Phải bồi thường kể cả khi không có lỗi gây tai nạn

09:06, 05/08/2015
|

(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), chủ phương tiện phải bồi thường dân sự kể cả khi không có lỗi gây tai nạn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh hoạ

Vào hồi 21 giờ 30 phút ngày 24/02/2015 tại đường Lê Văn Lương kéo dài gần ngã tư Vạn Phúc thuộc địa phận phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội đã xảy ra vụi tai nạn giao thông giữa xe mô tô BKS: 33P8 – 0854 do anh Trịnh Trường Thư (SN 1973, ở phường Quảng Yên, TX Quảng Yên, Lê Văn Lương) điều khiển đi hướng Thanh Xuân – Hà Đông, khi gần đến ngã tư Vạn Phúc – Lê Văn Lương thì đâm vào đuôi ô tô BKS: 33M – 5138 do chị Lê Thúy Hiền (SN 1980, ở Bạch Đằng, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đang dừng xe chờ đèn tín hiệu giao thông.

Hậu quả: anh Thư bị thương được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hà Đông. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, đến ngày 09/3/2015 gia đình xin ra viện, cùng ngày anh Thư tử vong tại nhà riêng.

Quá trình điều tra căn cứ khoản 7 điều 107 và khoản 1 điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan CSĐT – Công an Quận Hà Đông đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án tai nạn giao thông trên.

Ngày 03/6/2015, Cơ quan CSĐT - Công An Quận Hà Đông ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án tai nạn giao thông trên.

Sau đó, gia đình chị Trịnh Thị Thu (Vợ anh Trịnh Trường Thư) liên tiếp gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc CATP Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, Viện trưởng VKSND Quận Hà Đông không nhất trí với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự và không giải quyết trách nhiệm dân sự mà đã trả xe cho chủ phương tiện là không đúng pháp luật.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Quá trình điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông đáng lẽ ra phải khởi tố lái xe ô tô về Tội vi phạm các qui định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS nhưng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An Quận Hà Đông lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự:

Quá trình xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông, Cơ quan điều tra chưa làm rõ điểm va chạm giữa hai phương tiện; việc kết luận xe mô tô đổ trước khi va chạm vào góc sau bên phải ô tô là không có căn cứ bởi dấu vết để lại trên ba đờ sốc sau bên phải trên diện tích kích thước 20 x 14cm, điểm gần nhất cách mép ngoài thành xe bên phải 35cm, điểm thấp nhất cách đất 55cm. Xem xét đánh giá dấu vết thì khi xe mô tô đổ trượt rê trên đường va vào ba đờ sốc sau ô tô thì không tạo được dấu vết bẹp lõm nhựa diện rộng và ở vị trí cao so với mặt đất như vậy được, mà chỉ có thể xe mô tô đâm va vào ba đờ sốc sau ô tô làm xe mô tô đổ xuống đường;

Việc cơ quan điều tra kết luận xe ô tô không có lỗi là không đúng với qui định của Luật giao thông đường bộ và Thông tư 13 của bộ giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ.

Căn cứ dấu vết để lại trên hiện trường, dấu vết để lại trên hai phương tiện có đủ cơ sở xác định xe ô tô chạy với tốc độ cao, khi đến đường giao nhau không hạn chế tốc độ từ xa mà có dấu dấu hiệu định cố vượt đèn đỏ nhưng do các xe đi trước dừng lại nên xe ô tô phanh gấp, dẫn đến xe mô tô đi phía sau không kịp xử lý đâm va vào ba đờ sốc sau xe ô tô gây ra tai nạn làm anh Trịnh Trường Thư điều khiển xe mô tô ngã xuống đường bị thương nặng và tử vong.

Tuy nhiên trong vụ tai nạn giao thông trên bị hại là anh Trịnh Trường Thư cũng có lỗi điều  khiển xe mô tô bám sau xe ô tô của chị Lê Thúy Hiền và không giữ khỏang cách an toàn, nên vụ tai nạn được xác định lỗi hỗn hợp của cả hai bên. Hành vi trên của lái xe ô tô vi phạm điều 12 Luật giao thông đường bộ, điều Thông tư 13 "phải giảm tốc độ hoặc dừng lại một cách an toàn trong trường hợp qua đường giao nhau".

Theo ông Thơm, với dấu vết để lại trên ba đờ sốc xe ô tô cao cách đất 55 cm. Trong khi đó. Cơ quan điều tra kết luận xe mô tô của anh Nguyễn Trường Thư đổ trước khi va chạm vào ba đờ sốc xe ô tô là không có căn cứ. Nếu xe mô tô đổ trượt trên đường rồi mới va chạm vào xe ô tô thì phải có dấu vết sơn để lại trên hai phương tiện, mặt khác xe mô tô đã đổ xuống đường rồi va vào xe mô tô thì không thể để lại dấu vết trên cao như vậy được.

Mặc dù có việc mâu thuẫn giữa lời khai nhân chứng với dấu vết như trên đáng lẽ Cơ quan điều tra phải tổ chức thực nghiệm điều tra để làm rõ mâu thuẫn trên nhưng Cơ quan điều tra không làm mà kết luận xe mô tô đổ trước khi đâm va vào ba đờ sốc sau xe ô tô vì vậy thấy cần phải làm rõ việc trên để có căn cứ giải quyết vụ tai nạn đúng quy định của pháp luật.

Từ những căn cứ trên, ông Thơm cho rằng có đủ căn cứ chứng minh xe ô tô có dấu hiệu vượt đèn đỏ nhưng do các xe đi trước dừng lại nên xe ô tô phanh gấp nên anh Trịnh Trường Thư không làm chủ tay lái đâm vào đuôi xe ô tô. Sau đó theo quán tính xe máy bị đổ ra nên mới tạo ra vết cày xước trên đường. Nghĩa là xe máy đâm trước mới đổ chứ không như Kết luận của CQĐT là đổ trước đâm sau.

Lỗi của người lái xe ô tô BKS 33M-5138: Khi điều khiển ô tô qua đường giao nhau có tín hiệu đèn báo không hạn chế tốc độ đến mức không nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác và dừng đỗ xe đột ngột dẫn đến gây tai nạn cho phương tiện phía sau.

Lỗi của người lái xe ô tô đã vi phạm

Điều 12 Luật GTĐB quy định Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

Điều 5 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT quy định Các trường hợp phải giảm tốc độ: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau: Chuyển hướng xe chạy; Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức.

Điều 15 Luật GTĐB quy định về chuyển hướng xe: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Điều 19 Luật GTĐB quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường phố: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình;bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

Việc gây ra vụ tai nạn được xác định là lỗi hỗn hợp của cả người điều khiển ô tô BKS: 33M-5138 và mô tô BKS 33P8-0854 nên đáng lẽ ra Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công An Quận Hà Đông phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người điều khiển phương tiện xe ô tô nhưng Cơ quan Cảnh Sát Điều tra lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy Quyết định này của cơ quan điều tra là quyết định trái pháp luật cần được Viện Kiểm Sát hủy bỏ để đưa lái xe ô tô ra xử lý theo qui định của Pháp luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS.

Phải bồi thường trách nhiệm Dân sự

Cũng theo ông Thơm, chủ phương tiện phải bồi thường dân sự kể cả khi không có lỗi gây tai nạn. Ông Thơm viện dẫn theo Điều 623 Bộ luật Dân sự  nước CHXHCN Việt Nam năm 2005 qui định về Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Căn cứ Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao qui định tại điểm c, khoản 2, mục III Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 BLDS)

Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Theo ông Thơm, trong trường hợp trên, việc cơ quan CSĐT -  Công an Quận Hà Đông đã không giải quyết trách nhiệm dân sự yêu cầu chủ phương tiện xe ô tô thỏa thuận bồi thường dân sự cho gia đình anh Thư là trái với qui định của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngày 11/5/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận Hà Đông đã trả lại cho chị Lê Thúy Hiền 01 chiếc xe ô tô BKS 33M-5138 cùng giấy tờ xe gồm 01 đăng ký xe ô tô số 002311 mang tên Võ Thanh Tùng là trái với qui định của pháp luật.

Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả xe ô tô cho chủ phương tiện khi chưa có thỏa thuận bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân dẫn tới hậu quả gây khó khăn cho trong việc khởi kiện ra Tòa án và đảm bảo thi hành án dân sự.

Sau khi kết thúc việc xác minh tin tố giác tội phạm, Cơ quan Cảnh Sát Điều tra ra Thông báo về việc giải quyết vụ tai nạn giao thông. Sau đó, nếu không có khiếu nại gì thì Cơ quan Cảnh Sát Điều tra mới được trả phương tiện là tài sản của lái xe, đồng thời là chủ phương tiện nhưng Cơ quan điều tra không hiểu vì lý do gì đã cho trả xe trước khi ra Thông báo cho gia đình tôi là nạn nhân.

Giả dụ trong vụ tai nạn giao thông trên thật sự lái xe đồng thời là chủ phương tiện không có lỗi, Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan Điều tra phải có trách nhiệm thông báo cho gia đình nạn nhân biết để khởi kiện ra Tòa Dân sự, đồng thời Cơ quan điều tra chuyển Hồ sơ vụ tai nạn giao thông và phương tiện là tài sản đảm bảo cho việc thi hành án đến cơ quan Tòa Án giải quyết theo thẩm quyền.

Nhưng Cơ quan Cảnh Sát Điều tra Công An Quận Hà Đông lại không thông báo cho gia đình nạn nhân khởi kiện Dân sự nhằm để trả phương tiện ô tô là tài sản đảm bảo Thi hành án cho chủ phương tiện đồng thời là lái xe là việc làm thiếu trách nhiệm và không đúng Pháp luật.

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân, đề nghị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Thành phố Hà Nội hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự trái pháp luật đối với vụ tai nạn giao thông để đưa ra xử lý theo qui định của Pháp luật Hình sự đối với lái xe BKS: 33M-5138 về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là có căn cứ theo qui định tại Điều 202 BLHS.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc