Vụ nghe lén 14.000 điện thoại: 7 bị cáo lĩnh án

06:41, 08/05/2015
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ nghe lén 14.000 điện thoại xảy ra trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc TNHH Công nghệ Việt Hồng bị tuyên phạt 24 tháng tù giam. 6 bị cáo còn lại nhận mức án từ 12 – 20 tháng tù treo...

>> Vụ nghe lén điện thoại: Khởi tố vụ án, tạm giữ 4 đối tượng
>> Vụ điện thoại bị nghe lén: Luật sư nói gì?
>> Dễ dàng lấy cắp thông tin từ phần mềm nghe lén điện thoại
>> Hàng chục nghìn điện thoại bị nghe trộm bằng phương thức nào?

Ảnh minh họa
Các bị cáo tại phiên xét xử

Ngày 7/5, TAND Hà Nội đưa ra xét xử vụ án nghe lén 14.000 điện thoại xảy ra trên địa bàn Hà Nội vào khoảng tháng 5/2014.

7 bị cáo được đưa ra xét xử về tội“Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, gồm: Nguyễn Việt Hùng (41 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) – cựu Phó Giám đốc TNHH Công nghệ Việt Hồng; Lê Thanh Lâm (32 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội); Nguyễn Văn Tuấn (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội); Lê Sĩ Phán (28 tuổi,  ở quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Ngọc Kiều (29 tuổi) và Trần Minh Ngọc (25 tuổi, cùng ở huyện Thanh Trì, Hà Nội); Nguyễn Thị Nga (25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo cáo buộc, từ tháng 6/2013, Công ty Việt Hồng đã phát triển, cung cấp cho khách hàng dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát điện thoại di động, bao gồm hai gói. Gói dành cho cá nhân tên là Ptracker và gói dành cho doanh nhân tên là PtrackerERP.

Nguyễn Việt Hùng là Phó Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, phụ trách việc kinh doanh thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho các khách hàng là tổ chức, công ty có nhu cầu định vị, xác định vị trí của nhân viên, xe ô tô…

Tuy nhiên, việc kinh doanh không hiệu quả nên Hùng nảy sinh ý định viết phần mềm cài đặt vào máy điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Androi, thay thế các thiết bị giám sát trên.

Để thực hiện ý tưởng này, từ tháng 6/2013, Hùng đã liên hệ với Lê Thanh Lâm – kỹ sư lập trình để thuê viết phần mềm. Hùng thuê: Nguyễn Văn Tuấn, Lê Văn Phán, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga và Trần Minh Ngọc làm nhân viên phục vụ chương trình phát triển phần mềm.

Từ tháng 9/2013, sau khi viết xong phần mềm, Lâm được nhận vào làm việc chính thức tại công ty với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 10/2013, Hùng tiếp tục chỉ đạo Lâm phát triển chức năng ghi âm xung quanh, lấy danh bạ điện thoại, quay phim, chụp ảnh, lấy lịch sử duyệt web từ điện thoại bị giám sát. Đồng thời tăng lương cho Lâm từ 15 triệu đồng/tháng lên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra Lâm và các nhân viên còn được thưởng từ doanh thu kinh doanh của dịch vụ nghe lén điện thoại (Ptracker).

Hùng giao cho Trần Minh Ngọc là nhân viên có nhiệm vụ làm video, bài viết hướng dẫn tải, cài đặt ứng dụng Ptracker.

Nguyễn Thị Nga được phân công tư vấn khách hàng; Lê Sĩ Phán làm nhân viên thiết kế đồ họa; Nguyễn Ngọc Kiều và Nguyễn Văn Tuấn là nhân viên kỹ thuật giúp việc cho Lâm.

Toàn bộ dữ liệu lấy từ điện thoại bị giám sát sẽ được gửi về sever của Công ty Việt Hồng nên nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó.

Theo thống kê bằng quyền quản trị của Lâm, dữ liệu số điện thoại còn lưu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng là 14.140 tài khoản.

Số tiền thu được từ khách hàng sử dụng dịch vụ phần mềm Ptracker từ tháng 9/2013 đến thời điểm bị phát hiện gần 1 tỷ đồng. Số tiền này Hùng khai đã sử dụng hết vào việc kinh doanh của Công ty như: thuê nhà, trả lương, thuê máy chủ, tiền dịch vụ quảng cáo…

Tại tòa, nói về nguyên nhân sản xuất phần mềm nghe lén, Nguyễn Việt Hùng cho hay, sau khi bị mất chiếc điện thoại di động, Hùng bị mất luôn những thông tin lưu trữ trong máy. Từ sự việc này, Hùng nghĩ ra việc cài một phần mềm đặc biệt vào điện thoại để lưu giữ thông tin...

Sau khi xem xét hành vi phạm tội của Hùng, HĐXX tuyên phạt cựu Phó Giám đốc TNHH Công nghệ Việt Hồng 24 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 12 – 20 tháng tù treo.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc