Đau lòng con tiếc mẹ… bát bún!

21:09, 13/05/2012
|

(VnMedia) - Hôm nay ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 – ngày của Mẹ. Ở khắp nơi trên thế giới, những người con hướng về Mẹ với tấm lòng biết ơn vô hạn. Nhưng đâu đó, vẫn có những người con, đôi khi chỉ bằng thái độ vô cảm cũng khiến Mẹ đau lòng.

 

Sáng mùa hè, trời nắng nóng như đổ lửa. Chợ Ngọc Khánh thưa thớt người hơn mọi ngày. Ai cũng vội mua bán cho nhanh để ra về. Bỗng nhiên, mọi người giật mình nghe một tiếng nói phẫn nộ của chị bán rau: “Con với cái khốn kiếp. Có vài đồng bạc lẻ mà cũng tiếc mẹ!”. Không hiểu chuyện gì, mấy người bán hàng bên cạnh tò mò hỏi han.

 

Thì ra, chị bán rau này thấy phẫn nộ vì thái độ vô cảm của một chị phụ nữ đối với mẹ của mình. Theo lời chị kể lại, thì cách đó ít phút, có một phụ nữ trông mặt mũi ưa nhìn, ăn mặc đàng hoàng và phong thái có vẻ là một người có học đến mua rau của chị. Sau khi vừa cầm mấy chục bạc tiền lẻ mà chị bán rau trả lại, người phụ nữ này định đứng lên đi thì một cụ bà cũng bước đến mua rau. Chị này thấy vậy đon đả chào hỏi: Mẹ, mẹ cũng đi chợ à?”.

 

Hai mẹ con sau đó chuyện trò với nhau khá vui vẻ. Tuy nhiên, đến lúc người mẹ trả tiền, bà không có tiền lẻ nên rút ra trong túi tờ 200 nghìn, mặc dù chỉ mua hết chưa đến 10 nghìn đồng. Chị bán rau loay hoay lục tung cả túi để lấy tiền trả lại nhưng vẫn không đủ, vì chị cũng vừa vét gần hết tiền lẻ để trả lại cho chị phụ nữ kia.

 

Thế nhưng, người con “quý hóa” này thản nhiên đứng chờ mà không nỡ bỏ vài nghìn bạc lẻ ra để trả cho mẹ. Còn chị bán rau, sau một hồi tìm kiếm không thành thì đưa trả lại bà cụ tờ 200 nghìn và nói: "Thôi, bà cầm lấy đi. Hôm khác trả cháu cũng được". Bà cụ tần ngần cầm lại tờ tiền rồi nói: "Ừ, thôi mai bác trả nhé!". Trong khi đó, cô con gái thì dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra.

 

Khi hai mẹ con vừa đi khuất, chị bán rau mới phẫn nộ chửi đổng một câu như đã nói ở trên. Kể lại với mọi người câu chuyện, chị bảo: "Không hiểu thế nào mà một người con, trông rõ là người có học và cũng chẳng phải khó khăn gì, lại tiếc mẹ mình vài nghìn bạc. Tôi nhìn ngứa mắt quá, lần sau mà ra đây tôi không thèm bán cho nữa! Đẻ ra loại có ấy cho nó phí…”

 

Trong khi đó, một người nghe chuyện cũng khó chịu không kém, liền nói: "Sao chị không nói thẳng với bà ta, bảo là: “Có vài nghìn lẻ thôi, chị trả cho bà đi, xem mụ ấy có muối mặt mà không trả không”…

 

Một người khác có vẻ dễ tính hơn, thông cảm nói: “Chắc lúc ấy chị kia mải nghĩ gì nên quên thôi, chứ ai mà lại đi tiếc mẹ mình vài đồng bạc!”. Ngay lập tức, một người khác phản kháng: "Làm gì có chuyện đãng trí đến mức ấy. Cái hành động rút tiền ra trả cho mẹ trong tình huống này nó phải là phản xạ tự nhiên. Cứ thấy mẹ mình thì “automatic” mà trả, chứ còn phải nghĩ nữa sao?"


 Ảnh minh họa

 Sẵn sàng dốc đến đồng xu cuối cùng, rút đến chút sức lực cuối cùng, thậm chí, cả giọt máu cuối cùng cho con, đó là tấm lòng của những người mẹ

 

Nước mắt vẫn chảy xuôi


Chứng kiến câu chuyện, một người chép miệng nói: "Thời nay, cũng lắm kẻ bạc bẽo với cha mẹ lắm. Những người mẹ, họ đâu có cần vài đồng bạc? Nhưng mà họ cũng chẳng trách con mình đâu. Nước mắt chảy xuôi mà!"

 

Quả thật là nước mắt chảy xuôi. Sẵn sàng dốc đến đồng xu cuối cùng, rút đến chút sức lực cuối cùng, thậm chí, cả giọt máu cuối cùng cho con, đó là tấm lòng của những người mẹ. Và vì vậy, xã hội tôn vinh người mẹ. Nhưng xã hội cũng sẽ lên án những người con, dù không bất hiếu nhưng cũng đã quá vô tâm.

 

Bà Nguyễn Thị Mẫn (ở Minh Khai, Hà Nội) kể: Chị gái của bà có 1 cô con gái rất giỏi giang. Cô này học tận 2 bằng đại học ngoại ngữ, rồi đi du học ở nước ngoài. Trở về nước, cô ta làm việc cho một công ty của Nhật, với mức lương cách đây cả chục năm cũng đã suýt soát nghìn đô. Ấy vậy mà, cách đối xử của cô này đối với mẹ khiến bà Mẫn giật mình.

 

“Một lần, tôi vào nhà bà chị ở Huế chơi và hai chị em rủ nhau đi ăn sáng. Khi chúng tôi vào quán bún thì thấy cô cháu gái đã đang ăn ở đó. Thấy chúng tôi vào, nó chỉ gật đầu chào, ăn tiếp rồi đứng lên trả tiền về trước. Khi tôi và bà chị ăn xong, thấy chị ra trả tiền, tôi liền nói: chắc cái Linh nó trả rồi chứ chị? Bất ngờ, bà chị tôi buông một câu: Đời nào mà nó trả tiền cho tôi!”.

 

Thế rồi, lần đầu tiên chị bà Mẫn trút hết tâm sự với người em. Bà kể, mỗi tháng cô con gái mang về đưa mẹ vài trăm bạc gọi là để góp tiền cơm. Còn thì, muốn ăn gì thêm, cô ta dấm dúi mua về, mang vào buồng ăn riêng. Mang tiếng là mua cho mẹ cái bếp gas, nhưng mỗi ngày đi làm về là nó phàn nàn, rằng bà không biết giữ gìn, “dùng như phá”, rồi thì “không bỏ tiền ra nên không xót”…

 

Nhưng mà, nước mắt vẫn chảy xuôi. Dù còn khó khăn, nhưng chị bà Mẫn nhất định không chịu bán bớt một phần đất trong cái vườn rộng mênh mông ở ngay trong khu Đại Nội của thành phố Huế. Bà đem chia đều mảnh đất ấy cho mấy đứa con, cả trai lẫn gái. Cô con gái “độc nhất vô nhị” kể trên cũng được một phần, nghe đâu bán đi cũng được tiền tỉ.

 

Không đến mức như 2 nhân vật kể trên, nhưng phổ biến hơn có lẽ vẫn là tình trạng cho bố mẹ “đồ thừa”. Nuôi con, mẹ dành hết cho con những gì tốt nhất, đến khi con trưởng thành, đi làm có tiền, họ sẵn sàng chi cả đống tiền cho cuộc sống tiện nghi của mình, nhưng với mẹ thì họ... quên. Và khi sắm đồ mới, họ mới “rộng tay” cho bố mẹ đồ cũ. Thế mà họ còn tự hào rằng mình là người “thoáng tính”.

 

Chả thế mà, một chị kể rằng, có lần chị nằm mơ, thấy mẹ mắng: “Mày toàn dùng dầu gội đầu hàng nhập khẩu, nhưng lại mua cho mẹ dầu gội đầu liên doanh!”. Dù chỉ là giấc mơ không có thật, vì mẹ chị chẳng bao giờ trách chị một lời, nhưng nghĩ lại chị thấy đó là sự thật. Trong sâu thẳm, chị biết mình đã cư xử không phải với mẹ mình. Và từ đó, khi định mua bất cứ thứ gì cho mình, chị cũng nghĩ đến mẹ trước.

 

Nhân ngày của Mẹ, tác giả bài viết kể lại những chuyện này cho mọi người nghe, và cũng chính là để răn cho mình, để tự thấy rằng, mình có lỗi với Mẹ biết bao!


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc