Kẻ bắt cóc con tin rồi đòi gặp tướng Chung lĩnh án

06:43, 17/04/2015
|

(VnMedia) - Bình cầm dao xông vào khống chế những người có mặt trong nhà con tin và chỉ chịu đầu hàng khi đích thân Giám đốc Công an Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung tới thương thuyết...

>> Những điều chưa biết về kẻ khống chế con tin
>> Điều tra người tung clip "Sự thật vụ bắt cóc ..."
>> Kẻ khống chế con tin đã mua dao, súng, bình xịt
>> Tội danh nào cho kẻ bắt cóc, khống chế con tin?
>> Bắt cóc, khống chế con tin vì muốn gặp vợ con!
>> Giám đốc Công an Hà Nội đối mặt kẻ khống chế con tin   
>> Chém trọng thương chủ nhà, khống chế 3 con tin

Ngày 16/4, TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội đưa bị cáo Trần Thanh Bình (SN 1986, ở Quảng Ninh) ra xét xử 3 tội Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích và Bắt giữ người trái pháp luật.

Ảnh minh họa
Bị cáo Trần Thanh Bình tại phiên xét xử

Bắt cóc con tin lúc nửa đêm

Theo cáo buộc, giữa tháng 8/2014, sau khi xin tạm nghỉ việc ở công ty kho vận đá bạc ở TP Uông Bí, Quảng Ninh, Bình lên Hà Nội tìm việc làm khác. Khi đi, Bình mang theo 4 triệu đồng tiền mặt, khẩu súng ngắn bắn đạn bi, 1 băng tiếp đạn; 15 túi nilon đựng đạn bi; bình xịt hơi cay; gậy sắt; dao nhọn và thuê phòng trọ ở số 35 ngõ 61 Nguyễn Sơn, phương Ngọc Lâm, Long Biên.

Đến ngày 15/9/2014, Binh tiêu xài hết tiền nên nảy sinh ý định đi cướp tài sản. Bình mang theo dao và đi xe buýt sang lang thang ở khu vực quận Thanh Xuân tìm sơ hở của người dân để cướp tài sản.

Khoảng 1h ngày 16/9/2014, Bình đi đến khu E, tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, đi lên chiếu nghỉ tầng 4 cầu thang nhà E6 để ngủ.

Đến khoảng 5h45 cùng ngày, bà Đỗ Thị Ánh Hồng (SN 1966, ở phòng 401) mở cửa để đi chợ. Bình nghe thấy tiếng động và nảy sinh ý định dùng dao khống chế bà Hồng để chiếm đoạt tài sản. Bình đứng dậy đi xuống cầu thang. Khi đi xuống đến chiếu nghỉ giữa tầng 3 và tầng 4 thì bà Hồng đi ngay phía sau. Bình rút dao ra nói “mày đứng im”.

Do hoảng sợ, bà Hồng bị ngã ra bậc cầu thang. Bình di chuyển ra phía sau lưng bà Hồng, tay phải cầm dao quàng qua cổ bà Hồng khống chế. 

Lúc này, bà Hồng kêu “chị Hương ơi, cứu em” và giằng co nhằm thoát khỏi sự khống chế thì bị Bình dùng dao gây thương tích chảy máu bàn tay phải.

Nghe tiếng bà Hồng kêu cứu, bà Đỗ Thị Mai Hương (chị gái bà Hồng) ở phòng 401 chạy ra mở cửa. 
Bình vừa gí dao vào cổ vừa kéo bà Hồng vào nhà và quát mọi người vào trong nhà đóng cửa lại. 

Trong nhà bà Hồng khi đó còn có bà Đỗ Thị Bích Hạnh – chị gái bà Hồng, cháu Phạm Đỗ Tùng Lam và cháu Phạm Đỗ Mộc Lam (con gái bà Hồng). Thấy có đông người, Bình không thể chiếm được tài sản nên bỏ ý định này và quay sang yêu sách muốn gặp người nhà để nhằm thoát tội cướp tài sản.

Gã đàn ông này yêu cầu tất cả mọi người trong nhà bà Hồng đi vào phòng đặt ban thờ và bảo bà Hạnh ra chốt cửa lại. Nhân cơ hội đó, bà Hạnh trốn thoát ra ngoài và điện báo công an.

Bình dùng dao cắt dây điện ở ổ cắm Lioa để trong phòng rồi tách đoạn dây điện thành nhiều đoạn nhỏ khác nhau. Bình trói hai tay cháu Tùng Lam, Mộc Lam quay lưng vào nhau, trói hai tay bà Hồng ra phía sau và bắt bà Hương tự trói tay mình lại.

Thấy tay bà Hồng chảy nhiều máu, bà Hương xin Bình cho bằng bó vết thương. Bình đồng ý, sau đó Bình khống chế bà Hồng ra ngoài để chốt cửa.
Khi ra đến gần cửa, bà Hồng tiếp tục vùng vẫy nên bị Bình dùng dao gây thương tích chảy máu bàn tay trái.

Đưa ra yêu sách đòi gặp Giám đốc công an Hà Nội

Chốt cửa xong, Bình khống chế bà Hồng quay lại phòng thờ. Khi nghe thấy tiếng còi xe của lực lượng công an, biết không thể thoát, Bình đồng ý thả bà Hồng ra ngoài với mục đích thông báo với cơ quan công an Bình muốn gặp người thân sẽ thả con tin.

Do không nhớ số điện thoại của người thân, Bình viết dòng chữ “cô Bé điện về nhà, đi đến đèn xanh đèn đỏ Uông Bí hỏi bà Tuyến” rồi đưa cho bà Hồng sang gặp bà Trần Thị Bé (1958, ở phòng 303 E7, cùng tập thể TXB, cô họ của Bình) để nhờ bà Bé điện về cho gia đình, đồng thời hướng dẫn cho công an đường đi về nhà Bình.

Sau khi bà Hồng ra ngoài, Bình vẫn tiếp tục khống chế bà Hương và hai cháu nhỏ. Bà Hương xin Bình cởi trói cho cháu Mộc Lam và thả để cháu đi học. Bình đồng ý. Sau đó, Bình trói tay cháu Tùng Lam ra phía trước và gí dao vào cổ cháu bắt đưa đi kiểm tra các phòng để tránh công an đột nhập vào.

Sau nhiều lần được công an vận động, thuyết phục và trực tiếp gặp đồng chí giám đốc Công an TP Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, khoảng 10h45 cùng ngày, Bình đồng ý thả con tin và hạ vũ khí đầu hàng.

Sau khi được thả ra ngoài, bà Hồng được đưa đi cấp cứu tại BV Bộ Xây dựng, tổn hại sức khỏe 8%.

Khám xét khẩn cấp nơi trọ của Bình thu giữ gậy sắt, bình xịt hơi cay, súng ngắn màu bạc...
Về hung khí này, Bình khai mua của tại cửa hàng Lào Cai rồi mang từ Quảng Ninh về Hà Nội nhằm cướp tài sản.

Kết luận giám định cho thấu khẩu súng ngắn thu giữ là súng đồ chơi nên cơ quan công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Bình.

Tại phiên xét xử, bị cáo Trần Thanh Bình khai nhận, do cờ bạc, ăn chơi quá đà, bị cáo lâm cảnh nợ nần và bị buộc thôi việc. Người đàn ông này không trả lời câu hỏi "nảy sinh ý định cướp từ khi nào" của Hội đồng xét xử.

Gia đình bị cáo không có ai đến dự phiên xử. Phía bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt và không yêu cầu bồi thường dân sự, chỉ đề nghị xử lý nghiêm.

Kết thúc phiên tòa, sau khi xem xét tòa bộ hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo 9 năm 3 tháng tù cho cả 3 tội Cướp tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật và Cố ý gây thương tích.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc