Sai lầm nếu "siết" nhập cư bằng Luật cư trú?

12:51, 27/05/2013
|

(VnMedia)- Thay vì siết nhập cư chúng ta nên tính đến việc hoạch định phát triển kinh tế phù hợp để tránh tình trạng di dân của người dân. Bởi cư trú, đi lại, học tập…. là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, Nhà nước phải có nghĩa vụ tạo điều kiện để mỗi người dân được thực thi quyền công dân một cách cao nhất...

 Ảnh minh họa

 Việc tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn đã tạo ra nhiều áp lực cho các đô thị này, nhưng nếu tập chung siết dân nhập cư sẽ ảnh hưởng đến quyền của công dân về cư trú, đi lại đã được quy định trong Hiến pháp.



5 năm tăng thêm gần 5 triệu người vào các thành phố trực thuộc trung ương

Theo thống kê của Bộ Công an, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, số người chuyển về các thành phố làm ăn, sinh sống tăng nhanh gây sức ép lớn về gia tăng dân số cơ học, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội.

Tính đến 1/7/2012, tổng dân số tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) gồm: 4.561.985 hộ với 18.887.151 nhân khẩu.
Từ tháng 7/2007, khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành đến tháng 7/2012 dân số của các thành phố trực thuộc trung ương tăng 2.038.205 hộ, 9.799.336 nhân khẩu. Cơ quan Công an đã giải quyết đăng ký thường trú cho 1.028.419 hộ, 4.663.990 nhân khẩu, trong đó, đăng ký từ tỉnh ngoài về 192.207 hộ, 837.956 nhân khẩu, đăng ký vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ 52.397 hộ, 188.334 nhân khẩu.

Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các thành phố trực thuộc trung ương với các tỉnh dẫn đến công tác quản lý cư trú của các thành phố trực thuộc trung ương gặp nhiều khó khăn.

Mật độ dân số trung bình của năm thành phố trực thuộc trung ương là 1686 người/km2 cao gấp 6,5 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước (265 người/km2), trong đó TP. Hồ Chí Minh là 3589 người/km2  cao gấp 13,6 lần so với cả nước, Hà Nội là 2013 người/km2 cao gấp 7,6 lần so với cả nước… đã tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của đất nước.

Để giảm bớt áp lực dân số tại các thành phố lớn, Bộ Công an đang lên kế hoạch siết nhập cư. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, khi chủ trương này được thực hiện giá thuê nhà ở Hà Nội sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên, siết nhập cư có phải là vấn đề cốt lõi khi bài toán kinh tế xã hội không được tính toán kỹ và quy hoạch hạ tầng xã hội không được chú trọng!?

Cư trú, đi lại là quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp

Điều 68 Hiến pháp 1992 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Đây là những quyền cơ bản nhất của công dân mà bất cứ một xã hội tiến bộ nào cũng phải có, ở nước ta cũng không ngoại lệ và đã được quy định trong bản hiến pháp gấn đây nhất là hiến pháp 1992.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Luật Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, mặc dù đã được quy định trong hiến pháp như vậy nhưng trên thực tế những quyền cơ bản vẫn không được thực thi, khi đó  đã xảy ra nhiều tình trạng gây khó khăn, cản trở cho việc thực thi các quyền dân sự của công dân, khi đó việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng nhà, đất ở là một quy trình rồi rắm phức tạp, hành hạ người dân trong nhiều năm. Khi nhà nước lạm dụng hoặc sử dụng một cách quá mức các công cụ hành chính để cản trở các quyền dân sự của công dân dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Cụ thể: Khi người dân có nhu cầu mua nhà, tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…nhưng bị các cơ quan tìm cách ngăn cản, hạn chế thì họ sẽ bằng các biện pháp khác như mua bán viết tay, nhờ người đứng tên,… (đối với việc mua bán nhà đất); còn để được nhập khẩu vào các thành phố lớn thì bằng các biện pháp khác như kết hôn, nhận con nuôi, việc kết hôn nhằm mục đích kiếm một cái hộ khẩu thì thường không xuất phát từ tình cảm, tình yêu mà chỉ là cái bình phong để hợp pháp cái hộ khẩu, có yếu tố mua bán, đổi chác (tương tự như kết hôn để xuất ngoại) dẫn đến sự méo mó, biến dạng của xã hội, người mua bán nhà đất thì nhà nước không theo dõi, quản lý được, thất thu thuế dẫn đến một thực trạng xã hội không được quản lý trên thực tế.….

"Nhiều năm sau khi có Hiến pháp 1992 thì mới có Luật cư trú, Luật nhà ở – đây là một bước tiến bộ lớn về thực thi các quyền dân sự của công dân, sau khi Luật cư trú, Luật nhà ở đã làm thay đổi bộ mặt xã hội, người dân được nhà nước công nhân các quyền, việc mua bán chuyển nhượng nhà đất được minh bạch, nhà nước thu được thuế, đồng thơi cũng thực hiện được công tác quản lý một cách hiệu quả", luật sư Nguyễn Văn Kiệm phân tích.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, việc sửa đổi Luật cư trú theo hướng siết nhập cư vào các thành phố lớn là một sai lầm. Bởi, cư trú, đi lại, học tập…. là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong hiến pháp, nhà nước phải có nghĩa vụ tạo điều kiện để mỗi người dân được thực thi quyền công dân một cách cao nhất, việc tạo điều kiện tốt nhất cho công dân thực thi các quyền cơ bản của mình không những giúp cho người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn mà qua đó các cơ quan có thẩm quyền cũng thực thi công tác quản lý được tốt hơn, thúc đấy xã hội phát triển lành mạnh, hạn chế được các giao dịch ngầm, ngăn chặn được các tiêu cực như hối lộ, tham nhũng xuất phát từ các quy định hành chính bất hợp lý, cản trở cuộc sống của người dân. Thay vì nghĩ cách, tìm các biện pháp hạn chế, siết chặt bằng các công cụ hành chính thì nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền nên nghĩ các biện pháp để tạo điều kiện cho công dân được thực thi tối đa tự nguyện các quyền dân sự của mình một cách tốt nhất, vừa thúc đấy được sự chấp hành pháp luật của người dân, quyền chính đáng của người dân được tôn trọng, công tác quản lý được minh bạch.

Nên giải quyết cách nào?

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm kể rằng, tôi đã gặp rất nhiều người dân có chung một tâm sự “Hà Nội chẳng có gì hấp dẫn họ cả những nếu ốm đau mà không lên Hà Nội thì chết, học mà không ở Hà Nội thì không giỏi được” qua đó thấy được tâm sự cũng như nhu cầu chính đáng của người dân về học tập, chữa bệnh và các nhu cầu khác. Việc nhập cư vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác phần lớn là xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như là quyền của mỗi công dân, người dân luôn mong muốn có một môi trường tốt hơn, khi các cơ quan có thẩm quyền không nghiên cứu kỹ mà cứ lạm dụng các công cụ hành chính sẵn có sẽ dẫn người dân tìm các cách thức tiêu cực để đạt được mục đích của mình khi đó mục tiêu quản lý của nhà nước sẽ thất bại, sẽ dẫn đến tình trạng chạy hộ khẩu…. Như đã từng xảy ra khi chưa có Luật cư trú.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho rằng, giải pháp tốt nhất thì không thể thực thi trong ngắn hạn mà phải có giải pháp chiến lược, tổng thể để từng bước người dân ở các tỉnh ngoài các thành phố lớn được hưởng các dịch vụ xã hội về học tập, vui chơi giải trí, chữa bệnh một cách tốt hơn là giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

"Xã hội ngày các tiến bộ thể hiện qua việc các quyền công dân được thực thi và tôn trọng, ngày nào mà các cơ quan nhà nước vẫn còn suy nghĩ và mang tư duy cấm đoán, hạn chế… thì càng thể hiện sự yếu kém, bất lực trong công tác quản lý và là một bước thụt lùi về hoạt động lập pháp và tiến bộ xã hội", luật sư Kiệm nói.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc