Bao nhiêu cồn trong máu sẽ bị phạt tù?

15:46, 22/04/2015
|

(VnMedia) - Luật sư Dương Kim Sơn cho rằng, cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn về nồng độ cồn bao nhiêu  để đưa ra quy định phù hợp, chứ không thể quy định một cách áp đặt cứ vượt quá nồng độ cồn quy định là bị xử lý hình sự.

>> Lại đề xuất phạt tù lái xe uống rượu, bia

Tổng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất hình xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu, hoặc vượt quá 04miligam/1lít khí thở. Liên quan đến vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Dương Kim Sơn, Công ty Luật TNHH Minh Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

- Theo quy định hiện tại, người điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc tài sản trên thực tế. Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vừa có kiến nghị hình sự hóa đối với lái xe có hành vi điều khiển xe trên đường nhưng trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Quan điểm của luật sư về vấn đề này?

Luật sư Dương Kim Sơn: Theo tôi, quan điểm hình sự hóa đối với người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn quy định có những hợp lý nhất định. Bởi vì:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, phần lớn người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính, và nếu trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác thì cá nhân vi phạm đó có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa

Luật sư Dương Kim Sơn, Công ty Luật TNHH Minh Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Thực tế cho thấy, ở nước ta trong những năm gần đây, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Theo thông tin từ Văn phòng Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý hơn 36.000 trường hợp vi phạm, 292 vụ tai nạn giao thông do rượu bia (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước). Và tính riêng tại Hà Nội, có khoảng 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và 11% nạn nhân tử vong do nguyên nhân trên. Hơn thế nữa, hệ lụy mà tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho chính người điều khiển phương tiện giao thông, mà còn gây thiệt hại cho cả những người xung quanh và gây mất trật tự, an toàn của xã hội.

Đứng trước thực tiễn trên, nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ không đủ sức răn đe đối với người vi phạm, do vậy, việc tăng hình phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn quy định là cần thiết. Theo tôi, khi đưa ra quy định này các nhà lập pháp cần nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện để ban hành ra quy định phù hợp và đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự về quy định này cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn về nồng độ cồn bao nhiêu thì có thể gây ra tai nạn giao thông để từ đó đưa ra quy định phù hợp, chứ chúng ta không thể quy định một cách áp đặt cứ vượt quá nồng độ cồn quy định là bị xử lý hình sự. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…

- Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông đưa ra các đề nghị tăng hình phạt cho lái xe uống rượu, trước đó là đề xuất tịch thu xe đã bị tạm dừng. Ở góc độ pháp luật, luật sư đánh giá ra sao về những đề xuất này?

Với mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện công vụ sẽ có chức năng, nhiệm vụ riêng. Cảnh sát giao thông có chức năng, nhiệm vụ là thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, theo đó nếu có vi phạm xảy ra cảnh sát giao thông chỉ có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật hành chính. Còn nếu trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn mà pháp luật quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, điều này là phù hợp và không có sự chồng lấn về chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan.

Về câu hỏi: việc đưa ra đề xuất tăng hình phạt đối với lái xe sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn có đúng chức năng của ngành giao thông hay không? Theo tôi, pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia vào các quan hệ đó, do vậy khi ban hành các văn bản pháp luật mọi người dân đều có quyền đề xuất trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản pháp luật.

Tại khoản 1- điều 28 Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định:

“Điều 28
1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”
Tại khoản 1, khoản 2 điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định:
“Điều 4. Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.”
 Và trong trường hợp này, Tổng Cục đường bộ Việt Nam là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ, do đó Tổng Cục đường bộ Việt Nam hoàn toàn có quyền đề xuất ý kiến trong việc sửa đổi Bộ luật hình sự.

- Với thực trạng giao thông ở Việt Nam, việc uống rượu bia là chuyện bình thường, quy định này đưa ra nếu được đồng ý, hiệu quả có như mong muốn hay không theo đánh giá của luật sư?

Việc uống rượu bia ở Việt Nam là chuyện bình thường, thế nhưng đứng trước thực trạng số lượng tai nạn giao thông xảy ra ở nước ta những năm gần ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng và tính mạng sức khỏe của con người là vô cùng đáng quý không chỉ đối với người tham gia giao thông, mà còn đối với những người xung quanh. Chính vì vậy, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ thì sẽ vẫn còn xảy ra những tai nạn giao thông thương tâm do sử dụng rượu bia gây ra và nỗi đau khổ của những người thân trong gia đình sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Khi một quy phạm pháp luật được ban hành để có hiệu quả trên thực tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó phải kể tới ý thức chấp hành của mỗi người dân. Trước đây, khi lần đầu tiên nước ta có văn bản bắt buộc người điều khiển phương tiện giao thông phải đội mũ bảo hiểm thì đối với nhiều người cho rằng đây là quy định vớ vẩn và họ cho rằng việc đội mũ bảo hiểm sẽ tốn thời gian, gây phiền hà và mất đi thẩm mỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện quy định này, người dân đã thấy được công dụng của chiếc mũ bảo hiểm mang lại sự an toàn khi lưu thông trên đường và từ đó tạo cho họ một thói quen khi ra đường là phải đội mũ bảo hiểm.

Trong quy định hình sự hóa đối với người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn cũng vậy, để quy đinh này đạt được hiệu quả như mong muốn phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành của mỗi người dân. Khi họ nhận thấy việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia là rất nguy hiểm và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự thì lúc đó họ mới tuân thủ quy định của pháp luật.

- Các văn bản pháp luật và các chế tài pháp luật đưa ra mục đích là gì? Trường hợp đề xuất kiểu của ngành giao thông có nên khuyến khích?

Việc đề xuất ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đối với những đề xuất hợp lý thì các nhà lập pháp nên lắng nghe, tiếp thu để phục vụ cho quá trình xây dựng và thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao. Còn việc đưa ra đề xuất tràn lan, thiếu căn cứ theo tôi không nên đưa ra, bởi những đề xuất đó sẽ khó có khả năng thi hành trên thực tế và cuối cùng cũng chỉ nằm trên trang giấy mà thôi.

- Xin cám ơn luật sư!


Lam Nguyên - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc