Vì sao tên Muhammad Ali được gắn trên tường ở Đại lộ Danh vọng?

15:50, 06/06/2016
|

Võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali thường được xem là nhân vật “vĩ đại” nhất trong làng quyền Anh, một biểu tưởng về nhân quyền.

Ngôi sao đặc biệt của ông Ali trên tường Đại lộ Danh vọng
Ngôi sao đặc biệt của ông Ali trên tường Đại lộ Danh vọng

Trên Đại lộ Danh tiếng Hollywood, ngôi sao của ông cũng “có một không hai”. Ngôi sao mang tên ông là ngôi sao duy nhất trong số hơn 2.500 nhân vật nổi tiếng được tôn vinh không nằm dọc theo Đại lộ Hollywood ở Los Angeles. Ngôi sao của ông nằm ngang tầm mắt, trên tường ngay cạnh Đại lộ Danh tiếng, ngay trước mặt Nhà hát Dolby, nơi tổ chức lễ trao giải Oscar thường niên.

Như thường lệ, khi một diễn viên hay ca sĩ được gắn sao qua đời, người hâm mộ lại tụ hội tại ngôi sao mang tên người đó để tưởng nhớ. Với Ali cũng vậy, người hâm mộ tới ngôi sao mang tên ông để chụp ảnh và đặt hoa sau khi cựu vô địch quyền Anh hạng nặng qua đời hôm 3/6 ở Arizona, thọ 74 tuổi.

Hồi năm 2002, Phòng Thương mại Hollywood đã gắn sao của Ali tại số 6801 Đại lộ Hollywood, tôn vinh ông ở hạng mục “những màn trình diễn sống” với thành công khó tin của ông trên võ đài.

Tuy nhiên, việc gắn sao mang tên Ali trên tường đã phá vỡ truyền thống bởi ông không muốn mọi người đi lại trên tên tuổi mình.

“Tôi mang tên nhà tiên tri đáng kính Muhammad vậy nên tôi không thể cho phép mọi người chà đạp lên tên mình” - Ali, đã cải sang đạo Hồi từ những năm 1960, từng tuyên bố.

Thời điểm đó, Johnny Grant, Chủ tịch Ủy ban Đại lộ Danh tiếng, tuyên bố khi quyết định gắn sao Ali trên tường: “Muhammad Ali là một trong những “nghệ sĩ trình diễn” nổi tiếng nhất thế giới”.

Ali tên thật là Cassius Marcellus Clay Jr. Ông từng 3 lần giành chức vô địch hạng nặng và một lần giành huy chương vàng Olympic hạng vừa. Năm 1999, Ali được tạp chí thể thao Sports Illustrated và BBC tôn vinh là "vận động viên của thế kỷ”.

Ông từng bị đi tù vì không chịu nhập ngũ tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Ông đã công khai phỉ báng và từ chối vào quân đội Mỹ, dựa trên niềm tin tôn giáo của mình và phản đối chiến tranh Việt Nam.

“Không người Việt Nam nào gọi tôi là mọi đen cả. Tại sao tôi phải đi 10 ngàn dặm để thả bom lên đầu những người Việt Nam vô tội, trong khi ở Mỹ người da đen còn bị đối xử tệ bạc...” – Ali bày tỏ rõ tinh phần phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Ngay cả khi các cuộc biểu tình chống chiến tranh vẫn chưa lan rộng, ông cũng đã dùng cụm từ "Chiến tranh Việt Nam" để nói rõ sự phản đối của mình và tuyên truyền cho thế hệ trẻ.

Ali qua đời tối ngày 3/6 tại một bệnh viện ở khu vực Phoenix, nơi ông đã điều trị chứng rối loạn hô hấp trong vài ngày trước.

(Theo Thể thao Văn Hóa)


Ý kiến bạn đọc