Hiện đại hoá chợ Hà Nội bằng cách nào?

08:10, 29/06/2012
|

(VnMedia) - Nhóm nghiên cứu MALICA (Liên kết nông nghiệp và thị trường các thành phố Châu Á) đã đưa ra những ví dụ hết sức sống động, qua đó, Hà Nội có thể tìm thấy những kinh nghiệm phù hợp để hiện đại hoá chợ mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống…


>>Quản lý chợ Hà Nội, học gì từ các nước
>>Những "dấu hỏi" cho bản quy hoạch chợ Hà Nội
>>Phá chợ xây siêu thị là "phú quý giật lùi"?
>>"Mẹ tôi 90 tuổi vẫn thiết tha chống gậy ra chợ"
>>Phải có mặc cả, trả giá mới là chợ
>>Xoá chợ, người Hà Nội mua bán ở đâu?
>>Hà Nội sẽ không còn chợ?
 

Một trong những lý do mà người ta đưa ra để tiến hành xoá bỏ chợ truyền thống và thay bằng siêu thị, trung tâm thương mại, đó là sự lạc hậu, nhếch nhác, mất vệ sinh… Vậy làm cách nào để vẫn giữ được chợ với những ưu điểm nổi bật là lợi ích của người dân nghèo thành thị và những hộ sản xuất nhỏ lẻ?

 

Hiện đại hoá dịch vụ cho người tiêu dùng…

 

Theo nhóm nghiên cứu MALICA, cung cấp đa dạng loại hình dịch vụ cho người tiêu dùng là một trong những tiêu chí sống còn để chợ có thể tồn tại và phát triển ở đô thị.

 

Một kinh nghiệm thực tế mà Nhóm nghiên cứu đưa ra, đó là những chợ truyền thống lâu đời nhất ở Melbourne , bang Victoria, Úc.

 

“Chợ rất sạch sẽ. Các khu vực bán rau, quả, thịt, đồ chơi, quần áo, hoa và quà lưu niệm được bố trí rất khoa học. Hầu hết những người bán lẻ đều niêm yết giá bán và xuất xứ sản phẩm. Chợ này khá dài nên có thể đậu xe dọc phố. Ghế ngồi được bố trí bên ngoài. Sau khi mua hàng, khách có thể ngồi nghỉ và đọc sách báo. Một số người ngồi thư giãn và nghe nhạc, trong khi những người khác đang vui chơi với con cái.”- MALICA mô tả.


 Ảnh minh họa

 Chợ ở Melbourne

 

Chợ này được quản lý theo chính sách của địa phương. Khẩu hiệu yêu cầu sử dụng túi ni lông cũ được gắn ở các góc chợ. Vào thứ bảy và chủ nhật, khách đi chợ sẽ được miễn phí gửi xe nếu đi chợ từ 6h00 đến 10h00.

 

Trong khi đó, tại Thái Lan, nhà nước đã nỗ lực cải thiện quản lý các khu vực chợ truyền thống bằng cách giữ môi trường sạch sẽ, bố trí thêm đèn chiếu sáng khi cần thiết để tăng cảm giác an toàn, giảm mức độ tiếng ồn và cung cấp một số biện pháp an ninh (camera, bảo vệ).

 

Theo nhóm nghiên cứu MALICA, duy trì các đặc điểm vốn có của chợ truyền thống được ưa thích là một mục tiêu quan trọng, bao gồm: sản phẩm tươi sống và đặc sản địa phương, giá cả thấp và khả năng mặc cả, và giao tiếp thoải mái giữa người mua và người bán. Đồng thời, cũng có thể đổi mới để thu hút nhiều người mua với khối lượng lớn ở chợ truyền thống.

 

Điều này đòi hỏi sự cải thiện môi trường của chợ như: không gian dễ chịu để nghỉ ngơi (được bố trí cây xanh, thảm thực vật, bóng mát) và để tăng cường các cơ hội giao lưu (bao gồm cả khu vực ngồi nghỉ, nhà hàng ngoài trời và quán cà phê, không gian công cộng cho các sự kiện, giải trí và văn hóa).

 

MALICA chỉ ra một ví dụ rất đáng để Hà Nội quan tâm, đó là chợ nông dân ở Mỹ. Tại đất nước hiện đại vào bậc nhất thế giới này, chợ nông dân đang tạo ra một trào lưu mới trong những người tiêu dùng đô thị.

 

Trong các chợ này, người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu dùng, không thông qua đại lý thu gom. Hình thức này được các nhóm người tiêu dùng hoặc Hội đồng thành phố hỗ trợ như là một cách để làm tái hiện sự đa dạng trong các kênh tiếp thị thực phẩm, giải pháp cho sự đơn điệu khi chỉ mua sắm tại siêu thị.

 

Nguồn gốc của sản phẩm được thông tin chi tiết và người sản xuất có thể trực tiếp giới thiệu và giải đáp về sản phẩm cho khách hàng. Trong thập kỷ qua, chợ nông dân đã trở thành phương pháp tiếp thị ưa thích của nhiều nhà nông trên khắp nước Mỹ và đây là ngày hội hàng tuần cho người tiêu dùng.

 

…và cũng nâng cấp các dịch vụ cho người bán

 

Theo MALICA, để nâng cấp chợ truyền thống, cũng cần cung cấp nhiều loại hình dịch vụ hơn cho người bán hàng như các khóa tập huấn để cải thiện điều kiện làm việc, tránh ô nhiễm, nâng cao thực hành vệ sinh.

 

Ngoài ra, cũng cần có các hình thức dịch vụ khác để người bán hàng cải thiện kinh doanh và tính chuyên nghiệp như: thuê kho và kho lạnh theo nhu cầu, công tác an ninh, dịch vụ ngân hàng, nhà vệ sinh và vòi tắm, nước và ổ điện cho mỗi quầy. Về phía mình, người bán hàng có thể đóng góp đầu tư nếu Hội đồng Thành phố yêu cầu.

 

Tại Pháp, mỗi chợ đều có nội quy riêng, trong đó xác định nghĩa vụ và quyền lợi của thương nhân. Quy định này nêu rõ thuế suất và các chi phí khác. Thương nhân, chính quyền địa phương và cảnh sát phải tuân thủ quy định một cách chặt chẽ.

 

Tại các chợ, thương nhân được tự do kinh doanh và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình phù hợp với quy định nghề nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của họ được kiểm soát bởi các cơ quan như Tòa thị chính, Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp, Cơ quan Thú y; Cảnh sát địa phương; Cảnh sát Quốc gia; Hải quan; Thanh tra lao động và công đoàn cho những đóng góp an sinh xã hội.

 

Nguyên tắc thứ 9 cần có trong xây dựng, quản lý chợ được MALICA đưa ra, đó là khuyến khích việc tổ chức và trách nhiệm của các hiệp hội thương nhân.

 Ảnh minh họa

 Chợ nông dân ở Mỹ

 

Theo đó, việc nâng cấp các chợ truyền thống có thể được hỗ trợ bằng cách thành lập một tổ chức nghề nghiệp tại chợ ở cấp địa phương, nhưng cũng cần có Hiệp hội thương nhân ở cấp quốc gia để có thể đóng góp cho chính sách công ở tầm vĩ mô. Các Hiệp hội tư thương ở cấp địa phương duy trì mối quan hệ với Hội đồng thành phố và với đại diện của Bộ Thương mại, Bộ Y tế và Bộ Du lịch.

 

Nguyên tắc cuối cùng, đó là sử dụng tiềm năng du lịch của chợ truyền thống một cách bền vững lâu dài

 

Theo phân tích của MALICA, “không có du khách nước ngoài nào đến Việt Nam mà không thăm ít nhất là chợ Bến Thành tại thành phố Hồ Chí Minh, chợ nổi ở Cần Thơ, gặp một người bán rong ở Hà Nội hoặc ở Hội An, hay chợ vùng cao ở Bắc Hà hay Sa Pa. Ở các nước khác cũng vậy, chợ là nơi cần ghé thăm.”

 

MALICA khẳng định rằng, “chợ đại diện cho một tổng thể văn hóa dân gian sống động của một quốc gia và chợ là một phần của di sản văn hóa quốc gia. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hình ảnh của chợ có mặt trên các video du lịch, áp phích và bưu thiếp trên khắp thế giới”, và, “Chính phủ của nhiều nước đã nhận thức được tiềm năng du lịch lớn của chợ và đã thành công trong việc thúc đẩy hoạt động này”.

 

Tuy nhiên, MALICA cũng đưa ra lời cảnh báo: “Một chợ trở nên duy nhất hoặc chủ yếu là hướng vào khách du lịch sẽ gặp phải nguy cơ làm mất đi tính năng động nội tại và giảm sức hút đối với khách du lịch. Khi số lượng khách du lịch đến chợ đông hơn cả người tiêu dùng địa phương, chợ đó đang hấp hối. Cần duy trì và thu hút nhiều người tiêu dùng địa phương hơn nữa”.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc