Quốc hội lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình

14:36, 09/06/2015
|

(VnMedia) - Quốc hội lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11...

>> Đặt tên bằng số không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh
>> Chi trả 7 nghìn tỷ/năm nếu nhận bảo hiểm 1 lần 
>> Có thể từ chức nếu quá nửa số phiếu không tín nhiệm 
>> Kiến nghị người lao động được hưởng BHXH một lần
>> Phải minh bạch thật sự trong thi tuyển công chức      


Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường

Sáng 9/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Đầu giờ sáng, biểu quyết với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015.

Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 ba Nghị quyết và 1 Pháp lệnh, trong đó có Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần với người lao động sau 1 năm nghỉ việc. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 cũng được điều chỉnh.

Đáng chú ý là việc lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; Rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015.

Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự kiến vào tháng 10 năm 2016, sẽ trình Quốc hội thông qua dự án Luật về hội và Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Nghị quyết cũng nêu rõ: các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần đề cao tinh thần trách nhiệm thi hành nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án Luật không bảo đảm chất lượng và tiến độ; kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc không hoàn thành Chương trình để báo cáo Quốc hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội và các chủ thể khác thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình.

Sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Phan Trung Lý trình bày Thẩm tra dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân.

Cũng trong sáng nay, tất cả các Đại biểu Quốc hội đều tán thành với tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày. Theo đó, năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2016 chủ yếu tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; xét ở góc độ vĩ mô cần được đưa ra diễn đàn Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét; Không tiến hành giám sát những chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới giám sát thời gian gần đây; Chương trình giám sát đảm bảo phù hợp, hài hòa giữa các lĩnh vực; Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan được Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến giao chủ trì giám sát; Giám sát gắn với công tác xây dựng pháp luật và những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng liên quan đến mốc thời gian 2016.

Về đề xuất nội dung giám sát chuyên đề, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 -2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp hay hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc