Cần có chế tài xử phạt nặng với tội tạt axit

19:11, 22/09/2015
|

(VnMedia)- Luật sư cho rằng, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt axit gây ra, cần phải có chế tài xử phạt nặng hơn như hiện nay. Không chỉ căn cứ vào mức độ thương tích khi giám định làm căn cứ xử lý thì sẽ không có tác dụng răn đe và trừng trị tội phạm.

>> Hà Nội: Ghen tuông, nam sinh viên bị tạt a xít

Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa bắt giữ 2 nghi phạm Nguyễn Thành Công (SN 1993, ở huyện Bắc Hàm, tỉnh Lào Cai, tạm trú tại quận Nam Từ Liêm) và Lương Văn Hoan (SN 1993, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, tạm trú tại quận Bắc Từ Liêm) đều là sinh viên liên quan đến vụ tạt a xít, gây thương tích cho anh Lê Thanh Tùng (SN 1996) vào đêm 16/9, tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy).

Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do ghen tuông. Đây không phải là vụ án tạt axit liên quan đến thù hận ghen tuông đầu tiên xảy ra trên địa bàn Hà Nội cũng như trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ án tạt a xít thường chỉ bị khởi tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích, trong khi hậu quả mà nạn nhân phải chịu đựng rất nặng nề, cả về thể xác và tinh thần suốt cuộc đời.

Để phòng ngừa và ngăn chặn loại hình tội phạm này, có cần thiết phải sửa đổi tội danh đối với hành vi này?

  Ảnh minh họa

 Hai đối tượng tạt axit vào nam sinh viên được cơ quan điều tra dẫn giải về trụ sở.


Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án mà các đối tượng đã dùng thủ đoạn tạt axit vào người khác để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu liên quan đến việc gen tuông hay do thù tức cá nhân có liên quan đến tình ái.

Đối tượng tạt a xít vào người khác thường nhằm vào vùng mặt với mục đích thù tức và làm cho nạn nhân biến dạng khuôn mặt, khiến họ mặc cảm không hòa nhập với cộng đồng xã hội, cũng như để cho nạn nhân phải bị mang tiếng làm điều gì đó không đúng nên mới bị xảy ra hậu quả như vậy.

Theo luật sư Thơm, hiện nay, khi mà pháp luật còn chưa nghiêm đối với hành vi dùng a xít gây thương tích cho nạn nhân nên các đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội.

"Chúng biết rằng khi hành vi tạt a xít mà không gây ra hậu quả chết người thì không thể xử lý về tội giết người với hình phạt cao nhất là Tử hình nên chúng đã lựa chọn phạm tội bằng phương pháp đó, xét trên góc độ nào đó còn dã man hơn là giết người. Nhiều nạn nhân bị tạt a xít sống cũng như chết suốt cuộc đời." - luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận xét.

Luật sư cho rằng, đây là hành vi rất tàn bạo đã xâm phạm đến sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ. Hậu quả để lại do hành vi dùng chất axít để xâm phạm đến thân thể nạn nhân là rất lớn với nhiều di chứng để lại trong suốt cuộc đời họ kể cả mặt tinh thần.

"Pháp luật buộc người phạm tội phải nhận thức hành vi dùng a xít tác động vào cơ thể người khác là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe hoặc tính mạng cho người khác. Tuy đối tượng không mong muốn tước đoạt tính mạng nhưng hậu quả xảy ra đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó." - Luật sư nói.

Theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Anh Thơm, tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất. Do đó để xử lý cần phải có hậu quả chết người xảy ra. Nếu hậu quả chết người có xảy ra thì đối tượng mới phải chịu trách nhiệm về Tội giết người theo Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp. Hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe người khác thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 BLHS.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Anh Thơm, trên thực tế, hầu như không có nạn nhân nào bị tạt axit sau đó chết vì hành vi này. Do đó, đối với hành vi tạt a xít, thông thường các cơ quan tố tụng chỉ xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 BLHS.

Theo quan điểm của Luật sư, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt axit gây ra, cần phải có chế tài xử phạt nặng hơn như hiện nay. Không chỉ căn cứ vào mức độ thương tích khi giám định làm căn cứ xử lý thì sẽ không có tác dụng răn đe và trừng trị tội phạm.

"Cần thiết phải bổ sung điều luật theo hướng tăng nặng hình phạt thật nghiêm khắc của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác khi hành vi tạt a xít gây ra làm biến dạng khuôn mặt của nạn nhân", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói. 


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc