VPF vẫn chưa bán được bản quyền V-League!

09:18, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Đã ba vòng đấu trôi qua, công ty cổ phần VPF thừa nhận vẫn chưa thu về thêm một đồng nào từ hợp đồng bán bản quyền cho các đài truyền hình trong nước.

Khác với các năm trước, V-League 2015 mở màn với sự quan tâm đông đảo từ người hâm mộ. Chất lượng các trận đấu tăng cao đã thu hút được đông đảo khán giả tới sân theo dõi trực tiếp các trận đấu.  Đặc biệt là những cuộc so tài có sự góp mặt của HAGL luôn là tâm điểm, khi tình trạng "vỡ sân" diễn ra trong ba vòng vừa qua.

Thu hút được số lượng CĐV đến sân đông đảo cũng như nhiều đài truyền hình tường thuật trực tiếp, nhưng VPF - đơn vị quản lý giải V-League và hạng Nhất, vẫn chưa thu được nhiều tiền từ giải đấu này.

Ảnh minh họa

VPF vẫn chưa mang về thêm một đồng nào từ bản quyền truyền hình cho các CLB
tại V-League, ngoài khoản hợp đồng 20 tỉ VNĐ với nhà tài trợ của Nhật Bản.

Đích thân Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn xác nhận: "Hiện nay chúng tôi chưa thu được tiền từ bản quyền truyền hình và chưa có hình thức mua bán sóng phẳng bản quyền truyền hình giữa VPF và các nhà đài như VTV hay VTC. Không phải đội bóng nào được truyền hình trực tiếp nhiều trận thì sẽ nhận được nhiều tiền hỗ trợ từ VPF. Vấn đề phát sóng các trận đấu trong hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia chỉ thông qua hình thức trao đổi giữa Ban tổ chức với các nhà đài. Tức là nhà đài có quyền phát sóng, còn chúng tôi có trách nhiệm quảng bá, quảng cáo hình ảnh cho các nhà tài trợ, bảo trợ của giải đấu thông qua các khung giờ quảng cáo trước, trong và sau mỗi trận".

Như vậy, các nhà đài không chủ động chi tiền mua bản quyền truyền hình mà quy đổi tiền đó ra 15 phút quảng cáo cho các nhà tài trợ VPF trong khoảng thời gian nghỉ giữa hiệp. Điều này giúp VPF có thể quảng bá cho các doanh nghiệp tài trợ tổ chức cho giải đấu, tuy nhiên cũng thất thoát không ít tiền bán bản quyền truyền hình các trận đấu tại giải vô địch quốc gia.

Sau khi ký hợp đồng cùng hãng Toyota của Nhật Bản, VPF chỉ nhận khoảng 20 tỉ VĐ cho bản quyền truyền hình mỗi mùa. Còn nhớ khi VPF ra đời vào năm 2012, lãnh đạo VPF tự tin mang lại 100 tỉ VNĐ từ bản quyền truyền hình. Nhưng sau ba năm, số tiền VPF thu lại từ bản quyền truyền hình vốn là mảng quan trọng để mang lại doanh thu trong bóng đá doanh nghiệp chỉ được một phần năm.


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc