Cách tránh "bẫy" tuyển dụng của “yêu râu xanh”?

07:00, 01/05/2015
|

(VnMedia) - Thời gian qua, nhiều cô gái trẻ đã “sập bẫy” tuyển dụng của “yêu râu xanh” để rồi mất đời con gái. Vậy làm cách nào để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc này?

>> Nhiều thiếu nữ "sập bẫy" tuyển dụng của “yêu râu xanh”

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lợi dụng nhu cầu cần việc làm của các bạn trẻ để có tiền lo cuộc sống bản thân và phụ giúp gia đình. Khi đi xin việc họ đã không tìm hiểu, xem xét kĩ nên dễ dàng sập bẫy những “công ty ma”, những đối tượng “cò mồi”. Nghiêm trọng hơn, có nạn nhân còn bị các đối tượng lừa đảo cưỡng bức khi đến dự tuyển lao động ở quán cà fe, nhà nghỉ...

Vừa qua, cơ quan điều tra, công an TP Hà Nội khám phá 2 vụ án liên quan. Theo đó, bắt giữ 2 đối tượng: Vũ Tuấn (SN 1983, trú tại xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) và Ngô Quang Khánh (SN 1988, trú tại CT1B, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, còn nhiều vụ việc khác do bị hại e ngại hoặc số tiền bị lừa ít nên không đến cơ quan công an tố cáo.

Để giúp cho các bạn trẻ có hiểu biết khi đi xin việc, đặc biệt là những nữ thanh niên tránh được những “công ty ma”, “cò việc làm”, để không bị tiền mất, tật mang, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội (DVVL).

Bà Ngọc Trinh cho biết, “hệ thống trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm đang tồn tại ba dạng là trung tâm của ngành lao động, trung tâm của tổ chức chính trị xã hội và trung tâm của các doanh nghiệp (Nhà nước và tư nhân) hoạt động theo Nghị định Chính phủ quy định về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm.

Tại thời điểm này, các trung tâm vẫn thực hiện thu phí theo Thông tư liên tịch số 95/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và xã hội, hướng dẫn thu phí, giới thiệu việc làm quy định: Đối với các Trung tâm DVVL của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội thì không thu phí của người lao động. Đối với doanh nghiệp chỉ được phép thu không quá 10 ngàn đồng/ người lao động.

Theo bà Ngọc Trinh, các trung tâm DVVL mọc lên ồ ạt như nấm gặp mưa trong những năm gần đây là do ban hành Thông tư hướng dẫn không theo kịp với Nghị định nên công tác quản lí Nhà nước kiểm soát không chặt. Đây là những “kẽ hở” để các “trung tâm ma”, “cò việc làm” lách vào để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động. Trong khi người lao động đang có tâm lí rất cần việc làm nên nghe thấy ai giải quyết việc làm cho mình thì phấn khởi, dễ dàng nộp tiền cho họ mà không cần suy xét.

Những đối tượng lừa đảo thường ngon ngọt, đánh vào tâm lý cần việc làm của người lao động; không cần thực hiện đúng các quy định của các cơ quan chức năng. Trong khi những trung tâm DVVL làm ăn chân chính thì công khai từ vị trí làm việc, địa điểm làm việc, chế độ chính sách, yêu cầu sức khoẻ, chiều cao cân nặng, bằng cấp… để xét tuyển theo đúng quy định. Những người dự tuyển bị thiếu hụt so với tiêu chuẩn xét tuyển thì dễ dàng bị các “cò việc làm” lừa đảo, ăn tiền của người lao động.

Những trung tâm DVVL của các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thực hiện quy định của Nhà nước, không thu phí giới thiệu việc làm của người lao động thì một số bạn trẻ lại cho rằng chất lượng kém. Do vậy, không ít bạn trẻ lại chạy theo những “bánh vẽ” do các “trung tâm ma” hay “cò việc làm” vẽ ra.

Những cô gái đi xin việc, bị cưỡng bức như kể trên cũng là một ví dụ. Tuy nhiên, những cô gái này cũng rất đáng trách bởi họ không tìm hiểu kĩ, vô tư đi vào nhà nghỉ, hàng cafe với đối tượng dẫn đến hậu quả nguy hại cho chính bản thân.

Do đó, bà Ngọc Trinh khuyến cáo: người lao động khi đi tìm việc cần đến những Trung tâm DVVL của Nhà nước, hoặc các tổ chức chính trị xã hội và của doanh nghiệp có uy tín, có văn phòng, nhà cửa địa chỉ rõ ràng, có phiếu thu, có con dấu...


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc