trường, giao thông: những vấn đề quan trọng
 

Một điều hết sức quan trọng trong việc quản lý chợ, đó là tránh ô nhiễm. Để làm được điều này, một số thành phố đã tiến hành điều tra để xác định và đáp ứng nhu cầu của người bán hàng về tiếp cận nước, xử lý nước thải, kho lạnh, xử lý chất thải. Chính quyền thành phố và Hiệp hội những người bán hàng có thể hợp tác để cải thiện cơ sở hạ tầng.

 

Có thể tổ chức thu gom, phân loại rác tại chợ. Các chợ có thể chủ động phổ biến việc sử dụng túi nhựa tái chế để tránh xả rác và ô nhiễm đường phố. Hội đồng thành phố có trách nhiệm đốc thúc công tác vệ sinh sau mỗi phiên chợ.

 

Trong khi đó, một số sản phẩm đặc thù (cá, thịt) có thể đòi hỏi người bán sử dụng các thiết bị đặc biệt để ngăn chặn một số loại ô nhiễm (quầy hàng lạnh, tủ kính bảo ôn, tủ kem, phòng lạnh...).


 Ảnh minh họa

 Chợ nông dân Hollywood, nơi nông dân địa phương, các chủ trang trại... mang hàng hoá mà họ sản xuất được đến bán

  

Vấn đề giao thông là điều cốt tử đối với sự phát triển của chợ. Do vậy, để tránh ùn tắc giao thông, nhóm nghiên cứu MALICA khuyên rằng, cần tách riêng khu vực lưu thông với khu vực mua bán.

 

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, “Thành phố trong thế kỷ XXI cần phải bền vững, nơi không gian dành cho xe ô tô tư nhân được giới hạn tại một số khu vực cụ thể để không làm ảnh hưởng không gian công cộng. Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều đang thực hiện lệnh cấm lưu thông xe, đỗ xe tại một số khu vực để dành cho người đi bộ mua sắm và tham quan. Sự phát triển mạng lưới giao thông công cộng cũng hỗ trợ xu hướng phát triển các khu vực cho người đi bộ ở trung tâm đô thị.”

 

Theo MALICA, đối với chợ không có mái che, yếu tố chính để quản lý thành công là giữ được một không gian đủ rộng. Càng ngày chính quyền các thành phố trên thế giới càng có hướng tạo ra khu vực dành riêng cho người đi bộ, do đó người đi bộ có thể mua sắm tự do và an toàn.

Vì vậy, các bãi đỗ xe hoặc bến giao thông công cộng được bố trí gần các khu vực đi bộ. Chợ thường là tâm điểm của khu vực đi bộ. Khu vực xung quanh chợ thu hút nhiều cửa hàng và nhà hàng. Kiểu tổ chức này tạo ra một hình thức mua bán đa dạng, thoáng đãng, an toàn (đi bộ mua hàng), rất khác so với mua sắm trong trung tâm thương mại.

(Còn tiếp)


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc