Bóng đá Thái Lan không "xây nhà từ nóc"!

06:48, 07/09/2015
|

(VnMedia) - Bóng đá Thái Lan liên tiếp giành ngôi vô địch cấp độ U16, U19, U23 rồi đội tuyển, trong khi bóng đá Việt Nam vẫn chưa dứt căn bệnh "xây nhà từ nóc" đã tồn tại nhiều năm qua.

Sự trở lại của "quyền lực" Thái Lan

Kể từ khi SEA Games ra đời lần đầu tiên vào năm 1959 đến nay, bóng đá Thái Lan luôn là "ông kẹ" của làng bóng đá khu vực. Họ giành đến 9 tấm HC vàng Đại hội thể thao khu vực, trước khi SEA Games 2001 trở về sau dành cho lứa U23 tham dự. Sự áp đảo cũng nghiêng về lứa U23 Thái Lan, khi họ đoạt đến 6 ngôi vô địch trong 8 kỳ Đại hội gần nhất.

Bóng đá xứ chùa Vàng phủ bóng của mình lên bóng đá khu vực gần 50 năm qua là điều ai cũng rõ. Chỉ có điều, sự áp đảo ấy cũng có lúc lung lay dữ dội, khi người Thái cũng đánh mất sức mạnh của bản thân. Kể từ chức vô địch AFF Cup 2002, Thái Lan mất 12 năm mới trở lại vị trí số 1 khu vực.

Tuyển U23 Thái Lan cũng thất bại thảm hại tại SEA Games 2009 và 2011 và chỉ đến khi HLV Kiatisak Senamuang lên nắm quyền năm 2013, bóng đá xứ chùa vàng mới lấy lại vị thế vốn có.

Ảnh minh họa

Trong năm 2015, Thái Lan vô địch U16, U19 và U23 Đông Nam Á.

Chỉ trong 3 năm vừa qua, bóng đá Thái Lan thâu tóm mọi danh hiệu quan trọng ở các giải U đến cấp độ đội tuyển. Đội U23 vô địch SEA Games 2013 và 2015, tuyển quốc gia vô địch AFF Cup 2014. Ngay trong năm 2015, bên cạnh thắng lợi đội U23, U16 và U19 Thái Lan cũng đăng quang ngôi vô địch hết sức thuyết phục. Trận chung kết được chờ đợi nhất U19 Thái Lan - U19 Việt Nam, đội bóng xứ chùa Vàng thắng đậm thầy trò Hoàng Anh Tuấn với tỉ số khó tin 6-0.

Tựu chung lối chơi của U16, U19 và U23 không khác cách vận hành lối chơi tuyển Thái Lan là mấy. Các cầu thủ sở hữu kỹ thuật cá nhân điêu luyện, phối hợp bật tường vô cùng ăn ý, hiệu quả và tốc độ. Lối đập nhả gợi nhớ hình ảnh tiki-taka của lò đào tạo La Masia cũng được cầu thủ Thái Lan thực hiện nhuần nhuyễn.

Nhìn rộng ra, lứa tuyển trẻ và tuyển Thái Lan thành công bởi các CLB tại Thai Premier League cũng xây dựng dựa trên lối đá thiên về kỹ thuật, khéo léo như thế. Mà các CLB Thái Lan từng gây tiếng vang, khi CLB Ngân hàng Nông Nghiệp Thái Lan từng vô địch châu Á năm 1994, 1995 hay BEC Tero Sasana vào chung kết C1 châu Á năm 2003. Hiện tại, CLB Buriram Utd luôn có mặt top những CLB hàng đầu Cup C1 châu Á - điều cả những CLB hàng đầu V-League là B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T cũng chưa thể với tới.

Không chỉ chiêu mộ những cầu thủ tên tuổi, giải Thai Premier League luôn đặt yếu tố giải trí, kỹ thuật, đẹp mắt lên hàng đầu. Điều này, V-League chưa thể nào bằng được, khi giải đấu của chúng ta luôn bị ca thán vì bạo lực, trọng tài, bán độ... trong nhiều năm qua. Sự chung tay, nhất quán từ CLB đến đội tuyển quốc gia đã giúp Thái Lan thống trị các cập độ trẻ lẫn cấp độ tuyển và hướng đến giấc mơ cao hơn là có mặt ở đấu trường Wolrd Cup.

VFF vẫn làm bóng đá kiểu "xây nhà từ nóc"

Nhận được nhiều kỳ vọng, U19 Việt Nam vẫn không thể vượt qua được thử thách cuối cùng mang tên U19 Thái Lan. Thậm chí thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn còn nhận trận thua tan nát 0-6 trước kỳ phùng địch thủ. Tan trận, HLV Anh Tuấn thừa nhận chênh lệch chuyên môn quá lớn và U19 Thái Lan thắng xứng đáng.

Cũng nhìn lại quá khứ, không biết bao nhiêu lần bóng đá Việt Nam gục ngã trước Thái Lan ở ngưỡng cửa thiên đường. Không chỉ kém đối thủ về tâm lý, chúng ta bị đối thủ bỏ xa về thể lực, kỹ chiến thuật. Nhất là kỹ năng sút xa từng gắn liền Dusit, Tawan, Thonglao, Chaiman... là điều cầu thủ Việt Nam chưa bao giờ có được.

Và khoảng cách đẳng cấp ngày càng nới rộng trong 2 năm trở lại đây, khi Thái Lan đang hưởng quả ngọt từ định hướng họ lựa chọn. Lối chơi hoa mỹ, ít dựa vào sức mạnh mà gắn liền với sự khéo léo và đầu óc cùng lối chơi tập thể. U19 Thái Lan mang dáng dấp đàn anh với lối đá đĩnh đạc, nhỉnh hơn cả về kỹ thuật đến tâm lý. Trận thắng 6-0 như màn dạo chơi trên sân của đội bóng trẻ Thái Lan.

Họ có con đường nhất quán trong cách làm bóng đá, trong khi chúng ta sống manh mún bằng sự tự phát của các CLB. Lứa U19 ViệtNam năm 2013-2014 gắn liền lứa Học viện HAGL Arsenal JMG - thiên về kỹ thuật, kỹ năng phối hợp ngắn mang tính biểu diễn. Lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... làm ngây ngất khán giả, địch thủ U19 và U21 Thái Lan ngán ngại, lại có phần mong manh, thiếu hiệu quả.

Ảnh minh họa

U19 Việt Nam (đỏ) hết dùng quân Hoàng Anh Gia Lai lại dùng quân VPF,
kết quả lối chơi thiếu định hình, bản sắc thực sự giống U19 Thái Lan.

Đến lứa U19 Việt Nam năm 2015 do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt lại dựa vào lò đào tạo PVF. Nhìn hình ảnh Trọng Hóa, Đức Chinh, Tiến Linh, Trọng Đại... có sức vóc, thể hình, chơi bóng chắc chắn, hiệu quả. Chỉ có điều trước đối thủ chơi bóng tinh quái và khéo léo vượt trội, U19 Việt Nam trở thành "quân xanh" bất đắc dĩ trong trận đấu tranh cup vô địch.

Chỉ so sánh hai lứa U19 Việt Nam gần nhất đã thấy sự bất cập trong cách tuyển quân và xây dựng bản sắc. Sự manh mún, mỗi đội mỗi phách khiến tuyển Việt Nam càng đá càng rối, thường thiếu hiệu quả mỗi khi thi đấu từ cấp U16 đến tuyển quốc gia.

Trách nhiệm không ai khác thuộc vệ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), bởi chính Liên đoàn thiếu hẳn lộ trình phát triển và dẫn tới cảnh "xây nhà từ nóc" suốt hơn 20 năm qua như lời cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Alfred Riedl từng nói.

Thay vì định hướng phát triển, VFF chỉ dựa vào sự đầu tư từ chính CLB. CLB gieo gì, VFF gặt nấy. Lứa U19 thay nhau sử dụng quân Hoàng Anh Gia Lai rồi VPF, trong khi Liên đoàn không có quyết định gì nổi trội. Đó là sự khác biệt quá lớn với Thái Lan khi dấu ấn Liên đoàn trong mô hình, lối chơi từ CLB đến đội tuyển được quyết định chủ yếu.

Để rồi nỗi đau thất bại thêm dài, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn giấc mơ vượt mặt người Thái. Mục tiêu thì tốt nhưng các làm vẫn như cũ, để rồi bóng đá Việt Nam và những đối trọng còn lại loay hoay chưa tìm được lối ra cho mình. Còn người Thái đã bứt đi rất xa và hướng đến giấc mơ tranh tài World Cup. Lý do đơn giản, họ không làm bóng đá theo kiểu "xây nhà từ nóc" như chúng ta!


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc