SEA Games 28: Ánh Viên giành HC vàng thứ 6!

09:50, 09/06/2015
|

(VnMedia) - Chung kết 200 mét bướm và 200 mét tự do, Ánh Viên xuất sắc giành HC vàng và phá hai kỷ lục SEA Games.

* Độc giả nhấn phím F5 để cập nhập thông tin mới nhất về diễn biến các môn thi.


Sau khi giành 2 HC đồng trong ngày thi 8/6, canoeing Việt Nam đã có tấm HC vàng đầu tiên tại SEA Games 28. Chung kết nội dung C1 200 mét nữ, VĐV Nguyễn Thị Phương mang về tấm HC vàng với thời gian 51,456 và bỏ xa hai đối thủ tiếp theo Orasa (Thái Lan; 53,338) và Riska (Indonesia; 53,361). Đây là lần đầu tiên dự SEA Games nhưng VĐV 16 tuổi này gây sốc cho làng canoeing khu vực.

Ảnh minh họa

Canoeing góp sức với tấm HC vàng của VĐV Trương Thị Phương. Ảnh: BĐ.

Ngoài ra, VĐV Đỗ Thị Thanh Thảo cũng mang về thêm 1 tấm HC đồng cho canoeing Việt Nam. Chung kết nội dung K1 200 mét nữ, Thanh Thảo cán đích thứ 3 khi thua VĐV vô địch người Singapore đúng 1 giây.

Ngay sau đó, Đỗ Thị Thanh Thảo cùng đồng đội Vũ Thị Linh cũng đoạt thêm tấm HC đồng thứ 2 trong ngày ở nội dung K2  200 mét đôi nữ với thời gian 42,874. Về nhất là cặp đôi Thái Lan và HC bạc thuộc về chủ nhà Singapore. 

Ảnh minh họa

Nụ cười Trương Thị Phương trên bục nhận HC vàng. Ảnh: Bongdaso.

Vòng loại môn bơi lội cũng diễn ra hấp dẫn tại NTĐ Aquatic Center, khi các kình ngư Việt Nam tiếp tục đua tranh quyết liệt với chủ nhà Singapore. Nhằm dưỡng sức cho thi chung kết buổi chiều, kình ngư Ánh Viên bỏ nội dung thi vòng loại 100 mét ngửa để tập trung cho nội dung 200 mét bướm và 200 mét tự do.

Ảnh minh họa

Ánh Viên dồn sức đoạt HC vàng những cự ly từ 200 mét trở lên. Ảnh: ST.

Việc Ánh Viên xuất phát chậm trong ngày thi thứ 3 khiến cô gặp bất lợi trước Li Tao (Singapore) ở những cự ly dưới 200 mét, nên HLV Đặng Anh Tuấn muốn "cô gái vàng" tập trung giành HC vàng ở những cự ly trên 200 mét tại Đại hội năm nay.

Kết quả, Ánh Viên dễ dàng bước qua vòng loại và thi chung kết 200 mét bướm (18h00 chiều) và 200 mét tự do (19h24 tối). Tay bơi Diệu Linh (200 mét tự do) và Mỹ Thảo (200 mét bướm) cũng lọt top 8 VĐV thi chung kết.

Tay bơi Hoàng Quý Phước cũng xếp hạng 5 vòng loại 100 mét tự do và đoạt vé dự chung kết chiều nay. Trong khi VĐV Duy Khôi lọt chung kết 400 mét hỗn hợp mà không cần thi vòng loại.

Nội dung billiard & snooker, bộ đôi VĐV Nguyễn Thanh Bình - Nguyễn Trung Kiên giành chiến thắng 3-0 trước Malaysia để lọt vào bán kết. Đối thủ của Thanh Bình - Trung Kiên sẽ là tuyển Myanmar và trận đấu diễn ra lúc 16h00 tại Arena Hall.

Vòng loại chạy 100 mét, cặp VĐV Lưu Kim Phụng và Nguyễn Thị Oanh đều lọt vào vòng thi chung kết. Lưu Kim Phụng về thứ 3 lượt chạy đầu với thời gian 11,73 giây, trong khi Nguyễn Thị Oanh cán đích thứ 3 ở lượt chạy thứ hai với thời gian 11,98 giây.  

Ảnh minh họa

Cơ thủ Mã Minh Cẩm (ảnh) có trận chung kết nội bộ với Phi Hùng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Vào lúc 12h30, trận chung kết carom 1 băng giữa Mã Minh Cẩm và Trần Phi Hùng đang diễn ra tại NTĐ Arena Hall. Ở bán kết, Mã Minh Cẩm đánh bại "phù thủy" Efren Reyes, trong khi Phi Hùng cũng vượt qua đối thủ người Philippines khác là Dela Cruz.

Trước đó, Mã Minh Cẩm từng vô địch carom 1 băng SEA Games 2011 sau chiến thắng trước Dela Cruz. Nhưng 2 năm sau, Minh Cẩm thất bại trước đồng hương Đặng Đình Tiến, với tỉ số 85-100 ở trận chung kết năm 2013.

Trận chung kết 1 băng năm 2009 tại Vientiane (Lào), cơ thủ Đặng Đình Tiến cũng đánh bại người đồng hương Cao Thanh Trúc trong trận tranh HC vàng. Năm 2007 tại Nakhon Ratchasima, cơ thủ Dương Anh Vũ đánh bại đồng hương Nguyễn Sĩ Tường để lên ngôi vô địch. Năm 2005 tại Manila (Philippines), cơ thủ Nguyễn Thanh Bình vượt qua đồng hương Lê Phước Lợi ở trận đấu cuối cùng.

VĐV Phạm Phước Hưng mang về thêm 1 tấm HC đồng nội dung tự do nam với số điểm 14,5. Xếp trên Phước Hưng là hai VĐV Philippines và Singapore.

Tứ kết nội dung pool 9 bi đơn nam, cơ thủ Đỗ Hồng Quân đánh bại Ibrahim (Malaysia) với tỉ số 9-6 để lọt vào bán kết hai với Dennis Orcollo (Philippines) diễn ra vào 19h00 tối nay.

Ảnh minh họa

Cơ thủ Phi Hùng (ngoài) đánh bại đồng hương Minh Cẩm chung kết carom 1 băng.

Trận chung kết carom 1 băng đã kết thúc sau 1 giờ thi đấu vô cùng sôi nổi. Ngược dòng đánh bại Mã Minh Cẩm với tỉ số 100-92, cơ thủ Trần Phi Hùng trở thành nhà vô địch mới carom 1 băng tại SEA Games 28. Các cơ thủ Việt Nam tiếp tục duy trì sự thống trị carom 1 băng từ năm 2005 đến nay.

Ảnh minh họa

"Nữ hoàng TDDC" Hà Thanh đã có 2 HC vàng tại SEA Games 28. Ảnh: Reuters.

Chỉ ít phút sau, VĐV Phan Thị Hà Thanh giành HC vàng nội dung nhảy chống với số điểm với số điểm 13,983. Đây cũng là tấm HC vàng thứ hai của "nữ hoàng TDDC" quê Hải Phòng, sau chức vô địch toàn năng nữ đúng 1 ngày trước.

VĐV Lê Thanh Tùng mang về thêm 1 tấm HC đồng nội dung ngựa tay quay với số điểm 13,233.

Ảnh minh họa

Đặng Nam mang về tấm HC vàng thứ 30 cho đoàn Việt Nam.

Thêm một tấm HC vàng nữa được các VĐV thể dục dụng cụ mang về. Chung kết nội dung nhảy vòng  treo nam, VĐV Đặng Nam giành HC vàng với số điểm rất cao 15,300. Đồng đội Phạm Phước Hưng đoạt HC bạc với số điểm 14,033.

Đây cũng là tấm HC vàng thứ 5 của thể dục dụng cụ Việt Nam tại SEA Games 28; ngang bằng thành tích môn bơi lội. Hiện tại, môn đấu kiếm đóng góp nhiều nhất (8 HC vàng) trong tổng số 30 HC vàng của đoàn Việt Nam.

Điền kinh cũng khởi tranh nội dung chung kết vào lúc 15h00 chiều tại sân vận động quốc gia. ĐKVĐ SEA Games 2013 Nguyễn Văn Hùng thi đấu nội dung nhảy ba bước nam cùng đồng đội Nguyễn Văn Mùa. Cách đây 2 năm, Văn Hùng lập kỷ lục quốc gia, kỷ lục SEA Games khi đạt thành tích 16,67 mét sau 6 lượt nhảy. Tuy nhiên, Văn Hùng chỉ nhận HC đồng với thành tích 15,92 mét, trong khi đối thủ Malaysia giành HC vàng và lập kỷ lục 16,76 mét .

Ảnh minh họa

Việt Nam có 2 VĐV Văn Hùng, Văn Mùa thi chung kết nhảy ba bước nam.

ĐKVĐ SEA Games 27 Nguyễn Văn Lai cũng bắt đầu thi phần chung kết 5.000 mét nam. Ngoài ra, còn có VĐV Đỗ Quốc Luật cũng lần đầu tham dự Đại hội. Sau nửa chặng đua, Văn Lai và Agus Prayobo (Indonesia) đã bứt rất xa nhóm bám đuổi phía sau. 

Ảnh minh họa

ĐKVĐ cự ly 5.000 và 10.000 mét - Văn Lai chạy thứ hai sau Agus (trắng).

Đến vòng cuối cùng, Văn Lai vượt lên đối thủ Agus để tiến một mạch đến vạch đích. Cách đính với thời gian 14 phút 4 giây 82, Văn Lai bảo vệ ngôi vô địch cự ly 5.000 mét và phá luôn thành tích của mình thiết lập đúng 2 năm trước. Kỷ lục SEA Games tồn tại 22 năm của VĐV Indonesia cũng bị phá sâu 4 giây.

Ảnh minh họa

Vượt Agus ở vòng cuối, Văn Lai (vàng) về đích và phá sâu kỷ lục SEA Games.

Chung kết 100 mét nữ, hai VĐV Lưu Kim Phụng và Nguyễn Thị Oanh thi đấu không thành công và lần lượt xếp thứ 6 và thứ 8 chung cuộc. VĐV Lê Trọng Hinh cũng chỉ xếp thứ 7 chung kết chạy 100 mét nam.

Cặp VĐV Thanh Bình - Trung Kiên thất bại trận bán kết billiards đôi nam trước đối thủ Myanmar và nhận HC đồng.

Sau khi kết thúc nội dung chính tranh HC môn điền kinh trong ngày hôm nay, môn bơi lội tiếp tục thi chung kết các nội dung vào 18h00 tại NTĐ Aquatic Center. Ánh Viên sẽ bước vào nội dung chung kết đầu tiên 200 mét bướm.

Ảnh minh họa

Ánh Viên xuất phát đường bơi số 6 cự ly 200 mét bướm nữ.

Ánh Viên không phụ sự kỳ vọng khi xuất phát ấn tượng từ những mét đầu tiên rồi tăng tốc loại bỏ những đối thủ như Kittitya (Thái Lan; ĐKVĐ 200 mét bướm nữ) hay Ting Wen Quang (Malaysia). Cán đích với thời gian 2 phút 11 giây 12, Ánh Viên phá sâu kỷ lục Li Tao (Singapore; SEA Games 2009) lập được 2 phút 13 giây 49.

Đây cũng là kỷ lục thứ 6 và HC vàng thứ 5 của Ánh Viên tại Đại hội.

Ảnh minh họa

Hình ảnh ghi lại sự vượt trội của Ánh Viên chung kết 200 mét bướm nữ.

Chung kết 100 mét bướm nam, Hoàng Quý Phước chỉ về thứ 4 với thời gian 54 giây 28.

Trần Duy Khôi cũng bước vào chung kết 400 mét hỗn hợp cá nhân nam. Trong 100 mét đầu tiên, Duy Khôi không có mặt trong top 3. Nhưng VĐV Việt Nam bứt lên mạnh mẽ và luôn chỉ xếp sau Quan Zheng Wen (Singpore). Tuy nhiên, Duy Khôi lại hụt hơi trong 50 mét cuối cùng và chỉ về thứ ba với thời gian 4 phút 26 giây 29.

Ảnh minh họa

Nội dung chung kết cuối cùng trong ngày, Ánh Viên thi đấu nội dung 200 mét tự do nữ. Kình ngư Việt Nam khởi đầu mạnh mẽ vượt lên đầu tiên, trước sự bám đuổi của Alkhaldi (Thái Lan). Kết thúc 4 vòng bơi, Ánh Viên về đích đầu tiên với thời gian 1 phút 59 giây 27 - phá kỷ lục 2 phút 00 giây 57 của Quah Ting Wen (Singapore) lập vào năm 2009 . Đây là chiếc HC vàng thứ 6 và kỷ lục SEA Games thứ 7 của Ánh Viên.

Ảnh minh họa

Ánh Viên hoàn thành chỉ tiêu 6 HC vàng sau 4 ngày thi đấu. Ảnh: SG28.

Môn bi sắt, tuyển Việt Nam thua 4-13 trước Thái Lan ở bán kết nội dung hỗn hợp và thi đấu trận tranh HC đồng. Bán kết pool 9 bi đơn nam, Đỗ Hoàng Quân để thua Dennis Orcollo (Philippines) vơi tỉ số 5-9 và nhận HC đồng.

Bi sắt Việt Nam nhận thêm tấm HC bạc nội dung hỗn hợp, sau khi thua sát nút 10-11 trước Thái Lan ở trận chung kết.

Tính đến hết ngày 9/6, đoàn Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 toàn đoàn, với 33 HC vàng, 16 HC bạc, 38 HC đồng. Đồng thời thể thao Việt Nam cũng vượt qua mốc 80 HC các loại tại SEA Games 2015.

Khi chủ nhà Singapore đã bứt lên rất xa với 52 HC vàng, Việt Nam chủ yếu tranh chấp ngôi nhì bảng với Thái Lan (38 HC vàng, 30 HC bạc, 35 HC đồng).

Danh sách VĐV giành HC vàng tại SEA Games 28:

1. Nguyễn Tiến Nhật (kiếm ba cạnh cá nhân nam).
2. Vũ Thành An (kiếm chém cá nhân nam).
3. Trần Thị Len (kiếm ba cạnh cá nhân nữ)
4. Nguyễn Thị Lệ Dung (kiếm chém cá nhân nữ).
5. Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20 km nữ).
6. Đặng Nam - Hoàng Cường - Thanh Tùng - Phước Hưng (TDDC).
7. Hoàng Quý Phước (bơi 200 mét tự do nam).
8. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 800 mét tự do nữ).
9. Đồng đội kiếm ba cạnh nam.
10. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 400 mét hỗn hợp nữ).
11. Nguyễn Thị Thi (Bi sắt đơn nữ).
12. Nguyễn Thị Thanh Thúy (judo đối kháng 52 kg nữ).
13. Đồng đội kiếm chém nam.
14. Đồng đội bắn súng 10 mét hơi nam.
15. Trần Quốc Cường (bắn súng 10 mét hơi cá nhân nam).
16. Dương Thúy Vi (wushu kiếm thuật nữ).
17. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét ngửa nữ).
18. Đồng đội kiếm ba cạnh nữ.
19. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét hỗn hợp cá nhân nữ).
20. Nguyễn Thị Như Ý (judo đối kháng 70-78 kg nữ).
21. Đồng đội kiếm chém nữ.
22. Đinh Phương Thành (TDDC toàn năng nam).
23.Trần Xuân Hiệp (wushu đao thuật).
24. Phan Thị Hà Thanh (TDDC toàn năng nữ).
25. Hoàng Văn Cao (wushu tán thủ 60 kg nam).
26. Nguyễn Văn Tài (wushu tán thủ 65 kg nam).

27. Trương Thị Phương (canoeing C1 200 mét nữ).
28. Trần Phi Hùng (billiard carom 1 băng nam).
29. Phan Thị Hà Thanh (TDDC nhảy chống nữ).
30. Đặng Nam (TDDC nhảy vòng treo nam)
31. Nguyễn Văn Lai (điền kinh 5.000 mét nam).

32. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét bướm nữ).
33. Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi 200 mét tự do nữ).

 


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc