Hàng loạt quan chức “nhúng chàm” nhận án tử

19:17, 04/01/2015
|

(VnMedia) - Nắm giữ quyền hành lớn trong tay, nhiều “quan chức” đã tham ô và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước để rồi phải trả giá bằng bản án tử hình...

Ảnh minh họa
Dương Chí Dũng bị kết án tử hình

Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

Đứng đầu trong danh sách những “quan chức” vi phạm pháp luật dẫn đến bị kết tội và phải nhận án tử hình trong năm 2014 là Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT).

Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội kết án tử hình về tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, 17 cán bộ cấp dưới của Vinalines, cán bộ ngành hải quan, cán bộ ngành công an vì muốn được tư lợi riêng đã sa vào vòng lao lý theo ông Dũng với án tù được tuyên từ vài năm đến 20 năm.

Vụ án liên quan đến dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào năm 2007. Từ một chiếc ụ nổi 83M cũ kỹ, hư hỏng nặng có giá hơn 2 triệu USD, những người đứng đầu Vinalines đã phù phép nâng giá lên 19,5 USD. Con số này tiếp tục tăng lên 24 triệu USD vào năm 2012 mà vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Đến nay, khối tài sản trên chỉ là đống sắt vụn han gỉ, đang gây ô nhiễm môi trường biển.

Trong vụ án này, vốn Nhà nước thiệt hại 366 tỷ đồng, còn ông Dũng và ông Phúc đút túi ăn riêng mỗi người 10 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Bị cáo Vũ Việt Hùng

Vũ Việt Hùng

Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông) cũng phải nhận bản án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong"đại án tham nhũng" đình đám tại Đắk Nông này có 13 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 7 bị cáo nguyên là giám đốc, cán bộ các ngân hàng.

Ngoài bị cáo Vũ Việt Hùng bị tuyên tử hình, 12 bị cáo còn lại cũng bị Toà kết án từ 3 năm tù đến chung thân

Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2010, Vũ Việt Hùng ký duyệt cho 2 giám đốc doanh nghiệp vay hơn 1.000 tỷ đồng tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông trái quy định và để 2 đối tượng trên chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 357 tỷ đồng. Đổi lại, Hùng được họ tặng một chiếc xe ô tô BMW - X6 với trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hùng còn ký khống các giấy tờ về dư nợ tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông để giúp sức cho nhiều giám đốc doanh nghiệp chiếm đoạt 580 tỷ đồng của Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng TMCP Nam Á và Sở giao dịch TPHCM – OCB.

Ảnh minh họa

Vũ Quốc Hảo (nguyên giám đốc ALC II) bị tuyên án tử hình

Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Lộc

Liên quan đến vụ "đại án" tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), TAND TP.HCM đã tuyên 3 án tử hình đối với: Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên giám đốc ALC II), Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải); Hoàng Lộc (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam).

Theo cáo buộc, năm 2003, Hảo, Tuấn cùng một số người khác thành lập Công ty Cát Long Hải. Biết một người Nhật Bản có tàu lặn Tinro 2 và muốn hợp tác nên bị cáo Hảo thỏa thuận đưa tàu này thành tài sản góp vốn vào Công ty Cát Long Hải. Tuy nhiên, do tàu không có hồ sơ pháp lý, chưa được đăng ký, đăng kiểm nên bị cáo Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra địa phận TP Hải Phòng để tạo tình huống bắt giữ.

Ngày 8/6/2008, Cục Hải quan TP Hải Phòng kiểm tra, tạm giữ tàu Tinro 2. Sau đó, trong phiên bán đấu giá, Công ty Cát Long Hải mua tàu Tinro 2 với giá 100 triệu đồng. Các bị cáo tìm cách nâng giá trị tàu Tinro 2 từ 100 triệu đồng lên thành 130 tỷ đồng, đồng thời, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hợp đồng mua bán, thuê tài chính giữa Công ty ALC II và Công ty Cát Long Hải để giải ngân 130 tỷ đồng.

Trong số tiền chiếm đoạt được, bị cáo Hảo sử dụng gần 79 tỷ đồng để mua 89.496,4 m² đất Trạm dừng chân Miền Tây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Số tiền còn lại, Hảo dùng để chi vào việc sữa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Công ty Cát Long Hải và ALC II.

Trong vụ án này, bị cáoVũ Quốc Hảo và đồng phạm gây thiệt hại 82 tỉ đồng.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Hảo, Tuấn, Lộc là những người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhưng hành vi của các bị cáo gây bất bình cho xã hội, gây tổn thất to lớn không có gì bù đắp, nên cần có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt mới tương xứng hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trong vụ án này, HĐXX TAND TP HCM bốn án chung thân đối với Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải), Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng thẩm định, Công ty cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam), Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc). Ngoài ra, bốn bị cáo khác bị tuyên từ 15 đến 20 năm tù giam. Tất cả cùng về tội Tham ô tài sản.


Ba Tư

Ý kiến bạn đọc