Nghịch lý của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

17:30, 03/08/2012
|

(VnMedia) - Hơn 10 năm tồn tại, V-League được thừa nhận giải đấu đắt giá, hấp dẫn nhất ở ''vùng trũng'' Đông Nam Á. Ngoài vẻ đẹp mỹ miều ấy, giải chuyên nghiệp Việt Nam còn nhiều nghịch lý chưa xứng đáng với mỹ danh số 1 của bóng đá khu vực.

1. Cổ động viên bị cấm vẫn đến sân xem bóng đá

Sau sự cố đốt giấy, gây náo loạn ở đầu mùa, khán giả xứ Nghệ nhận án phạt từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), ban tổ chức V-League, bằng cách cấm đến sân Thống Nhất trong mùa giải 2012. Chiếu theo luật, Hội cổ động viên đội Sông Lam Nghệ An sẽ không được mặc áo đội bóng và cổ vũ trong trận đấu với chủ nhà Navibank.Sài Gòn tại vòng 23 V-League.

Ảnh minh họa

Mặc lệnh cấm đến sân của ban tổ chức, đông đảo khán giả Nghệ An vẫn mua vé
vào sân Thống Nhất như bình thường, dù án phạt vẫn còn hiệu lực

Không chịu chấp nhận án phạt, khán giả xứ Nghệ tìm cách 'lách luật' bằng cách không mặc áo truyền thống của đội lúc soát vé. Có người vẫn mặc áo đội bóng vào sân công khai, khiến ban tổ chức sân Thống Nhất không thể nào ngăn cản, dù công văn từ phía Liên đoàn vẫn còn trên mặt bàn. Chuyện cấm ra sân trở thành bi hài, khi án phạt cấm đến sân còn hiệu lực, khán giải xứ Nghệ vẫn đến kín sân và phủ vàng sân Thống Nhất vào ngày 28/7 như không có chuyện gì xảy ra.

2. Các ông bầu ''vừa thổi còi, vừa đá bóng''

Do mất lòng tin vào VFF, Liên minh các ông bầu thành lập vào cuối năm 2011. Kết quả, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF ra đời từ sự chung tay các câu lạc bộ V-League và hạng Nhất. Và cảnh trớ trêu không có trong tiền lệ, khi các ông bầu vừa là người đứng ra quản lý giải đấu chuyên nghiệp, vừa tham dự trong vai trò các đội dự giải. Chuyện ông bầu ''vừa thổi còi, vừa đá bóng'' xưa nay hiếm ở cấp độ chuyên nghiệp và chỉ bóng đá Việt Nam mới có.

Ảnh minh họa

Không chỉ làm bầu bóng đá tại V-League và hạng Nhất, các ông bầu ở ta
còn kiêm luôn việc tổ chức - quản lý giải chuyên nghiệp thay cho VFF

Thế nên mới có lo lắng xuất hiện khi các đội bóng có ông bầu nằm trong Hội đồng quản trị của VPF đương nhiên sẽ nhận được nhiều ân huệ, cưng chiều hơn các đội bóng còn lại. Bởi thực tế những câu chuyện ''tự sướng'' như thế chỉ có trong bóng đá nghiệp dư, phong trào thay vì giải chuyên nghiệp như V-League và hạng Nhất. Nó đúng khẩu hiệu ''bóng đá Việt Nam khác với thế giới'' mà lãnh đạo VFF thường hay đưa ra khi nói về bất cập của bóng đá nội.

3. Sắp có chuyện ''1 ông bầu, 3 đội bóng'' vào năm 2013

Nhằm tạo điều kiện cho các ông bầu nhảy vào bóng đá, VFF mới chấp nhận tình huống một ông bầu quản lý 2 đội bóng. Câu chuyện bầu Đỗ Quang Hiển sở hữu một lúc 2 đội bóng hàng đầu SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T là điều ai cũng biết, nhưng chưa lần nào sự vụ trên được thực hiện một cách rốt ráo.

Ảnh minh họa

Bầu Hiển (áo trắng) sẽ phá kỷ lục chính mình đang giữ nếu đội Trẻ Hà Nội.T&T thăng hạng,
bởi lúc đó bầu Hiển sẽ có 3 đội bóng cùng chơi V-League 2013
 

Đến lúc VPF ra đời, sự đối lập giữa bầu Hiển và liên minh các ông bầu càng lớn. VPF tuyên bố chấm dứt tình trạng một ông bầu quản lý 2 đội cùng giải đấu từ năm 2013. Nhưng khả năng V-League năm sau, bầu Hiển có thêm đội Trẻ Hà Nội.T&T lên hạng có thể xảy ra. Chưa kể 2 đội bóng còn lại cũng thuộc biên chế nhà ông bầu họ Đỗ: Trẻ SHB.Đà Nẵng và QNK.Quảng Nam. Với 5 đội bóng chia 2 hạng trong tay, bầu Hiển thực sự một tay che cả bầu trời trong bóng đá nội. Đáng lo hơn, bầu Hiển có thể sở hữu 3 đội bóng V-League vào mùa sau, mà VFF lẫn VPF khó có thể ngăn cản.

4. Dùng tiền để mua lấy tiếng ''chuyên nghiệp''

Dù VPF đưa ra lệnh các đội chỉ thưởng dưới 500 triệu đồng, các đội thay nhau vượt ''rào'' mà ban tổ chức V-League đưa ra. Tính từ đầu mùa đến nay, các đội thường vượt khung gấp 2 lần mà Ban tổ chức cũng đành chịu. Nguyên nhân từ việc các câu lạc bộ khéo léo chia thưởng thành 2 loại, cho toàn đội và thưởng riêng các cá nhân, kết quả số tiền thưởng đôn lên 800 triệu đến 1 tỷ đồng là chuyện bình thường.

Ngoài ra, các đội rớt hạng có cách đơn giản để lên hạng hay thăng hạng, là mua lại suất V-League của các đội bóng khác. Trong quá khứ, bầu Kiên từng 4 lần sát nhập hay mua đội bóng khác để giữ hạng V-League cho Hà Nội.ACB, hay Navibank.Sài Gòn mua Quân khu 4. Mới nhất trong mùa giải năm sau, V.Hải Phòng chuẩn bị tiền để mua lại một trong 3 đội bóng của bầu Kiên.

5. Nạn ''đi đêm'', ''bắn'' trọng tài là mốt thời thượng

V-League dù có tiếng chuyên nghiệp, nhưng thứ bóng ''bàn'', thiên về cảm tính vẫn còn đất sống. Chẳng thế, V-League 2012 cũng chưa mang tiếng sạch như mong muốn. Bởi các đội bóng ở ta còn giữ mối quan hệ kiểu ''đi dây'' để toan tính. Chính vì thế, nạn đi đêm, móc ngoặc xuất hiện không ít trong 3 trận đấu cuối mùa. Từ nhóm rớt hạng cho đến khu vực có huy chương, cuộc chiến để giành giật vị trí càng trở nên khó lường.

Ảnh minh họa

Cứ cuối mùa giải chuyên nghiệp, nạn các đội bóng đi đêm với nhau, hoặc bỏ tiền
để lấy lòng lực lượng trọng tài lại xuất hiện không ít

Ngoài nạn ''đi đêm'', móc ngoặc cùng có lợi, chuyện ''bắn tỉa'' trọng tài để có lợi cho mình diễn ra như trào lưu thời thượng trong lòng bóng đá nội. Khi một ông bầu tốn cả trăm tỷ đồng nuôi đội bóng, việc chia số tiền để lấy lòng trọng tài, thậm chí mua trọng tài vẫn diễn ra không ít. Đến lúc này, thành tích trụ hạng V.Hải Phòng mùa 2011 gắn tiếng còi méo trọng tài Văn Quyết, Công Trọng. Và 3 vòng cuối V-League 2012, những hiện tượng trên vẫn còn có cơ tái diễn, khi chúng ta vẫn chưa thực sự trong sạch trong cách nghĩ, cách làm để phát triển bóng đá Việt Nam thực sự đúng hướng.


Phan Long

Ý kiến bạn đọc