Lo ngại "nhờn" luật từ kiến nghị tịch thu xe ô tô

10:41, 11/03/2015
|

(VnMedia)- Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, một khi mà chính sách pháp luật không được thực thi thì sẽ tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đó là hành vi coi thường pháp luật thậm chí cao hơn là "nhờn" luật!

>> Uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt ra sao?

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đưa ra đề xuất về việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn cao. Hiện, đang có một số quan điểm xung quanh đề xuất tịch thu ô tô nếu đo được trong máu lái xe độ cồn cao như đề xuất này khi đưa vào áp dụng trên thực tế có hiệu quả; thực thi tốt khi dẫn chứng nhiều nước trên thế giới đã thực thi tốt hình thức tịch thu xe ô tô khi kiểm tra lái xe có độ cồn cao; nhưng cũng có ý kiến cho rằng đề xuất này là trái pháp luật.

Tuy nhiên, trao đổi với VnMedia , luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, trên thực tế đề xuất này không phải là mới. Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính về Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng đã quy định:

1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);

đ) Trục xuất.

2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.

Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.

3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Điều 26. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng quy định: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức; Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

Tuy nhiên, trong luật chưa hề có một định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng.

"Người lái xe uống rượu và lái xe, vậy cái xe có phải là công cụ, phương tiện vi phạm hay không khi trong Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định cụ thể", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.

Thứ hai là về mặt tuyên truyền pháp luật. Giống như trước đây có tuyên truyền về việc xử phạt xe không chính chủ. Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô không thực hiện đăng ký sang tên chuyển chủ theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản. Lộ trình thực hiện xử phạt đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2015. Trong khi đó, thời điểm xử phạt đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô khi thực hiện hành vi vi phạm nói trên được thực hiện kể từ ngày 1/1/2017. Như vậy, việc quy định xử phạt xe không chính chủ cũng đã được đề cập cụ thể nhưng vì sao không tuyên truyền để người dân biết đây là quy định đã có?. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật còn rất yếu kém.

"Quay trở lại với việc tịch thu xe ô tô nếu trong máu tài xế có độ cồn cao. Văn bản pháp luật ban hành ra nhằm mục đích gì? Ở đây vì mục đích an toàn giao thông bởi tình hình tai nạn giao thông mấy năm gần đây luôn rất cao, mỗi năm có khoảng 9000 người chết vì tai nạn giao thông nên có thể dễ hiểu khi UB An toàn giao thông quốc gia đưa ra đề xuất nói trên. Tuy nhiên, quy định này lại không mới", luật sư Nguyễn Văn Kiệm chia sẻ.

Cũng theo vị luật sư này, việc cần làm là cần chỉ rõ nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông dẫn đến số người chết quá cao như thống kê hằng năm. Liệu bao nhiêu phần trăm trong tổng số 9000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hàng năm là do bia rượu? Tỷ lệ chết vì bia rượu là cao nhất hay vì lý do đường xá, chạy ẩu, phương tiện hết hạn sử dụng, không được đăng kiểm…

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, theo quy định của pháp luật, trong một văn bản pháp luật chế tài là công cụ răn đe, trừng phạt đối với những đối tượng trong chấp hành quy định của pháp luật, nhưng trong công tác quản lý xã hội phải sử dụng quá nhiều công cụ trừng phạt thì nó là những chính sách thất bại. Bởi cần nhấn mạnh là chế tài là biện pháp sử dụng cuối cùng trong công tác quản lý, nếu phải sử dụng quá nhiều đó là một chính sách thất bại, chính sách không có hiệu quả.

Ngoài ra, vị luật sư này cũng chia sẻ trong các văn bản pháp luật tính khả thi là mục tiêu quan trọng nhất để khẳng định tính hiệu quả của công tác quản lý. Hiện có rất nhiều hành vi vi phạm giao thông bị tịch thu phương tiện đang để ở các bãi xe chưa được giải quyết gây tốn kém, nay lại đưa ra chính sách này, lấy gì để đảm bảo nó sẽ khả thi?

"Một khi mà chính sách pháp luật không được thực thi thì sẽ tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng đó là hành vi coi thường pháp luật hay việc ban hành văn bản pháp luật được hiểu là ban hành chơi!? Từ đó sẽ dẫn đến thái độ "nhờn" pháp luật và nếu có việc này thì đây là việc đặc biệt nguy hiểm!", luật sư Nguyễn Văn Kiệm nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, trước khi ban hành văn bản pháp luật phải nghiên cứu, đánh giá, khảo cứu, thực nghiệm để đảm bảo văn bản ban hành ra phải có tính khả thi trên thực tế.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc