Nhà đầu tư sàn vàng vàng ảo có đòi được tiền?

07:05, 21/01/2015
|

(VnMedia) - Sau vụ việc sàng vàng HGI bị đánh sập, một câu hỏi đặt ra vì sao các sàn giao dịch vàng ảo vẫn tồn tại, và nhà đầu tư vào những sàn vàng này liệu có đòi được tiền?  

>> Sàn vàng ảo HGI bị "sập": Nhà đầu tư nói gì
>> Đại tướng Trần Đại Quang chỉ đạo điều tra mở rộng vụ buôn lậu hơn 30 kg vàng
>> Hơn 3 nghìn nhà đầu tư "sập bẫy" sàn vàng ảo
>> Bắt giữ hơn 30 kg vàng lậu trị giá 21 tỷ đồng    


Ảnh minh họa

Luật sư Đoàn Trọng Bằng, giám đốc công ty Luật Black & White Law Firm

Sàn vàng ảo... lách luật  

Như tin đã đưa, ngày 12/1, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục C50- Tổng cục Cảnh sát khám phá vụ án kinh doanh vàng tài khoản trên mạng Internet, huy động vốn trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI).

Bước đầu xác định các đối tượng thành lập Công ty HGI từ năm 2009, tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản trên mạng Internet và đã nhận của các nhà đầu tư số tiền 270 tỷ đồng, sử dụng vào kinh doanh bất động sản và chi tiêu cá nhân, đến nay không có khả năng thanh toán. Hiện nay, đã có 3.037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại HGI.  

Trả lời câu hỏi các sàn giao dịch vàng ảo này đã lách luật để tồn tại như thế nào? Luật sư Đoàn Trọng Bằng, giám đốc công ty Luật Black & White Law Firm cho biết, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó hoạt động kinh doanh vàng qua tài sản khoản được quy định tại Khoản 4, Điều 3, đồng thời theo quy định tại Khoản 9, Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản chỉ được phép thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Tuy nhiên, hiện có nhiều sàn vàng đang hoạt động khá công khai không phải do doanh nghiệp và nhà đầu tư không biết pháp luật không cho phép mà là do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, hiện nay pháp luật không cấm kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng điều kiện để được phép kinh doanh vàng trên tài khoản là phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép. Hiện tại chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh vàng trên tài khoản.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “lách luật” bằng các hình thức khác nhau, trong đó hình thức phổ biến là thành lập Công ty tư vấn đầu tư rồi ký hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh với khách hàng… với những lời hứa hẹn về lãi suất cao, lợi nhuận lớn để thu hút người tham gia. Thậm chí,  có Công ty còn không có văn phòng, không có nhà đầu tư nào đến sàn trực tiếp để chơi, họ chỉ cần tải phần mềm về máy tính cá nhân và giao dịch trên mạng tại bất cứ nơi nào, nên việc chứng minh các hành vi vi phạm pháp luật cũng khá khó khăn với cơ quan quản lý.

Thứ hai, hiện nay do các kênh đầu tư còn hạn chế, lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường vàng và ngoại tệ đã được Nhà nước quản lý khá chặt, nên người có tiền nhàn rỗi rất dễ bị lôi kéo vào các kênh đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao như sàn vàng trực tuyến.

Thứ ba, sàn giao dịch vàng trực tuyến tồn tại được là do thu hút được nhà đầu tư bằng những điều kiện về lợi nhuận rất hấp dẫn, cao hơn nhiều hình thức đầu tư thông thường, và thậm chí có những khoản hoa hồng hậu hĩnh cho những người chào mời, lôi kéo được nhà đầu tư.  

Ảnh minh họa

Nhà đầu tư vào sàn vàng ảo HGI

Nhà đầu tư có đòi được tiền?

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI), ngày 15/1 vừa qua, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam 6 để điều tra hành vi kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Bằng, trong quá trình điều tra tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và các tài liệu, chứng cứ liên quan khác thì các đối tượng này còn có thể bị điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật Hình sự nếu hành vi vi phạm pháp luật của họ đủ yếu tố cấu thành tội này.

Công ty HGI thực hiện những hành vi nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng tài khoản trong khi không được phép nên giao dịch này giữa Nhà đầu tư và HGI bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005).

Trong trường hợp này giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật  sẽ phải giải quyết hậu quả theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự, trong đó các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, HGI hoàn trả lại cho nhà đầu tư những khoản tiền đã nhận theo hợp đồng ủy thác, nếu HGI có lỗi thì còn phải bồi thường cho Nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cần gửi đơn và cung cấp chứng cứ kèm theo đến cơ quan điều tra để cơ quan điều tra tập hợp hồ sơ và tiến hành tố tụng theo trình tự của pháp luật. Cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ tiến hành thu hồi lại khoản tiền đã đầu tư đó để trả lại cho các Nhà đầu sau khi đã trừ đi tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức mà HGI thu được trái pháp luật hoặc bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

“Theo thông tin qua báo chí thì số lượng tiền và tài sản mà cơ quan điều tra thu giữ được tại HGI là rất nhỏ so với số tiền thực tế HGI đã thu của nhà đầu tư, do đó khả năng nhà đầu tư thu hồi lại được tiền của mình sẽ là khó khăn” - luật sư Bằng nói.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc