Khi công an nhận sai trong quá trình tác nghiệp

17:57, 12/06/2013
|

(VnMedia)- Cuối cùng thì Công an tỉnh Hải Dương cũng buộc phải nhận sai trong vụ bắt giữ hơn 2 tấn bạch tuộc thối của các ngư dân huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh vào 23 giờ đêm 27/5. Công an tỉnh này cũng sẽ phải bồi thường cho hành vi sai của mình là 650 triệu đồng. Và...

>>
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu báo cáo vụ 2 tấn bạch tuộc thối

Ảnh minh họa

Các chủ nhân của hơn 2 tấn bạch tuộc bị cảnh sát môi trường thu giữ đã được bồi thường tiền. Ngoài bồi thường, công an Hải Dương còn phải chịu trách nhiệm nào?

“Sơ suất và thiếu sót”

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ,
vào 20g30 tối 11/6, Đại tá Cao Ngọc Lan - Phó Giám đốc công an tỉnh Hải Dương thừa nhận cảnh sát môi trường Hải Dương đã có “sơ suất và thiếu sót” trong khi xử lý lô hàng 2 tấn bạch tuộc.

Chiều cùng ngày, công an Hải Dương đã có cuộc làm việc kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ với đại diện các ngư dân Cần Giờ bị thiệt hai trong vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc dẫn đến hư hỏng.

Buổi làm việc diễn ra tại công an phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, thành phố Hồ Chí Minh, (nơi thường trú của bà Nguyễn Thị Phỉ, đại diện theo ủy quyền của các chủ hàng bạch tuộc tại Cần Giờ), vào chiều 11/6. Đây là kết quả đầy bất ngờ nhưng rất hợp lý trước quyết tâm đi đòi lẽ phải đến cùng của những dân chài chân lấm tay bùn ở rừng ngập mặn Cần Giờ.

Theo yêu cầu ban đầu của các ngư dân Cần Giờ, công an Hải Dương phải bồi thường 1.809 kg bạch tuộc (số lượng thực tế sau khi trừ bao bì), với đơn giá cộng phí vận chuyển là 400.000 đồng/ kg theo thời giá thu mua ngày 27-5; chịu toàn bộ phí tổn của các ngư dân đã di chuyển ra Hải Dương làm việc với tổng số tiển là 755 triệu đồng.

Công an Hải Dương cho rằng giá 400.000 đồng/kg bạch tuộc là quá cao và đề nghị giảm giá tiền bồi thường trên cơ sở giảm đơn giá trên mỗi kg bạch tuộc. Đề nghị này lúc đầu đã bị các ngư dân phản đối làm không khí cuộc làm việc trở nên căng thẳng. Các ngư dân cho rằng, công an Hải Dương không nắm được thực tế giá bạch tuộc, vốn biến động theo ngày chứ không ổn định như các mặt hàng khác. Một số bà con còn đề nghị đại diện nghị công an Hải Dương hãy xuống rừng ngập mặn để biết bà con đánh bắt được con bạch tuộc khổ cực như thế nào và không đồng ý bồi thường.

Tuy nhiên, sau một thời gian thương lượng, các ngư dân Cần Giờ đã hào sảng không đòi bồi thường chi phí vé máy bay của 10 ngư dân ra Hải Dương khiếu nại, đồng thời giảm thêm 10% số tiền trên đơn giá lô hàng 2 tấn bạch tuộc. Do đó số tiền bồi thường sẽ chỉ là 650 triệu đồng. Đến 20g tối cùng ngày, biên bản thỏa thuận về việc bồi thường đã được hoàn tất. Niềm vui càng vui hơn khi công an Hải Dương quyết định chuyển ngay số tiền 650 triệu ngay sau khi ký xong biên bản thỏa thuận.

Đến 21g15 phút tối nay, bà Nguyễn Thị Phỉ, người đại diện theo ủy quyền cho các ngư dân cho biết đã nhận đủ 650 triệu từ công an Hải Dương.

Nhận sai và...

Việc công an tỉnh Hải Dương thừa nhận "sơ xuất và thiếu sót" là một bất ngờ cực lớn đối với những chủ nhân của hơn hai tấn bạch tuộc và cả dư luận. Bởi lẽ, chỉ rất ít ngày trước đó, ngay tại thời điểm cảnh sát môi trường Hải Dương bắt giữ lô hàng, ngay khi 40 ngư dân huyện Cần Giờ, những chủ kinh doanh, khai thác bạch tuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đã vô cùng vất vả để "nói cho rõ" về sự hợp pháp hay không hợp pháp của lô hàng, công an tỉnh Hải Dương vẫn không nhận thấy một sai phạm nào.

Nhưng ngay khi Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang
yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ việc bắt giữ 2 tấn bạch tuộc thối vào ngày 9/6/2013 sự việc đã nhanh chóng được giải quyết.

Mặc dù Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ việc; giao Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường. Kết quả thực hiện báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/6/2013; đồng thời thông tin cho các cơ quan báo chí biết. Nhưng, công lý đã được trả về đúng giá trị của nó.

Điều khiến dư luận vẫn còn băn khoăn là sau khi người dân Cần Giờ đã nhận được tiền bồi thường, công an tỉnh Hải Dương thừa nhận có thiếu sót, việc tiếp theo sẽ là gì. Bởi nếu chỉ dừng lại ở việc, đúng là chúng tôi có sai sót, chúng tôi bồi thường là xong thì rất có thể sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Nếu trong vụ việc này chưa có sự lên tiếng của Bộ trưởng Bộ Công an thì sự việc liệu có được giải quyết chóng vánh như thế.  Bởi, nếu có sự sai sót nào về quy trình nghiệp vụ thì công an tỉnh Hải Dương đã phải phát hiện ra sớm hơn, ngay khi 40 ngư dân huyện Cần Giờ xuất hiện, cung cấp bằng chứng chứng minh về lô hàng và dư luận lên tiếng.

Chúng ta đành chờ các biện pháp giải quyết tiếp theo của công an tỉnh Hải Dương và chỉ đạo mới của lãnh đạo Bộ Công an...


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc