Theo dõi, giám sát chồng/vợ là trái luật

07:13, 07/07/2014
|

(VnMedia) - Pháp luật quy định cấm “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Vì vậy cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thám tử bất hợp pháp tuỳ theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

>> Những quảng cáo "trên trời" của thám tử tư

Mặc dù dịch vụ thám tử tư ở Việt Nam đã tồn tại hơn 10 năm và hoạt động rất rầm rộ, nhưng thực tế, hầu hết các công ty này đều phải hoạt động dưới danh nghĩa công ty cung cấp thông tin.  

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo luật sư Phạm Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội), căn cứ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 10/2007QĐ-TTg ngày 31/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 337 /QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động của tất cả thám tử tư nhân thuộc dịch vụ điều tra có mã ngành: 803 - 8030 – 80300, dịch vụ điều tra và giám sát. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, phụ thuộc vào loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.
        
Hiện trong cả nước mới chỉ có hai doanh nghiệp được cấp phép hoạt động liên quan đến điều tra, cung cấp thông tin. Sau hai doanh nghiệp này, việc cấp phép cho các hoạt động tương tự trong cả nước đều bị dừng lại.

Trong Luật Đầu tư và Nghị định số108/2006/NĐ-CP “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” đã quy định cấm đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.

Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định “quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Nghị định số 52/2008/NĐ-CP “về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ” quy định cấm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và nhân viên của doanh nghiệp tiến hành các hoạt động vũ trang, hoạt động điều tra, thám tử tư dưới mọi hình thức.

Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 “Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” cũng quy định cấm “kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Vì vậy cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thám tử bất hợp pháp tuỳ theo mức độ và hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nhưng, dù không được pháp luật thừa nhận thì vẫn có nhiều người cần tới dịch vụ này. Ngoài điều tra ngoại tình, hiện các công ty thám tử ở Việt Nam còn nhận nhiều dịch vụ khác như theo dõi giám sát, tìm kiếm thông tin, quản lý giám sát con cháu, điều tra thông tin kinh tế, điều tra hàng giả, xác minh nhân thân, tìm chủ nhân số điện thoại, điều tra trong kênh phân phối…

Thực tế, có những vụ án, luật sư cũng phải thuê thám tử thu thập thông tin hoặc tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho việc yêu cầu thi hành án của thân chủ. 

Chính vì sự tiện lợi nói trên mà dịch vụ thám tử vẫn đang tồn tại và mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân và tổ chức hoạt đọng trong lĩnh vực này nhưng lại không chịu sự quản lý của cơ quan nào và cũng không mất một xu tiền thuế. Đây là kẽ hở trong quản lý nhà nước với một lĩnh vực khá nhạy cảm khi liên quan đến bí mật đời tư, quyền công dân…

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, hiện nhiều nước trên thế giới đã coi thám tử tư là một nghề và được điều chỉnh bởi các quy định chặt chẽ của pháp luật. Tại Việt Nam, sở dĩ luật chưa cho phép vì lo ngại những người làm việc này sẽ dùng chính thông tin thu thập được để sử dụng vào những việc vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước thực tế trong xã hội có không ít người có nhu cầu đến dịch vụ này thì các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để dịch vụ này được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với quy định cụ thể về phạm vi, lĩnh vực được hoạt động.

Theo Luật sư Phạm Hồng Sơn, pháp luật nên xếp đây là loại hình dịch vụ hoạt động có điều kiện, những người làm dịch vụ này phải được được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề. Luật cần quy định giới hạn hoạt động đến đâu để không mâu thuẫn với những quy định của pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức: quyền về hình ảnh, quyền bí mật thư tín… Nếu được công nhận, quản lý giám sát hoạt động thám tử tư nên là Bộ Công an.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc