Công Phượng và sự vô duyên với tuyển Việt Nam

16:20, 03/06/2016
|

Có thể nói Nguyễn Công Phượng là một trong những hiện tượng của bóng đá Việt Nam. Trưởng thành từ lò đào tạo HAGL – Arsenal JMG, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, tài năng trẻ này nhanh chóng tạo nên cơn sốt đối với người hâm mộ. Tuy nhiên, trong màu áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG), tiền đạo xứ Nghệ lại gặp phải nhiều chướng ngại để được thi đấu đúng với khả năng của mình.

Công Phượng vẫn vô duyên với đội tuyển quốc gia
Công Phượng vẫn vô duyên với đội tuyển quốc gia

Khi Toshiya Miura còn dẫn dắt tuyển Việt Nam, đã không ít lần Công Phượng được tạo điều kiện để tập luyện cùng ĐTQG dù lúc ấy, anh đang tập trung cho tuyển U23. Tuy nhiên, sau vài buổi tập làm quen, HLV người Nhật Bản lại phải trả Công Phượng về môi trường phù hợp với anh hơn. Phượng khi ấy vẫn chưa hợp ý với ông và còn thiếu đôi chút kinh nghiệm để có thể sát cánh cùng các đàn anh. Thậm chí, trong trận đấu giao hữu với Manchester City, Công Phượng được cho ra sân nhưng cũng chỉ được vài phút cuối trận ngắn ngủi. Việc “Messi Việt Nam” lỡ hẹn với ĐTQG khi ấy coi như anh không có đủ tố chất.

Đến thời của Nguyễn Hữu Thắng, cơ hội đã mở ra rõ ràng hơn với Công Phượng. Bởi, dù vô tình hay hữu ý, người ta đều có thể nhận ra lực lượng nòng cốt theo ý đồ xây dựng lối đá tiki-taka của HLV Hữu Thắng phần lớn đều xuất thân từ hai lò Nghệ An và HAGL. Nhưng rồi, chấn thương đã ngăn cản ước mơ khoác màu áo đỏ của cầu thủ sinh năm 1995. Trong khi các đồng đội cùng trang lứa khác như Xuân Trường, Văn Toàn hay Tuấn Anh có cơ hội toả sáng trong trận ra mắt của HLV người Hà Tĩnh thì Công Phượng lại phải cô đơn chữa trị chấn thương của mình ở xứ người.

Phải đến trận đấu với Syria vừa qua, cầu thủ của Mito Hollyhock mới có thể được xem là thi đấu chính thức cho ĐT Việt Nam, dù anh chỉ vào sân từ băng ghế dự bị. Nhưng hơn 30 phút có mặt trên sân của Phượng cũng đủ tạo ra những cơn sóng nho nhỏ.

Gia đình anh lặn lội đường xa để được gặp mặt con. Khán giả gọi tên anh như một phản xạ tự nhiên sau những tháng ngày vắng bóng. Phượng đã thi đấu tốt, anh cho thấy sự tiến bộ của mình bằng những pha đi bóng kĩ thuật và gây khó khăn cho hậu vệ đối phương. Tiếc là, khả năng ghi bàn của anh vẫn còn là điều cần phải cải thiện.

Tuy nhiên, ở Mỹ Đình hôm ấy, ai cũng thấy cái bóng quá lớn của Công Vinh đã che lấp đi nỗ lực của Phượng. Tiền đạo của Becamex Bình Dương quá xuất sắc trong khi đàn em của anh thì chỉ mới chập chững trong lần đầu ra mắt. Công Phượng mang số áo 16, một con số khá lạ với anh. Bởi chiếc áo số 10 mà các tiền đạo đều mơ ước đã dành cho Văn Quyết – người xứng đáng hơn Phượng rất nhiều. Vậy nên, cho đến thời điểm hiện tại, Công Phượng có thể là ngôi sao trong lòng người hâm mộ nhưng để trở thành ngôi sao của ĐT Việt Nam, e là còn quá sớm để nói về chuyện này.

Chưa kịp vui thì tin buồn lại đến với tiền đạo xứ Nghệ. Giải Tứ hùng ở Myanmar chưa kịp khai mạc, Công Phượng đã gặp phải chấn thương bong gân. Và khả năng ra sân của anh ở trận đấu với Hong Kong coi như bỏ ngỏ. Nếu thực sự phải làm khán giả, sẽ là một điều đáng tiếc với anh. Bởi sau những tháng ngày dự bị ở xứ người, khát khao được ra sân của anh lại bị dập tắt.

So với các cầu thủ khác của học viện HAGL – Arsenal JMG, có vẻ con đường đến với ĐTQG của Công Phượng lại gian nan và thiếu may mắn hơn. Đây là lúc mọi người cần anh chứng minh thực lực của mình. Chỉ có tài năng mới cứu anh khỏi cái dớp của số phận.

(Theo Thể thao 365)


Ý kiến bạn đọc