TP. Hồ Chí Minh nên đăng cai SEA Games 2021!?

19:41, 07/04/2015
|

(VnMedia) - Với vị trí kinh tế đầu tàu cả nước, TP Hồ Chí Minh còn có trách nhiệm nặng nề không kém để lấy lại vị thế cho thể thao Việt Nam, sau khi chúng ta rút lui không đăng cai Asiad 2019.

Sau khi Việt Nam xin rút lui không tổ chức Asiad 17, Hội đồng Olympic châu Á (OCA)quyết định không xử phạt 1 triệu USD đối với chúng ta.  Bởi Chủ tịch OCA Ahmad Al Fahad Al Sabah đã lắng nghe Việt Nam trình bày về quá trình chuẩn bị của Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 tại Nha Trang. Chưa kể theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, buộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Ủy ban Olympic Việt Nam phải rút lui và chờ đợi cơ hội tổ chức Á vận hội ở một thời điểm thuận lợi hơn. Đó là may mắn nhưng cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm để Việt Nam tránh cảnh "tiền mất, tật mang" sau khi nhận trọng trách tổ chức các giải thi đấu quốc tế uy tín.

Dù sao việc rút lui giữa chừng khiến chúng ta bị ảnh hưởng không ít đến việc chạy đua xin đăng cai các giải đấu tiếp theo. Nên việc nhận lời mời của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đăng cai SEA Games 2021 là cơ hội để Việt Nam lấy lại vị thế. Trách nhiệm phải đăng cai một kỳ thể thao khu vực sau 12 năm (kể từ SEA Games 2003 tổ chức tại Hà Nội) buộc chúng ta phải nhận lời thay vì bỏ lỡ cơ hội. Trước đó Hà Nội từng đăng cai Asian Indoor Games năm 2009 rồi Nha Trang sắp tổ chức Asian Beach Games 2016, nên TP Hồ Chí Minh - vốn là đầu tầu kinh tế của cả nước - cũng cần tổ chức giải đấu lớn mang tầm châu lục.

Chưa kể, TP Hồ Chí Minh từng tổ chức nhiều giải đấu thể thao trong nước và khu vực trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, năm 2014, địa phương đã đăng cai tổng cộng 37 giải đấu trong nước và quốc tế và thi đấu trên địa bàn TP. Trong quá khứ, TP Hồ Chí Minh từng tổ chức thi đấu một số đơn môn cho SEA Games 2003 và cũng đúc rút không ít kinh nghiệm từ việc tổ chức của Hà Nội.

Ảnh minh họa

TP Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội lịch sử, sau Hà Nội nhận quyền đăng cai SEA Games.

Ngoài cơ sở vật chất vốn có, TP Hồ Chí Minh có thể sử dụng nguồn "xã hội hóa" hay kêu gọi thêm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Chưa kể xét giá trị về kinh tế - chính trị - xã hội - du lịch..., việc đăng cai tổ chức SEA Games 2021 sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có thêm cú hích để tăng tốc và phát triển hơn trong giai đoạn tiếp theo.

"Tôi cho rằng đăng cai SEA Games 2021 là cơ hội ngàn vàng để TP Hồ Chí Minh cất cánh cả về thể thao lẫn kinh tế, xã hội. Thành phố sẽ có dịp tổng rà soát lực lượng vận động viên, huấn luyện viên và thực trạng cơ sở vật chất thể thao để có hướng đầu tư, phát triển phù hợp với sự đi lên của cả nước".

"Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Do đó SEA Games 2021 sẽ là cơ hội để quảng bá thành phố, phát triển du lịch thông qua các dịch vụ mua sắm, ẩm thực... Bạn bè quốc tế cũng sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư cho thành phố. Vấn đề là phải tổ chức SEA Games thế nào để đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài", ông Trần Văn Nghĩa vừa là một chuyên gia kinh tế thể thao, đồng thời là người nhiều năm gắn bó với thể thao TP Hồ Chí Minh nhận định.

Đây là cơ hội tuyệt vời để TP Hồ Chí Minh có thêm động lực để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng và xã hội hóa nhà thi đấu đến với người dân tập thể thao sau khi SEA Games 2021 kết thúc. Việc quy hoạch hóa xây sân vận động mới có sức chứa gần 60 ngàn chỗ ngồi hoặc nâng tầm Trung tâm thể dục thể thao Phú Thọ hay xây dựng khu liên hợp thể thao tại Rạch Chiếc (Quận 12) trên diện tích 410 ha, vốn bị bỏ hoang nhiều năm cũng là cơ hội để TP Hồ Chí Minh có được một bộ mặt mới sau khi giải đấu kết thúc. 

Ảnh minh họa

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP HCM từng dự định bán sân Hoa Lư (ảnh)
và 8 cơ sở thể thao giải trí để đầu tư xây khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Ảnh: TT.

Ý tưởng xây khu liên hợp từ năm 1995; bao gồm một sân vận động hiện đại có sức chứa 50.000 chỗ ngồi, cụm hồ bơi với hồ chính trong nhà có khán đài 2.000 chỗ, cụm 10 sân quần vợt với sân trung tâm có sức chứa 2.000 khán giả... sẽ là địa điểm chính tổ chức các môn thể thao của SEA Games 2021, giống như Myanmar từng đổ tiền xây dựng nhà thi đấu đa năng Wunna Theikdi tại tân thủ đô Nay Pyi Taw vậy.

Nó không chỉ giải quyết ổn thỏa việc đáp ứng nhu cầu sử dụng tại SEA Games 2021 mà còn phục vụ cộng đồng và các giải đấu thể thao sau này. Đáng tiếc dự án gây tranh cãi bán sân Hoa Lư và tám cơ sở thể thao khác hay tìm vốn từ các nhà đầu tư xây khu liên hợp bề thế, quy mô này vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt 21 năm qua, khi TP Hồ Chí Minh chưa tìm ra nguồn đầu tư 4.700 tỉ VNĐ.

Điều quan trọng, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng như lãnh đạo đầu ngành thể thao cần có là hoạch định chi tiết về việc xây cơ sở vật chất, tận dụng nguồn "xã hội hóa" cũng như việc tái sử dụng các công trình trị giá hàng chục triệu USD, như Làng vận động viên, nhà thi đấu hay sân vận động mới ra sao sau khi giải kết thúc. Đã có nhiều bài học từ chính Hà Nội sau khi đăng cai SEA Games 2003 là ví dụ để TP Hồ Chí Minh nhìn vào và tránh lãng phí tiền bạc. Việc tổ chức giải đấu có ý nghĩa quan trọng về mặt hình ảnh, nhưng tránh rơi cảnh nợ đọng hay bỏ hoang các cơ sở vật chất thay vào đó nên tính tới chuyện phục vụ phong trào thể thao quần chúng một cách thiết thực, gần gũi hơn.


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc