Tại sao Hà Nội không khuyến khích mua ô tô?

19:47, 13/05/2012
|

(VnMedia)- Trong quá trình văn minh hóa đô thị, các nước phát triển chẳng những không hạn chế ô tô mà còn khuyến khích mua ô tô. Tại sao ta không làm thế? - Độc giả VnMedia viết.

>> 
Hà Nội sẽ giữ cầu vượt tạm thời bao lâu ?

Sau khi VnMedia đưa bài viết, "Hà Nội sẽ giữ cầu vượi tạm thời bao lâu?", nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về toà soạn bày tỏ quan điểm cá nhân của mình. Các độc giả cho rằng, với tình hình giao thông Hà Nội hiện tại, có lẽ người dân phải chung sống với những cây cầu tạm đang xây dựng ngày một nhiều trong một thời gian rất dài. Trong đó đáng chú ý nhất là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Thanh Cường ở Hà Nội.

VnMedia xin chia sẻ cùng độc giả ý kiến của bạn Nguyễn Thanh Cường:

 Ảnh minh họa

 Nếu không có bài toán giải quyết giao thông triệt để hơn, nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ xảy ra cảnh ùn tắc dưới các chân cầu vượt tạm vừa được thông xe đưa vào sử dụng!


Các nút giao thông tại các Thành phố lớn luôn luôn là một vấn đề. Dù có áp dụng mọi biện pháp như thu phí, phân làn, đổi giờ... mà không thông tắc được các nút giao cắt thì không thể giải quyết được vấn đề. Dù bạn có làm cách nào đi chăng nữa thì phải đưa đến lời giải là lưu thông. Để lưu thông tốt: 1- Tăng diện tích lưu thông 2- giảm mật độ lưu thông 3- Giảm xung đột giao thông .

Tăng diện tích lưu thông có nghĩa là tăng diện tích mặt đường.

Điều này phải làm nhưng không nhanh được, tốn kém và mất nhiều thời gian. Mở rộng đường nội thành thì gần như không được nhiều vì giải tỏa đền bù rất lớn. Xây đường trên cao thì rất tốn kém, cần có thời gian và không phải chỗ nào cũng xây được. Tầu điện trên cao và tầu điện ngầm là khả thi hơn cả nhưng phải có tiền, cũng mất nhiều thời gian và cũng chỉ theo vài tuyến đường cơ bản. Đây là biện pháp ngốn tiền nhiều nhất .

Giảm mật độ lưu thông thì bằng cách đánh phí thật cao, vận động đi xe buýt thay cho xe cá nhân, cấm ô tô hoặc xe máy vào thành phố, đổi giờ làm... Tuy nhiên, chính các biện pháp này đang gây đau đầu cho các nhà quản lý vì động chạm đến vấn đề dân sinh và hiệu quả thế nào cũng chưa rõ ràng.

Các biện pháp trước mắt và lâu dài có lẽ là "Thông tắc các nút giao thông". Để tạo điều kiện lưu thông thông suốt, hạn chế các giao cắt, Hà Nội đã làm hàng loạt cây cầu vượt lắp ghép (chắc là cũng lâu dài chứ chả phải tạm bợ gì). Cầu lắp ghép đã giảm đáng kể ùn tắc tại các ngã tư. Tuy nhiên cầu lắp ghép nói trên chỉ giải quyết được một phần các xung đột giao thông dưới gầm cầu, còn 6 hướng xung đột tồn tại gồm 2 hướng đi thẳng và 4 hướng rẽ trái vẫn tồn tại.

Nếu lượng phượng tiện dưới gầm cầu tăng lên, chắc chắn sẽ ùn tắc dưới gầm cầu. Để giải quyết vấn đề này, Thành phố nên bỏ thêm ít tiền làm thêm 4 lối lên xuống bên cạnh cầu các cầu vượt. Nếu làm như vậy sẽ giải quyết triệt để xung đột giao thông tại các ngã tư mang tính lâu dài.

Bắt ép người dân làm cái này hay cấm làm cái kia (trừ phạm vi pháp luật quy định) là rất khó và hầu như không có kết quả. Nhiều người đòi cấm ô tô, cấm xe máy nhưng thực hiện thế nào thì... bó tay. Người dân không đồng tình thì không thể thành công. Vấn nạn giao thông ở Việt Nam chính là ở thói quen đi xe máy không thể bỏ được. Người đã quen dùng ô tô thì họ dễ thích nghi khi đi xe buýt hơn người đi xe máy. Thay đổi thói quen đi xe máy sẽ là mấu chốt trong việc giải quyết giao thông cho một đô thị văn minh.

Nhưng, làm thế nào để giảm hẳn lượng người đi xe máy ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới là một bài toán cơ bản. Làm sao cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ có toàn ô tô như các thành phố của các nước phát triển mới là cái nhắm đến. Có tác giả nói ô tô mới gây ùn tắc, còn xe máy quay đầu linh hoạt nên không gây ùn tắc. Đó là sự quan sát sai lầm!

Ở các thành phố lớn tại các nước phát triển toàn ô tô, có ùn nhưng ít khi tắc vì ô tô đi bao giờ cũng theo trật tự, phần lớn của họ là ùn (đi nhanh hay đi chậm) chứ ít khi tắc trừ khi có sự cố bất khả kháng. Còn xe máy đã ùn là tắc vì đi vô tổ chức (người rẽ ngang, người nhoi lên bên trái, người vọt lên vỉa hè, người chặn đầu quay ngang...).

 Ảnh minh họa

 Với tốc độ gia tăng dân số cơ học chóng mặt như hiện nay thì tắc đường vẫn là bài toán khó giải!


Cần giảm tối đa xe máy, khuyến khích đi ô tô!

Rõ ràng việc hạn chế tối đa xe máy trong thành phố là việc cần làm cho một thành phố hiện đại lâu dài. Tuy nhiên cấm đi xe máy trong thành phố hiện nay là điều không thể vì nó quá khó. Nhà nào cũng có mấy cái xe máy, cần chui vào ngõ nghách nào cũng được, đi có 100 mét cũng nhảy lên xe máy, thậm chí đi luôn xe máy vào giữa chợ, hoặc ngồi trên xe máy để mua ngay cạnh đường... Tự nhiên, người dân cảm thấy cái xe máy là quá tiện. Vậy muốn hạn chế xe máy thì phải làm cái điều ngược lại là: Tạo nên sự bất tiện cho xe máy và bù vào đó là tạo thuận lợi tối đa cho xe buýt .

Để tạo thuận lợi cho sự bất thuận lợi của xe máy, ví dụ nên làm là:

- Cấm hoặc phạt thật nặng xe máy để trên hè phố, hoặc để không đúng nơi quy định

- Phân luồng cứng: Làn này là của xe ô tô; làn này là của xe buýt; làn này là của xe máy. Làn xe máy đi có chật, có tắc cũng phải chịu thôi  Nếu muốn khỏi khổ, xin mời lên xe buýt hay xe điện.

- Nên khuyến khích người dân mua và đi ô tô, nhà nước sẽ thu nhiều thuế hơn, nhiều phí hơn, con người văn minh hơn, khỏe hơn, giao thông đô thị trật tự hơn, ít tai nạn hơn, ít tệ nạn xã hội hơn...

Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao ở các nước phát triển họ có cấm đi xe máy đâu nhưng đường của họ chẳng thấy xe máy mấy. Đó chính là quá trình văn minh hóa đô thị. Họ chẳng những không hạn chế ô tô mà còn khuyến khích mua ô tô. Tại sao ta không làm thế?

Hiện nay đang phát sinh xung đột giữa người có ô tô và người không có ô tô. Nhưng khi bạn đã có cả ô tô và xe máy thì không lẽ bạn tự cãi nhau với chính mình? Khi đó chính quyền có cấm đi xe máy bạn cũng gật - vì bạn đã có ô tô, hoặc có tuyến đường nào cấm ô tô - bạn cũng gật vì bạn vẫn còn xe máy,

Tóm lại phải dùng mọi biện pháp thị trường và hành chính để giảm tối đa xe máy và tăng cường xe công cộng (xe buýt, tầu điện mặt đất, tầu điện ngầm...)


Lam Nguyên - (ghi)

Ý kiến bạn đọc