Toà cấp huyện không còn được xử "quan" huyện

11:45, 13/02/2015
|

(VnMedia)- Toà án cấp huyện không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà loại khiếu kiện này giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết sơ thẩm.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đang được lấy ý kiến để sớm trình Quốc hội thông qua nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật tố tụng hành chính hiện hành; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.

Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) của Toà án nhân dân tối cao cho thấy, Dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định về các vấn đề cơ bản: Quy định các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; Quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, thẩm quyền của Toà án nhân dân từng cấp; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng hành chính; Quy định các vấn đề liên quan đến chứng minh, chứng cứ trong tố tụng hành chính; việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Toà án; Quy định về thời hiệu, thủ tục khởi kiện, thụ lý vụ án hành chính; về thời hạn chuẩn bị xét xử, đối thoại trong tố tụng hành chính; Quy định về việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quy định về việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn; Quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Trong đó có một số điểm mới đáng lưu ý là việc phân định thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm.

Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

Liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án nhân dân tối cao cho rằng, trong thời gian qua, bản án, quyết định hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao. Một số ý kiến cho rằng việc giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp huyện là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới việc giải quyết vụ án của Tòa án không bảo đảm khách quan vì có sự ảnh hưởng, tác động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương. Bởi vậy, quy định về thẩm quyền sơ thẩm các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện cần được cân nhắc lại.

Trong dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo hướng Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà loại khiếu kiện này giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết sơ thẩm.  

Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao, việc quy định Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà loại khiếu kiện này giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết sơ thẩm sẽ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án của Toà án được khách quan, phù hợp với điều kiện, tình hình của nước ta. Sửa đổi này cũng phù hợp với định hướng cải cách tư pháp; đó là phải có những cơ chế tố tụng để người dân có thể tiếp cận công lý một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất; khi người dân tìm đến Tòa án thì yêu cầu của họ phải được tiếp nhận và giải quyết khách quan, công bằng, bảo đảm công lý. 

Toà án nhân dân tối cáo nhận định, mục tiêu của phương án lựa chọn sẽ hạn chế tối đa những tác động tiêu cực có thể nảy sinh từ các cơ quan thực hiện quyền hành pháp ở địa phương đối với Thẩm phán, Hội thẩm; bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử; phân định thẩm quyền hợp lý để Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính khách quan, công bằng, đúng pháp luật. 

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) của Toà án nhân dân tối cao nhận định, quan niệm giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử như hiện nay là không chính xác dẫn đến việc quy định về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chưa phù hợp, làm cho việc giải quyết nhiều vụ án bị kéo dài, gây tốn kém thời gian và chi phí cho các đương sự và Tòa án (trên thực tế, có nhiều vụ việc có đủ căn cứ để Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định ngay nhưng theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành thì phải hủy để xét xử lại). Theo quy định tại khoản 6 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 thì “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”. Quy định này cần được hiểu là một vụ án nếu sau khi xét xử sơ thẩm, đương sự, Viện kiểm sát có kháng cáo, kháng nghị hợp lệ thì phải được xét xử phúc thẩm; quy định này không có nghĩa là chỉ có xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm mới là “cấp xét xử”.

Dự thảo Luật quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện: Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật nội dung mà Hội đồng giám đốc thẩm có thể khắc phục ngay; Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ để Hội đồng giám đốc thẩm xem xét, quyết định.

Với phương án lựa chọn, việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều lần như hiện nay, gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của Nhà nước; đồng thời bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng và tạo cơ sở cho việc ban hành án lệ. Mục tiêu của phương án lựa chọn sẽ tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết vụ án hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí một cách hợp lý; kịp thời khắc phục những sai sót trong xét xử.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc