Không phải cứ tăng tiền phạt là giảm thiểu vi phạm giao thông!

14:47, 15/09/2015
|

(VnMedia) - Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, không phải cứ tăng tiền phạt là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm giao thông.

Theo Dự thảo Nghị định thay thế nghị định số 171 quy định về Xử phạt vi phạm giao thông sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2015 và ban hành vào tháng 12/2015, đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị tăng mức xử phạt thậm chí lên gấp 10 lần. 

Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính. Một là tăng mức phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai, mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau. Thứ ba, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

Ngoài việc tăng mức phạt, theo dự thảo, một số hành vi vi phạm khác trước đây chưa được chú trọng xử phạt hiện nay sẽ được áp 
dụng nghiêm, ví dụ như việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt 800.000-1,2 triệu đồng.

  Ảnh minh họa

  Ảnh minh họa


Theo ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thành viên ban soạn thảo dự thảo, trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng nghị định thay thế nghị định 171.

Ngay sau khi được đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Vấn đề được nhiều người băn khoăn nhất chính là việc, tăng tiền phạt đã đủ sức mạnh để phòng ngừa và răn đe với người tham gia giao thông?

Chia sẻ với VnMedia , Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc tăng mức phạt 10 lần cũng rất khó có thể là biện pháp tốt nhất để hạn chế các vi phạm về giao thông đường bộ. Không phải cứ tăng mức phạt lên cao sẽ làm cho người ta sợ mà quan trọng là phải tổ chức giao thông cho tốt và phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc tăng mức phạt giao thông lên cao để giảm vi phạm giao thông cũng giống như việc nhiều người cho rằng cứ nhiều án tử hình thì tội phạm sẽ giảm. Điều này là không phải.

"Không phải cứ đưa ra hình phạt răn đe thì vi phạm sẽ giảm, việc này sẽ dẫn đến hệ quả gây khó khăn cho việc xử phạt và với người nông dân cũng không có khả năng để chi trả. Ví dụ, khi người ta đi chiếc xe máy cũ chỉ đáng giá 1-2 triệu nhưng nếu bị phạt mức cao hơn thì chắc người ta sẽ bỏ cả chiếc xe, khi đó việc xử phạt rất khó khăn".

Vị luật sư này cũng cho rằng, phạt tiền chỉ là một phần chứ không phải là tất cả trong những cách để hạn chế vi phạm giao thông. "Dù có nâng mức phạt lên cao gấp nhiều lần thì với tình trạng tham gia giao thông như hiện nay, với sự hiểu biết về pháp luật giao thông như hiện nay cũng rất khó để có thể nói rằng đây là biện pháp hữu hiệu để hạn chế được vi phạm giao thông", luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc