Michael Phelps – Từ Baltimore tới huyền thoại Olympic

07:28, 06/08/2012
|

(VnMedia) - Olympic London 2012 đã trở thành điểm dừng cho sự nghiệp vĩ đại của Michael Phelps. Với tổng cộng 22 huy chương, kình ngư sinh ra tại Baltimore đã trở thành biểu tượng cho khát vọng chinh phục đỉnh Olympia của thể thao thế giới.
 
Cái kết vĩ đại của Michael Phelps
 
Khởi đầu Olympic 2012 khá thất vọng khi chỉ về thứ 4 ở nội dung 400m bơi hỗn hợp và bị Chad le Clos vượt qua ở nội dung sở trường 200m bơi bướm. Tuy nhiên, Michael Phelps đã nhanh chóng lấy lại phong độ khi giành tới 4 HCV trong những nội dung thi đấu cuối, giúp Đoàn thể thao Mỹ xuất sắc vượt qua Trung Quốc trên bảng tổng sắp huy chương.
 
Với thành tích đó, Michael Phelps đã giành tổng cộng 22 tấm huy chương trong lịch sử tham dự các kì Olympic, xuất sắc vượt qua kỉ lục 18 huy chương của huyền thoại thể dục dụng cụ Liên Xô cũ, Larisa Latynina. Nếu thành tích của kình ngư này được coi như của một quốc gia thì thậm chí “đất nước Michael Phelps” sẽ đứng thứ 36 trong BXH Olympic mùa hè xuyên suốt lịch sử.
 
Sau khi nhận được sự chúc mừng qua tin nhắn và điện thoại từ Tổng thống Mỹ, Barack Obama, Phelps tiếp tục được vinh danh với danh hiệu sự nghiệp trọn đời từ Liên đoàn thể thao dưới nước (FINA). Trên phần thưởng của kình ngư 27 tuổi có ghi dòng chữ: "Gửi Michael Phelps, vận động viên Olympic vĩ đại nhất mọi thời đại."

Ảnh minh họa
Michael Phelps đã kết thúc sự nghiệp trong vinh quang rực rỡ

Phát biểu sau khi nhận tấm HCV cuối cùng ở Olympic, Phelps gửi lời tri ân tới người thầy của mình ở đội tuyển bơi Mỹ là Bob Bowman.
 
“Tôi đã khóc khi kết thúc sự nghiệp của mình sau đêm nay. Tôi đã không thể có mặt ở đây nếu không có Bob. Tôi vô cùng cảm kích khi gặp ông ấy trong cuộc đời mình và đó là điều thật tuyệt vời", Phelps nói.
 
"Tôi sẽ bước vào tuổi 30 trong 3 năm tới và tôi không muốn mình thi đấu ở ngưỡng tuổi đó. Tôi đã có được những gì mà mình mong muốn và giờ là lúc để tôi và Bob đi trên hai con đường riêng. Thời gian không chờ đợi ai và đã đến lúc tôi chia tay với thể thao và môn bơi lội. Tôi đã kết thúc sự nghiệp mà không còn gì để hối tiếc", huyền thoại làng bơi chia sẻ.
 
Sau khi giành tấm HCV ở nội dung 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức, Michael Phelps đã nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Đó có thể coi là cái kết hoàn hảo cho sự nghiệp của kình ngư vĩ đại của thể thao thế giới. Thành tích của anh vẫn sẽ còn lưu danh ở bảng vàng Olympic. Michael Phelps đã được vinh danh bằng cái tên Olympian bởi kỉ lục của anh không dễ gì có thể phá vỡ.  

Từ Baltimore tới huyền thoại Olympic  

Michael Phelps (30-6-1985) sinh ra và lớn lên tại Rodgers Forge, miền bắc Baltimore (Mỹ). Anh là cậu con út trong gia đình không có truyền thống về môn bơi lội. Tuy nhiên, khi mới 7 tuổi, anh đã bắt đầu học bơi với sự giúp đỡ của 2 người chị gái. Đến năm 10 tuổi, thần đồng bơi lội người Mỹ đã trở thành thành viên của CLB bơi Bắc Baltimore dưới sự chỉ đạo của HLV Bob Bowman (người sau này trở thành HLV bơi lội của ĐT Mỹ).
 
Mặc dù còn rất trẻ nhưng Michael Phelps đã cho thấy những tố chất của 1 VĐV đỉnh cao. Với những thành tích phi thường tại CLB Bắc Baltimore, anh đã được triệu tập tham dự Thế vận hội Sidney 2000. Điều đặc biệt là năm đó, Phelps mới chỉ 15 tuổi, VĐV trẻ nhất của đội bơi Mỹ trong lịch sử các kì tham dự Thế vận hội. Mặc dù không thể giành HC trên đất Australia nhưng dấu ấn mà kình ngư trẻ tuổi này để lại khiến báo chí xứ cờ hoa phải ngỡ ngàng (anh về thứ 5 trong nội dung 200m bơi bướm nam).
 
Chỉ sau đó 1 năm, ở giải vô địch bơi thế giới 2001, Michael Phelps trở thành VĐV trẻ nhất phá vỡ kỉ lục thế giới ở nội dung 200m bướm nam (15 tuổi 9 tháng), vượt qua kỉ lục của Ian Thorpe (16 tuổi 10 tháng). Hai năm sau, kình ngư người Mỹ tiếp tục trở thành điểm nhấn đáng chú ý của thể thao Mỹ khi phá vỡ 3 kỉ lục ở giải vô địch bơi thế giới 2003.

Ảnh minh họa
Kỉ lục mà Michael Phelps để lại sẽ lưu danh vào lịch sử Olympic

Ở Thế vận hội Athens 2004, Michael Phelps bắt đầu chặng đường trở thành huyền thoại Olympic khi giành 6 tấm HCV, trong đó có 2 kỉ lục thế giới đã bị kình ngư này phá vỡ. Dấu ấn đáng nhớ nhất của Phelps trong sự nghiệp chính là Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Anh giành thêm 8 tấm HCV, nâng tổng số HCV ở các kì Olympic lên con số 14. Điều đặc biệt là trong số 8 HCV giành được, kình ngư người Mỹ phá vỡ 7 kỉ lục thế giới và 1 kỉ lục Olympic.
 
Sau đỉnh cao chói lọi ở Olympic 2008, Phelps bị mất động lực thi đấu. Anh không biết mình sẽ phấn đấu tiếp vì điều gì. Anh bỏ bơi, lên cân, khám phá cuộc sống xung quanh. Mãi tới năm 2010, Phelps mới quyết định tập trung trở lại với bơi lội. Đó là một hành trình khó khăn để tìm lại chính mình trong sự nghi ngờ của đồng nghiệp và người hâm mộ. Tuy nhiên, tay bơi vĩ đại của thể thao nước Mỹ đã gạt bỏ tất cả những nghi ngờ khi sưu tập thêm 4 tấm HCV ở Thế vận hội London 2012.
 
Tính trong cả sự nghiệp thi đấu, Michael Phelps đã có tới tổng cộng 39 lần phá vỡ kỉ lục thế giới, vượt qua thành tích của huyền thoại Mark Spitz (33 lần). Ngoài chiến tích huy hoàng ở đấu trường Olympic, kình ngư người Mỹ còn giành được vô số danh hiệu lớn nhỏ ở các sân chơi khác. Anh đã trở thành niềm tự hào của nước Mỹ và trở thành biểu tượng của khát vọng chinh phục đỉnh Olympia.


Hoàng Ngọc

Ý kiến bạn đọc