Người đồng tính vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự

21:45, 21/05/2015
|

(VnMedia) - Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) bình đẳng như công dân khác.

>> Chi trả 7 nghìn tỷ/năm nếu nhận bảo hiểm 1 lần
  >> Có thể từ chức nếu quá nửa số phiếu không tín nhiệm
  >> Kiến nghị người lao động được hưởng BHXH một lần
>> Phải minh bạch thật sự trong thi tuyển công chức     


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 21/5, ông Nguyễn Kim Khoa - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.

Không quy định riêng đối với người đồng tính

Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Luật NVQS hiện hành và dự thảo Luật do Chính phủ trình chỉ quy định việc đăng ký NVQS và thực hiện NVQS là bắt buộc đối với công dân nam.

Đối với công dân nữ thì chỉ quy định người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị, khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì được động viên vào phục vụ tại ngũ. Quy định như trên vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt”, vừa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và vai trò của người phụ nữ ở hậu phương, hơn nữa, vấn đề này đã được thực hiện theo Luật NVQS hiện hành, ổn định và phù hợp với thực tiễn.

Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện NVQS bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp quy định“Công dân phải thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, hơn nữa pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính. Vì vậy, UBTVQH đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong Luật.

Thời hạn phục vụ tại ngũ là 24 tháng

Về thời hạn phục vụ tại ngũ, có bốn loại ý kiến: nhất trí như dự thảo Luật; đề nghị giữ thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật NVQS hiện hành, đồng thời bổ sung một số đối tượng có thời hạn phục vụ thấp hơn;  đề nghị mọi công dân phải phục vụ tại ngũ từ 6 đến 12 tháng, đồng thời quy định xây dựng lực lượng thường trực tinh nhuệ với thời hạn phục vụ từ 3-5 năm; đề nghị quy định thời hạn phục vụ tại ngũ là 36 tháng đối với đơn vị chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và có nhiệm vụ đặc biệt.

UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Đồng tình với quy định trên, Đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật NVQS hiện hành thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

Nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật NVQS hiện hành hoặc quy định thấp hơn cho một số đối tượng thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, đồng thời không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Việc quy định thời hạn là 24 tháng tuy có ảnh hưởng đến số lượng hạ sĩ quan, binh sĩ bổ sung cho quân dự bị hạng 1, nhưng dự thảo Luật đã quy định một số hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận là thực hiện NVQS và hoàn thành NVQS tại ngũ trong thời bình để bổ sung nguồn quân nhân dự bị hạng 1 tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật.

Nếu kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ lên 36 tháng đối với đơn vị chuyên môn kỹ thuật hoặc làm nhiệm vụ đặc biệt như ý kiến đề nghị sẽ không bảo đảm công bằng đối với công dân nhập ngũ. Hơn nữa, các đơn vị chuyên môn kỹ thuật, hoặc có nhiệm vụ đặc biệt thì lực lượng chủ yếu là sử dụng quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đảm nhiệm.

Kéo dài độ tuổi nhập ngũ đên hết 27 tuổi

Theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 3 loại ý kiến liên quan đến độ tuổi nhập ngủ. Loại ý kiến thứ nhất: nhất trí như dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27;  Loại ý kiến thứ hai: đề nghị giữ quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật NVQS hiện hành;  Loại ý kiến thứ ba: đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27.

Thảo luận về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, nên giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật hiện hành là từ đủ 18 tuổi đến 25 tuổi và không quy định đối với công dân đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Theo Đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang), hiện các trường đại học hiện nay thực hiện đào tạo theo tín chỉ thì thời gian đào tạo được kéo dài 6 đến 7 năm hoặc cho phép sinh viên được học song song 2 chương trình trong 1 khóa đào tạo. Như vậy, quy định này sẽ tạo cho một số công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng: sinh viên y khoa, nếu học 6 năm trong trường thì ra trường chưa đến 25 tuổi, một số rất ít trường hợp sinh viên ra trường quá 25 tuổi. Do vậy, không nên vì một số quá ít như vậy mà điều chỉnh, không nên điều chỉnh từ 25 lên 27 tuổi.

Theo UBTVQH, việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật về thực hiện NVQS theo quy định của Hiến pháp. Do đó, quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên đại học vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện quyền, NVQS nhằm nâng cao chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Cũng trong chiều ngày 21/4, nhiều ý kiến phát biểu quan tâm đến chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ. Dự thảo Luật quy định trước khi nhập ngũ mà đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí việc làm, bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên có trách nhiệm giải quyết việc làm.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc