Liên tiếp xảy ra các vụ ép chuyển tiền qua ngân hàng

06:36, 01/04/2014
|

(VnMedia)- Gần đây đã xảy ra liên tiếp hai vụ giả nhân viên thu tiền điện thoại ép nạn nhân phải chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Sau khi đã nộp cho đối tượng hàng trăm triệu đồng, nạn nhân mới ngỡ ngàng phát hiện ra mình bị lừa...

Những nạn nhân nhẹ dạ

Ngày 29/3/2014, chị Lê Thị Thanh Nga (SN 1959, ở quận 10, TP Hồ Chí Minh) đến Công an phường 9, quận 10 trình báo: Sáng 28/3, chị Nga nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP Hà Nội, thông báo chị Nga đang nợ tiền cước điện thoại, hiện Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra. Nếu chị Nga không muốn bị điều tra thì chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, do Lê Thị Mỹ Hồng đứng tên. Do lo sợ, lúc 13h cùng ngày, chị Nga đã chuyển 250.000.000 đồng vào số tài khoản trên tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh 3/2, quận 10. Phát hiện bị lừa đảo, chị Nga đã báo Công an.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng với thủ đoạn đòi nợ cước vô lý như trên, lúc 17h ngày 29/3, chị Huỳnh Ngọc Mỹ Linh (SN 1976, ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đến Công an phường 17, quận Bình Thạnh trình báo: Lúc 8h30' sáng cùng ngày, chị Linh nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại 08 triệu đồng và cho biết, hiện đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Đối tượng yêu cầu chị Linh chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Teccombank, do Trịnh Trung Thành đứng tên để ban chuyên án kiểm tra, xác minh. Lo sợ, chị Linh đã chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển tiền, chị Linh nghi ngờ nên kiểm tra lại mới phát hiện bị lừa đảo. Vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Trước đó, ngày 27/2, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết đang tạm giữ 5 đối tượng: Châu Vỹ Hiền (35 tuổi, ngụ phường 15, quận 5), Đặng Minh Sang (22 tuổi, ngụ phường 1, quận 6) và Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ phường 12, quận 5) SHIH PAO YU (tên Việt Nam là Bảo, 41 tuổi) và HSEIH MING CHI (tên Việt Nam là Lực, 53 tuổi, cả hai đều mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) để điều tra xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, ngày 24/2, bà L.H. (ngụ phường 12, quận 11) đã đến Công an phường 12, quận 11 trình báo bị lừa đảo bởi các đối tượng thông qua dịch vụ đòi nợ tiền cước viễn thông. Theo đơn tố cáo của bà H., sáng 24/2, bà H. nhận được một cuộc điện thoại từ số máy bàn, đầu dây bên kia xưng là nhân viên của tổng đài thông báo bà H. nợ một khoản tiền cước khá lớn do số điện thoại này thường xuyên gọi ra nước ngoài.

Vì ở nhà nội trợ lại chẳng gọi đi đâu ra nước ngoài nên bà H. ngờ ngợ thì “nhân viên tổng đài” cho biết bà có liên quan đến một đường dây rửa tiền mà Công an Hà Nội đang thụ lý điều tra, sau đó đầu dây bên kia cúp máy. Chưa kịp định thần thì bà H. nhận tiếp một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia xưng là “cán bộ” Công an Hà Nội thông báo cho bà H. biết, bà là một trong những “mắt xích” quan trọng trong một đường dây rửa tiền.

Từ một người chỉ biết ở nhà làm nội trợ bỗng dưng biến thành tội phạm, bà H. cố hỏi xem “cán bộ” có nhầm bà với ai không, nhưng đầu dây bên kia giọng người đàn ông khẳng định bà H. là đối tượng đang bị điều tra. Từ trạng thái nghi ngờ bà H. bỗng hoang mang khi nghe thấy tiếng còi hụ, và những câu hỏi cung đan xen lọt vào điện thoại.

Để bà H. tin tưởng tuyệt đối, vị “cán bộ” đưa ra một số thông tin liên quan đến những thành viên trong nhà bà H.. Bị phủ đầu bằng những thông tin liên quan đến người thân khá chính xác, bà H. liên tục trả lời vị “cán bộ ” về tài sản và số tài khoản của các ngân hàng nơi bà gửi tiền. Sau khi đánh tâm lý, “vị cán bộ” yêu cầu bà H. gửi tiền vào tài khoản để họ xác minh, nếu đúng số tiền của bà H. gửi trong các ngân hàng ít hơn thì bà H. sẽ được minh oan và hai giờ sau, sau khi xác minh đúng sự thật bà H. không liên quan, số tiền của bà H. sẽ được hoàn lại tài khoản. Đến lúc này bà H. như “chết đuối vớ được phao” nên xin số tài khoản của vị “cán bộ” trên và gửi vào 170 triệu đồng mong vị “cán bộ” xác minh giùm..

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản cho vị “cán bộ” xong trở về nhà bà H. mới định thần và nhớ lại toàn bộ câu chuyên. Bà H. bỗng giật mình vì những gì mà vị “cán bộ” nói giống như những chiêu thức mà báo đài mấy ngày qua đang cảnh báo người dân. Biết mình bị lừa, bà H. đã đến Công an phường 12, quận 11 trình báo.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an phường 12 đã báo cáo vụ việc cho Công an quận 11 để điều tra làm rõ. Qua xác minh, Công an quận 11 xác định số tiền của bà H. gửi đã được chuyển 150 triệu đồng vào 3 tài khoản do Hiền, Sang, Tuấn đứng tên, 20 triệu đồng còn lại được rút bằng hệ thống Internet Banking.

Đến trưa 25/2, Công an quận 11 đã tìm thấy Hiền, Sang và Tuấn và cả ba khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo trên. Khám xét nhà Tuấn, Công an quận 11 thu giữ nhiều thẻ ATM, thẻ tín dụng và thẻ tài khoản ngân hàng và nhiều chứng từ liên quan đến việc rút tiền.

Theo lời khai của ba đối tượng, “kịch bản” mà ba đối tượng này lừa các nạn nhân là do SHIH PAO YU (Bảo) và HSEIH MING CHI (Lực) dựng lên nên chiều 25/2, trong lúc các đối tượng đang trao đổi với nhau, Công an quận 11 đã bắt được hai đối tượng này tại một quán cà phê trên đường Triệu Xuân Hòa (quận 5). Khám xét nơi ở của hai đối tượng người Đài Loan này, Công an quận 11 phát hiện nhiều thẻ tín dụng quốc tế, máy đếm tiền, máy tính bảng. Hiện, Công an quận 11 đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án

Không chỉ lừa đảo nạn nhân bằng chiêu thức đòi nợ cước điện thoại, gần đây còn xuất hiện hiện tượng trộm cắp thông tin cá nhân của khách hàng khi giao dịch tại ngân hàng. Theo đó, theo tin báo của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi nhánh tỉnh Khánh Hòa về một nhóm đối tượng người nước ngoài lắp đặt camera, thiết bị điện tử tại các trụ máy ATM của ngân hàng tại địa bàn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhằm mục đích trộm cắp thông tin cá nhân của khách hàng, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành điều tra, vào hồi 23h ngày 26/3/2014, phát hiện tại trụ máy ATM số 03 đường Biệt Thự, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang có 02 đối tượng: Eduard Kaprelov Nesezov (SN 1968, quốc tịch Bulgary, nhập cảnh Việt Nam ngày 06/2/2014) và Iulian Dumbrava (SN 1988, quốc tịch Romania, nhập cảnh Việt Nam ngày 06/3/2014), lưu trú tại phòng 318 và 322 khách sạn Thế Kỷ (số 14 Phan Bội Châu, TP Nha Trang) đang tháo thiết bị điện tử ra khỏi trụ ATM. Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã yêu cầu 02 đối tượng trên về trụ sở Công an tỉnh để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội. 

Cảnh báo

Những hình thức lừa đảo bằng kiểu thu nợ cước như nói trên liên tiếp xảy ra thời gian gần đây. Để tránh việc bị lừa, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp viễn thông đã liên tiếp có những khuyến cáo đối với khách hàng. Thông tin từ VNPT cho hay, xuất hiện từ tháng 9/2013 trở lại đây, nhiều thuê bao điện thoại cố định và di động của VNPT bị kẻ xấu gọi đến quấy rối, lừa đảo, thậm chí uy hiếp nhằm trục lợi, chiếm đoạt từ người bị hại. Việc quấy rối, lừa đảo trên bắt đầu ở Hải Phòng, sau đó đến Hà Nội, Tp.HCM, Vũng Tàu, Trà Vinh, An Giang, Long An, Cần Thơ...

Ngoài “bài” giả danh nhà mạng nhắc nợ cước, dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113... và đe dọa nếu không nộp ngay (trong vòng 2 giờ) sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý, các đối tượng này cũng giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ. Thậm chí có trường hợp còn đe dọa đang giữ người thân (bắt cóc), ép mang tiền vàng đến giao nộp thì chúng mới thả người.

Kẻ xấu đã không chỉ mạo danh VNPT để lừa đảo các thuê bao như lúc đầu, mà còn mạo danh nhiều cơ quan và tổ chức khác. Mục tiêu của chúng cũng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến, mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân.

VNPT khuyến cáo khách hàng cần đề phòng, cảnh giác, không để các đối tượng lừa gạt. VNPT không nhắc nợ cước qua hộp thư ghi âm tự động nào. Trường hợp nghi vấn, khách hàng hãy điện thoại trực tiếp đến tổng đài chăm sóc khách hàng 800126 (miễn phí từ điện thoại cố định VNPT).


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc