Vụ chùa Bồ Đề: Hai kẻ mua bán trẻ em lĩnh 90 tháng tù giam

10:41, 10/09/2015
|

(VnMedia) - Sau khi xem xét, đánh giá toàn bộ diễn biến lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng hồ sơ vụ án, HĐXX đã quyết định xử phạt Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thanh Trang mức án 42 tháng tù giam.

Chiều qua, 9/9, TAND quận Long Biên đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ án Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em tại chùa Bồ Đề do hai bị cáo Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (37 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) thực hiện.

  Ảnh minh họa

 Hai bị cáo tại phiên xét xử ngày 9/9


Tại phiên tòa, đại diện VKSND quận Long Biên kết luận, mặc dù cả 2 bị cáo đều loanh quanh và không thật thành khẩn nhận tội, nhưng vẫn đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Phạm Thị Nguyệt và đồng phạm đã cấu thành tội “Mua bán trẻ em” như cáo trạng đề cập. Hai bị cáo đã thừa nhận hành vi mua bán cháu Phạm Gia Bảo.

Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về việc nhận nuôi con nuôi, song các bị cáo không thực hiện theo pháp luật mà lén lút đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa để mua bán với nhau. Mặt khác, thực tế bị cáo Nguyệt không có nhu cầu nuôi con nuôi và cũng không đủ điều kiện nhận con nuôi. Việc bị cáo nuôi cháu Công chỉ là vì mục đích tư lợi của bản thân.

VKS xác định, trong vụ án này, bị cáo Nguyệt giữ vai trò khởi xướng và trực tiếp thực hiện việc mua bán trẻ em. Đối với bị cáo Trang thì giữ vai trò giúp sức tích cực và cũng trực tiếp mua bán cháu Công, đồng thời đã nhận 35 triệu đồng của đồng phạm.

Tại tòa, bị cáo Nguyệt thừa nhận đưa 35 triệu đồng cho Trang, dù rằng Nguyệt không thừa nhận có hứa hẹn đưa cho nữ quản lý khu nhà Mở của chùa Bồ Đề số tiền này.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm đối với xã hội. Bởi lẽ các bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền tự do về thân thể cũng như nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo không chỉ xâm phạm vào quyền được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em mà còn coi trẻ em như một món hàng hóa.

Vì vậy, việc làm của các bị cáo cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật nhằm trừng trị, răn đe và phòng ngừa tội phạm chung. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo phạm tội một phần do thiếu hiểu biết pháp luật và thành khẩn khai báo nên cần được áp dụng Điều 46 để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Tại tòa Nguyễn Thị Thanh Trang khẳng định, trụ trì Thích Đàm Lan không biết việc làm, không liên quan đến hành vi phạm tội của chị ta. Trước đó, trong lời khai buổi sáng cùng ngày 9/9 tại phiên tòa,  Nguyễn Thị Thanh Trang khai chị ta được sư thầy Thích Đàm Lan nhận vào làm việc tại nhà Mở từ tháng 10/2010. Hoạt động chăm sóc trẻ ở chùa Bồ Đề đều được sư thầy Thích Đàm Lan quản lý. Làm việc một thời gian, đến năm 2012, Trang được phân công quản lý nhà Mở.

Công việc của một quản lý nhà Mở được Trang cho biết là làm những nhiệm vụ như tiếp nhận, kê khai người đến gửi trẻ, tiếp nhận trẻ, phân các cháu vào các phòng để giao cho các cô nuôi. Ngoài ra, Trang còn có nhiệm vụ xin học cho các trẻ ở nhà Mở, đưa các cụ già đau ốm chữa bệnh…

Việc các cháu bé được đưa vào nhà Mở theo quy trình sẽ khai báo tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên theo Trang không phải lúc nào cũng khai báo ngay.

Trang tiếp nhận cháu Phạm Gia Bảo từ tháng 10/2013. Khi nhận cháu Bảo, Trang cũng làm thủ tục đề nghị chị Hà phô tô chứng minh nhân dân, giấy xác nhận chị Hà gửi cháu vào chùa.

Việc Trang giới thiệu cháu Gia Bảo cho Nguyệt bắt đầu từ đề nghị của chị này về việc xin một đứa con trai khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Việc “giao dịch” cháu Gia Bảo, Nguyệt không đứng ra trực tiếp. Sau khi giao dịch hoàn thành Nguyệt trả cho Trang 35 triệu đồng.

Số tiền này, Trang chuyển vào tài khoản của mẹ ruột của cháu Gia Bảo là chị Trần Thị Thu Hà 10 triệu đồng. 25 triệu đồng còn lại, Trang chi tiêu cá nhân.

Sau khi xem xét, đánh giá toàn bộ diễn biến lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng hồ sơ vụ án, HĐXX đã quyết định xử phạt Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, Nguyễn Thị Thanh Trang mức án 42 tháng tù giam.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc