Trung tướng Trần Văn Độ: "Phải buộc được tội mới kết tội"

06:41, 04/06/2015
|

(VnMedia) "Quan điểm của tôi là trước hết phải buộc được tội mới kết tội, còn không buộc được tội thì không kết tội. Có thể bỏ lọt, nhưng không thể buộc tội"...

Đây là quan điểm của Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, (ĐBQH An Giang) khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đền liên quan đến bức cung nhục hình trong khâu điều tra dẫn đến oan sai trong tố tụng.

Ảnh minh họa
Trung tướng Trần Văn Độ

Đại biểu từng nói, để chống oan sai, đảm bảo quyền con người, thì việc đầu tư cho ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không tốn kém, đồng thời đảm bảo minh bạch hơn?

Rõ ràng là như vậy. Tất nhiên để chống bức cung, nhục hình, dùng các biện pháp ép buộc khác đều rất khó , nhưng ít nhất các biện pháp đó là chúng ta thực hiện được.

Ví dụ, nhiều nơi hỏi cung, cơ sở giam giữ, cơ quan điều tra, nơi hỏi cung phải có địa điểm cố định. Ở đó, phải có phương tiện kỹ thuật để ghi âm, ghi hình. Đồng thời, ngoài sự có mặt của người bào chữa (nếu bị can có người bào chữa), thì sự có mặt của kiểm sát viên với tư cách kiểm sát, điều tra cũng rất quan trọng.

Khi có người thứ 3 thì rõ ràng mọi trường hợp đó có thể khó xảy ra. Bởi thực tế hiện nay điều tra việc dùng bức cung, nhục hình, có thể là một nhẽ, nhưng còn những thủ thuật nghiệp vụ để bị can phải khai báo theo ý của điều tra viên cũng dễ thôi. Nên nếu có người có nghiệp vụ, có người kiểm sát hoặc luật sư cũng có mặt, thì đảm bảo tối đa điều kiện cho người này tham gia tố tụng, thì sẽ tốt hơn, tránh được oan sai.

- Có quan điểm cho rằng tỷ lệ oan sai nhìn ra thì vẫn thấp, nếu chúng ta quy định quá chặt hay bổ sung các điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp mới thì có thể làm bó tay cơ quan điều tra, làm cho nguy cơ tội phạm gia tăng?

Tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ bó tay cơ quan điều tra, vì việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm là phải con đường hợp pháp, và như vậy, các biện pháp điều tra đã được Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản khác quy định, cơ quan điều tra, điều tra viên cũng như các cơ quan  tiến hành tố tụng khác phải chấp hành, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp mà luật cho phép. Còn những biện pháp mà luật cấm thì rõ ràng, nó không được thực hiện, Vì rõ ràng những biện pháp ngoài tố tụng để đạt được kết quả thì tôi nghĩ là không phù hợp Nhà nước pháp quyền, không phù hợp nguyên tắc pháp chế trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động tố tụng hình sự là hđ có thể động chậm lớn đến quyền con người.

- Qua nhiều báo cáo đều cho thấy là oan sai xảy ra có những nguyên nhân vì thành tích, vì chuyên môn nghiệp vụ, sự nóng vội…, quan điểm của ông đánh giá thế nào về những nguyên nhân này?

Mục đích của chúng ta là không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm. Đây là một sức ép, để đạt được một lúc hai nhiệm vụ đó, không phải dễ. Tất nhiên là không được làm oan người vô tội, nhưng nếu để lọt tội phạm, nhất là những vụ án nghiêm trọng mà không điều tra được tội phạm thì cũng có lỗi với nhân dân, với dư luận xã hội.

Chúng ta đã tổ chức các cơ quan để thực hiện việc này mà lại không làm ra được, để đảm bảo bình yên cho xã hội, thì cũng là vấn đề. Nên chúng ta phải có sự kết hợp, nhìn nhận từ hai góc độ đó để thông cảm với cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta thông cảm với những biện pháp trái pháp luật mà ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

- Chủ tịch Quốc hội từng nói, oan sai trong giai đoạn nào thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra, viện kiểm sát truy tố sai thì phải chịu trách nhiệm. Tòa án xử oan thì phải chịu, sự rành mạch này ông có ủng hộ không?

Luật Bồi thường Nhà nước chúng ta đã quy định rồi, cơ quan nào ra phán quyết cuối cùng mà để xảy ra oan sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Còn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp không đơn thuần là cơ quan cuối cùng mà phải tất cả những người tham gia vụ án đó, điều tra, kiểm sát, tòa án. Và đặc biệt trong cơ chế của chúng ta hiện nay, là cơ chế tố tụng thẩm vấn, chúng ta xét xử, tranh tụng tại phiên tòa, nhưng mà vẫn dựa vào hồ sơ do cơ quan công an lập, thì việc này khác với nhiều nước theo hệ thống án lệ. Tức là họ xét xử không có hồ sơ vụ án, hồ sơ của cơ quan buộc tội là của cơ quan buộc tội, của cơ quan bào chữa là của bào chữa . Còn tại phiên tòa, hội đồng bồi thẩm, đoàn bồi thẩm chỉ nghe tranh luận. Việc buộc tội của công tố tại phiên tòa, gỡ tội của luật sư, từ đó ra phán quyết.

Hiện nay, cơ chế của chúng ta là trên cơ sở hồ sơ và thực hiện xét hỏi, phán quyết, điều đó rõ ràng có tác động của hồ sơ vụ án. Đặc biệt, có những vụ án, người ta bức cung, nhục hình nhưng hồ sơ rất đẹp. Nên cũng phải thông cảm cho nhiều thẩm phán, phải nỗ lực để không bỏ lọt, không làm oan.

Cơ quan truy tố thì đã truy tố rồi, hồ sơ thì không có dấu hiệu gì, ra tòa, nhiều lúc bị cáo cũng khai báo, nhận tội , thì rõ ràng trường hợp này có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là anh đã làm oan thì không phải chịu trách nhiệm, nhưng tùy theo mức độ, góc độ, kỷ luật, nặng hơn là hình sự hoặc trách nhiệm khác, phải làm vì. Đây là việc tác động tới con người, số mệnh của con người, nên phải hết sức cẩn trọng. Và quan điểm của tôi là trước hết phải buộc được tội mới kết tội, còn không buộc được tội thì không kết tội. Có thể bỏ lọt, nhưng không thể buộc tội.

- Liên quan đến buộc tội, hiện tại chúng ta trọng lời khai nhiều quá, thay vì trọng chứng cứ, nên cũng là một yếu tố dẫn đến oan sai?

Tôi cho rằng, vật chứng, tài liệu, lời khai, tất cả đều là chứng cứ, không thể nói coi trọng chứng cứ này, bỏ qua chứng cứ kia mà phải được xem xét như nhau và đánh giá chứng cứ nào tin tưởng hơn, tự tin thì do đánh giá của từng người , chứ không nên đặt vấn đề trọng chứng hay trọng cung.

-  Trong chiến lược cải cách tư pháp, chúng ta lấy khâu tranh tụng làm khâu đột phá, ông đánh giá thế nào về điều này?

Nghị quyết 49 của Đảng và Hiếp pháp vừa qua đã khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, vì nó xuất phát từ truyền thống của vấn đề là tố tụng của chúng ta hoàn toàn từ góc độ thẩm vấn, và xét xử trên cơ sở hồ sơ vụ án. Vì vậy, xưa nay, chúng ta chủ yếu quan tâm đến hồ sơ nhiều hơn kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.

Vì thế, có thể dẫn đến những trường hợp oan sai và không chú trọng đến quan điểm, lời khai, tranh luận, buộc tội, gỡ tội tại phiên tòa. Vì vậy nên NQ 08 của Bộ Chính trị về những việc cấp bách của công tác tư pháp trong thời gian tới, đặc biệt là NQ 49 đã ghi nhận cải cách tư pháp một trong những khâu đột phá là tranh tụng.

Một trong những vấn đề quan trọng là xác định sự thực của vụ án, để phán quyết đúng phải xác định sự thực khách quan, mà sự thực khách quan đó phải có sự tranh luận của 2 bên buộc tội và gỡ tội. Chỉ xác định sự thật thì tòa án mới phán quyết đúng được .

- Nhiều người băn khoăn về vị thế độc lập cũng như khả năng nhận xét và ra phán quyết cuối cùng của tòa án, quan điểm của ông thế nào?

Thẩm phán độc lập và phải tuân theo pháp luật, trình độ hiện nay, theo thói quen thí rất nhiều thẩm phán vẫn dựa dẫm rất nhiều vào hồ sơ. Và cũng phụ thuộc nhiều vào quá trình chuẩn bị xét xử, tức là quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Khi ra tại phiên tòa, nếu tranh tụng có kết quả khác đi thì  rất lúng túng trong xử lý, điều đó là có. Vì thế, chuyển biến sang tranh tụng thì phải đào tạo, tập huấn cán bộ, kể cả điều tra viên phải làm quen dần với đối mặt luật sư khi điều tra. Ông kiểm sát viên phải đối mặt với bên gỡ tội, đặc biệt là có đội ngũ luật sư đông đảo, có chất lượng để giúp người bị buộc tội tranh tụng. Và tòa án cũng làm quen dần với vị trí là trọng tài, người đứng giữa phán quyết giữa hai bên buộc tội và gỡ tội, dựa vào chứng cứ hai bên cung cấp để có quan điểm khách quan.

- Hiện nay trong nhiều vụ án, khi tranh tụng ở phần tranh luận Viện kiểm sát chỉ nói đơn giản một câu là kiểm sát viên bảo lưu quan điểm?

Đó là thói quen xưa nay là thói quen thẩm vấn, xét hỏi toàn là tòa. Kiểm sát viên chỉ ủy quyền của Viện trưởng, đến bảo vệ cáo trạng, mà cáo trạng do Viện trưởng ký, nên không thể nói khác. Giờ phải thay đổi, phải tăng quyền cho kiểm sát viên, kiểm sát viên có thể ký cáo trạng, phải chịu trách nhiệm với cáo trạng, có thể thay đổi sự buộc tội tại phiên tòa. Luật tố tụng phải có sự đổi mới, rõ ràng phải đổi mới, nếu không tăng quyền cho kiểm sát viên, điều tra viên, tăng quyền cho thẩm phán, tất nhiên thẩm phán là độc lập, thì rõ ràng việc tranh tụng sẽ khó

- Ông từng có quan điểm có những vụ án do ta theo thói quen, nên có khi vào nghị án chỉ 10 phút, nhưng ra đọc một bản án kết tội đến hàng mấy chục trang, thì dễ cho người dân nghĩ đó là án bỏ túi?

Thực ra vì chúng ta xét xử theo hệ thống thẩm vấn, dựa vào hồ sơ, nên thẩm phán chuẩn bị dự thảo bản án là chuyện đương nhiên. Nếu trong quá trình xét xử mà xuôi theo hồ sơ chuẩn bị thì dễ, nhanh, nhưng nếu có những phát sinh, thay đổi thì người thẩm phán phải chỉnh lý bản án theo quyết định, theo tiến trình tranh tụng tại phiên tòa, và phán quyết cũng vậy, tuy nhiên, rất nhiều trường hợp khó có thể xoay chuyển kịp điều đó.

Vì thế, để sửa bản án, án văn thì mất thời gian. Nên chăng, tuyên án chỉ cần tuyên phần quyết định của bản án. Tội gì, hình phạt bao nhiêu, bồi thường thế nào? Còn án văn thì sẽ hoàn thiện sau, và có thể chỉ cấp cho những người có yêu cầu.

- Xin cảm ơn ông!


Bùi Ngà - (ghi)

Ý kiến bạn đọc