Bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu

09:27, 22/05/2012
|

(VnMedia) - Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai. Đây là một điểm mới trong hoạt động của Quốc hội mà Dự thảo Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội quy định.

 

Theo Dự thảo Nghị quyết, Quốc hội sẽ giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Cũng là một trong những điểm cải tiến trong hoạt động Quốc hội, đó là tại các phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian chất vấn tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp, đồng thời bố trí phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị câu hỏi chất vấn.

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ lựa chọn một số nhóm vấn đề nổi lên, dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn tại hội trường và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Sau đó, các đại biểu sẽ tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề.

 

Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và khi cần thiết, sẽ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn và việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội.


 Ảnh minh họa

 Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai

 

Hằng năm, Quốc hội sẽ tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Quốc hội giao hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn. Quốc hội cũng sẽ tăng hoạt động báo cáo giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách.

 

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và đại biểu Quốc hội quan tâm có thể đăng ký tham dự phiên họp chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp giải trình của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.


Xem xét, quyết định các dự án, công trình quan trọng


Ngoài việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, giải trình, Quốc hội có thể sẽ tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp và trực tuyến để các đại biểu Quốc hội tham gia và nhân dân theo dõi, giám sát.

 

Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ được thông qua tại kỳ họp đầu năm trước để có thời gian, điều kiện triển khai việc thực hiện. Quốc hội cũng sẽ tăng các hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách. Khi cần thiết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và ban hành Nghị quyết về giám sát.

 

Thêm một cải tiến, đổi mới nữa trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội, đó là khi cần thiết sẽ áp dụng quy trình xem xét tại 2 kỳ họp Quốc hội đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội sẽ thẩm tra đối với lĩnh vực được phân công phụ trách.

 

Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến dự án, công trình; phối hợp từ đầu quá trình chuẩn bị để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung của dự án, công trình; tổ chức hội nghị chuyên gia, thu hút các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học - công nghệ; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của dự án, công trình.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc