Khởi tố điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà

11:57, 29/07/2014
|

(VnMedia) - Sáng 29/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua tại Hà Nội.

>> Đường ống dẫn nước sông Đà vỡ lần thứ 9
>> Vụ 9 lần vỡ ống nước: Chủ đầu tư xin lỗi người dân

Ảnh minh họa
Hiện trường vụ vỡ ống nước sông Đà

Liên quan đến sự cố vỡ ống nước sông Đà xảy ra liên tiếp tại Hà Nội trong thời gian qua, sáng nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế  (C46 - Bộ Công an) cho biết, bước đầu cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự theo Điều 229 - Bộ Luật Hình sự: Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

Trước đó, vào lúc 4h sáng ngày 102/7,
đường ống dẫn nước của công ty tại Km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, TP Hà Nội lại thêm một lần nữa bị vỡ. 

Đây đã là lần thứ 9 đường ống dẫn nước Sông Đà vào nội thành Hà Nội gặp sự cố (kể từ tháng 12/2012 đến nay), gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội. Sự cố gần đây nhất là vào ngày 10/7, tại vị trí km 25 gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long, huyện Thạch Thất. Đến 4h sáng 11/7, nước mới được cấp trở lạic cho người dân.

Sau lần vỡ lần thứ 7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng chủ trì, phối hợp Viện Vật liệu xây dựng thực hiện kiểm định xác định nguyên nhân sự cố.

Đến ngày 19/6, Bộ Xây dựng đã có văn bản cho biết nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, Bộ Xây dựng cho hay, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà được xác định do chất lượng của ống không đồng đều.

Bộ đã yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian nhanh nhất có thể, để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng và phát triển đô thị.

Ngày 10/7 vừa qua, giải trình trước các đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội về nguyên nhân gây ra các lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, dự án nhà máy nước sông Đà do Bộ Xây dựng giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư thi công, thành phố Hà Nội chỉ là đơn vị mua nước và qua 5 năm sử dụng, đường ống dẫn nước sông Đà đã 8 lần vỡ.

Theo ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau khi xảy ra các sự cố vỡ đường ống dẫn nước, Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư nhanh chóng khắc phục tình hình để nhanh chóng cấp nước lại phục vụ nhân dân sinh hoạt.

Thành phố cũng đã chỉ đạo Tổng công ty nước sạch khai thác thêm nguồn nước ngầm, điều tiết lại nguồn nước để phục vụ nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư các khu đô thị phải tính toán lại nguồn nước để bơm dẫn, tăng áp phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân...
 
Ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang chỉ đạo Vinaconex lập dự án triển khai xây dựng đường ống dẫn nước giai đoạn 2. Trường hợp Vinaconex không đủ năng lực sẽ giao Tổng công ty nước sạch làm chủ đầu tư hoặc kêu gọi nguồn lực khác vào đầu tư.

Tại cuộc họp Thành ủy Hà Nội tổ chức vào ngày 15/7, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex - đơn vị chủ đầu tư nhà máy nước sông Đà cho biết, do đường ống dẫn nước sông Đà sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh là loại vật liệu lần đầu tiên có ở Việt Nam có chất lượng không đồng đều. Quá trình vận chuyển, lắp đặt cũng gây tác động bất lợi tới khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến chất lượng ống.

Ngoài ra, việc thi công xây dựng, vận hành Đại lộ Thăng Long cũng tác động lên chất lượng ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian nên đã gây ra các sự cố đáng tiếc.

Theo ông Hà, sau khi có thông báo kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống truyền tải nước sông Đà của Bộ Xây dựng, Tổng công ty Vinaconex đang nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Ban lãnh đạo, nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội và nhân dân Thủ đô
, đồng thời nêu quyết tâm sớm khắc phục tình trạng cấp nước gián đoạn trong thời gian vừa qua.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Điều 229 Bộ luật Hình sự. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. 


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc