Đề xuất quyền được chết: Không nên đưa vào Luật!

06:27, 27/04/2015
|

(VnMedia) - Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam...

Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế, đề xuất của Vụ Pháp chế đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.

Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa. Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản, nhưng không một bác sĩ nào, không một bệnh viện nào dám thực hiện điều này, bởi pháp luật không cho phép.

Nếu pháp luật không cho phép mà bác sĩ giúp người bệnh thì vô tình cũng vướng vào hành vi “giết người”. Ngược lại, nếu pháp luật cho phép, thì bác sĩ có thể giúp người bệnh muốn chết vì bệnh trọng có một lối thoát...

 
Để làm rõ hơn về đề vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cung cấp cho độc giả cái nhìn trên góc độ pháp lý.

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự trong tình hình hiện nay là không phù hợp với văn hóa, tập tục, phong tục tập quán lâu đời của người Việt Nam. Tưởng chừng là giải pháp tốt cho họ, nhưng hậu quả của nó sẽ không lường hết được như phát sinh khiếu kiện giữa các con người chết, giữa con người chết với cơ quan y tế.

Vấn đề đặt ra là ai có thẩm quyền quyết định việc này. Đến một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng còn phải được sự kiểm duyệt của Chủ tịch nước trước khi họ bị thi hành án tử hình, thì việc này khó mà thực hiện được, nếu có được thực hiện thì không thể kiểm soát được. Vì vậy không nên đưa vào luật quyền được chết như nhiều ý kiến nêu.

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Mặt khác, Điều 101 BLHS qui định Tội: Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát: “Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Theo Luật sư Thơm, việc áp dụng quyền được chết, hay quyền an tử cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh nhân sống thực vật không còn hy vọng cứu chữa là vấn đề rất phức tạp và rất dễ bị lạm dụng vì những mục đích khác nhau.

Những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có thực sự mong muốn được chết hay không. Đây là có phải là ý chí hay nguyện vọng của họ hay không hay chỉ là do lúc túng quẫn, chán trường mới có suy nghĩ tiêu cực như vậy. Căn cứ nào để chứng minh rằng đó là ý chí, nguyện vọng thực sự của họ là muốn được chết. Họ có thực sự tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi đưa ra quyết định đó hay không. Hôm nay họ có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng ngày mai họ thay đổi thì như thế nào. Đã có cơ quan chuyên môn theo qui định của pháp luật giám định tâm thần của họ hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi quyết định hay chưa.

Mặt khác, họ bị bệnh hiểm nghèo mà không thể cứu chữa được thì cơ quan chuyên môn nào sẽ phải giám định sức khỏe theo qui định của pháp luật để kết luận họ không thể sống được trong thời gian bao lâu nữa.

Nếu khi người bệnh mong muốn được chết thì người nhà không đồng ý thì sẽ phải quyết định ra sao để tránh việc khiếu nại, kiện tụng sau này của những người thân. Người thân có thể là bố, mẹ, vợ, con, anh, chị em,.. Nếu một trong những người thân thuộc hàng thừa kế mà không đồng ý thì có thể giải quyết được không.

“Có thể nói hệ lụy của việc áp dụng quyền được chết là rất lớn. Nếu chúng ta không xây dựng một cơ chế pháp lý đồng bộ thì việc thực thi áp dụng quyền được chết là rất khó thực hiện trên thực tế và gây ra những hậu quả pháp lý sau khi người đó chết”, luật sư Thơm băn khoăn.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc