Không thể có hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi trụy

07:06, 09/06/2013
|

(VnMedia)- Không thể đem tính từ “đồi truỵ” để bổ nghĩa cho hành vi mua, bán dâm vốn đã được coi là đồi truỵ. Việc đưa ra các mức hình phạt đối với các trường hợp mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ là không cần thiết ví nó chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện tại.

>> "Vã mồ hôi" với mua bán dâm đồi trụy

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa



Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có nội dung xử phạt hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ. Theo đó, Dự thảo quy định người có hành vi mua dâm "có tính chất đồi trụy" có thể bị phạt mức tối đa từ 5-10 triệu đồng, gấp 10 lần so với hành vi bán dâm. VnMedia đã có buổi trao đổi với Luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe về vấn đề này.

Vừa qua, báo chí có nhiều bài phản ánh tới quy định về xử phạt hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Luật sư Vũ Thái Hà: Quy định về xử phạt hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình không phải là quy định mới. Việc xử phạt hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ đã được điều chỉnh tại các điều 17, 18 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Theo đó, hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ có mức phạt không thay đổi so với mức phạt trong Dự thảo Nghị định mới (5 đến 10 triệu đối với hành vi mua dâm có tính chất đồi truỵ; 500 nghìn đến 1 triệu đối với hành vi bán dâm có tính chất đồi truỵ). Điều đáng bàn ở đây là khái niệm “đồi truỵ” và như thế nào là mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ.

Khái niệm “đồi truỵ” được định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là: sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Khái niệm “đồi truỵ” cũng được định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa là: hành vi dùng những hình ảnh loã lồ, ngôn ngữ thô tục, quan hệ tình dục giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên.

Với hai quy định nêu trên, có thể hiểu rằng, cái gì mang tính chất tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục, loã lồ, thô tục, quan hệ giữa người với súc vật, quan hệ tình dục từ ba người trở lên thì có thể coi là đồi truỵ. Rõ ràng, hành vi mua, bán dâm, hiện đang không được pháp luật cho phép vì nó trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, nên bản thân nó đã là hành vi đồi truỵ.

Do vậy, theo quan điểm của tôi, không thể có hành vi mua hay bán dâm có tính chất đồi truỵ.
Vì bản chất việc mua, bán dâm đã bị pháp luật hiện hành coi là hành vi có tính chất đồi truỵ. Do đó, không thể đem tính từ “đồi truỵ” để bổ nghĩa cho hành vi vốn đã được coi là đồi truỵ.

Ngoài vấn đề mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ, ông có ý kiến gì về các quy định xử phạt khác về xử phạt hành vi mua bán dâm trong Dự thảo?

Bên cạnh quy định về hình thức xử lý đối với hành vi mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ, quy định về xử phạt đối với hành vi mua, bán dâm đối với nhiều người cùng một lúc cũng không hợp lý vì mua, bán dâm nhiều người cùng một lúc lại được khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2010/TT-BVHTTDL coi là “đồi truỵ”. Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến sự chồng chéo và có cách hiểu ngược nhau giữa các quy định của pháp luật về cùng một vấn đề.

Theo ông thì nên sửa thế nào đối với các quy định này?

Khi mà hành vi mua, bán dâm còn bị coi là hành vi trái với đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục cần phải ngăn chặn thì việc ngăn chặn và xử phạt là cần thiết. Tuy nhiên, quy định về việc xử phạt phải rõ ràng, công minh, tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được. Theo tôi, không nên đưa ra mức hình phạt đối với các trường hợp mua, bán dâm có tính chất đồi truỵ hay mua, bán dâm nhiều người. Vì xét cho cùng, hành vi mua, bán dâm, mua bán dâm nhiều người bản thân nó đã được pháp luật coi là đồi truy.

Xin cảm ơn luật sư!


Trúc Dân - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc