Đại biểu băn khoăn về kiểm soát quyền lực Nhà nước

13:57, 18/11/2012
|

(VnMedia)- Trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu tiếp tục nêu những băn khoăn về kiểm soát quyền lực Nhà nước và địa vị pháp lý của các nguyên thủ Nhà nước quy định trong Hiến pháp.

Đưa kiểm soát quyền lực vào Hiến pháp

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng quyền lực Nhà nước không bị kiểm soát thì dễ bị tha hóa. Vì vậy, quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực thì mới có hiệu quả. "Cương lĩnh của Đảng bổ sung và phát triển tại Đại hội XI Đảng đã nêu rõ: tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp", đại biểu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Luật, Điều 2 dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa nguyên tắc này. "Tôi nhất trí cao với bổ sung nguyên tắc kiểm soát quyền lực vào Hiến pháp cũng như xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là việc kiểm soát của Quốc hội với Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án".

Theo phân tích của đại biểu Luật, kiểm soát quyền lực Nhà nước là một hệ thống những cơ chế được thực hiện bởi Nhà nước và xã hội nhằm giữ cho việc thực thi quyền lực Nhà nước đúng mục đích, hiệu quả. Kiểm soát quyền lực Nhà nước bao gồm: kiểm soát phạm vi hoạt động của quyền lực Nhà nước, kiểm soát quá trình thông qua và sửa đổi Hiến pháp, kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, kiểm soát những người thực thi quyền lực Nhà nước, kiểm soát từ bên trong Nhà nước, kiểm soát từ bên ngoài Nhà nước.

"Qua nghiên cứu dự thảo Hiến pháp, chúng tôi thấy kiểm soát từ bên trong Nhà nước là thuộc kiểm soát do Nhà nước thực hiện và kiểm soát từ bên ngoài nhà nước là kiểm soát do nhân dân và xã hội thực hiện. Về cơ bản, qua nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này đã thể chế được nguyên tắc đó", đại biểu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), việc bổ sung vấn đề phải xác lập nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là cần thiết.

Theo ông, trên cơ sở nguyên tắc này, dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đã đề cập nhiều quy định bổ sung trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước về cơ bản tôi thấy đã rất cụ thể và phù hợp.

Đại biểu đề nghị, để "đáp ứng yêu cầu phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm soát quyền lực nhà nước trong tình hình mới, tôi muốn xin kiến nghị cần phải nghiên cứu khôi phục lại chức năng kiểm soát chung của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát việc tuân theo pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay".

Theo đại biểu, lý do của việc phục chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân bởi từ khi Viện kiểm sát nhân dân thôi thực hiện chức năng kiểm soát, tình hình chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật khó được kiểm soát do công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập và nhiều hạn chế. Việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra phát hiện xử lý vi phạm pháp luật còn hạn chế và thiếu kịp thời.

Còn theo đại biểu Trần Đình Sơn (Đắc Lắk), vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước, sự phân công một cách rành mạch các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm đảm bảo cho việc tổ chức một cách có hiệu quả cả 3 quyền này trên thực tiễn và từ đó làm cơ sở cho việc ban hành luật, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức hệ thống các cơ quan này một cách phù hợp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), một sửa đổi rất nhỏ nhưng tôi cho là rất quan trọng được ghi trong khổ 2, Điều 2 của dự thảo là đã bổ sung cụm từ "kiểm soát", tuy nhiên kiểm soát cái gì và kiểm soát thế nào thì dự thảo cần phải hoàn thiện tiếp.

"Mặc dù so với Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều điểm mới, tôi đề nghị sửa khổ 2 của Điều 2 như sau: "quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" thay vì "giữa các cơ quan". Như vậy, việc kiểm soát ở đây là kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước để tránh sự lạm quyền, kiểm soát quyền lực không chỉ giữa các cơ quan nhà nước với nhau mà có cả những thiết chế độc lập cũng tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước", đại biểu Sơn cho biết.

Theo phân tích của đại biểu Sơn, Quốc hội ban hành luật, Chủ tịch nước ra quyết định trái với Hiến pháp hoặc một bản án của Tòa án vi hiến thì các cơ quan có đủ thẩm quyền tuyên hủy kịp thời. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị xây dựng thiết chế Hội đồng bảo hiến do Chủ tịch nước đứng đầu và thành viên là đại diện của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị xã hội ban ngành hữu quan khác. Đại biểu cũng đề nghị tách Thanh tra Chính phủ thành cơ quan độc lập đổi tên là Thanh tra nhà nước giúp các cơ quan nhà nước nói chung thực hiện nhiệm vụ thanh tra và chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội.

"Tại kỳ họp này chúng ta thảo luận rất nhiều về vấn đề tham nhũng, đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng và tồn vong của chế độ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, quyết tâm của chúng ta chưa bao giờ thiếu. Nhưng chúng ta thiếu chính là những công cụ hữu hiệu để thực thi nhiệm vụ này. Kiểm toán trước đây thuộc Chính phủ nay đã hoạt động độc lập thì không có cớ gì chúng ta không mạnh dạn trao cho thanh tra một vị trí tương tự. Góc độ điều hành của Chính phủ không cần có một cơ quan thanh tra riêng, các bộ, các ngành đã có thanh tra nội bộ, mặt khác có thanh tra nhà nước ta không cần thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng riêng độc lập vì thanh tra thực chất cũng là phòng, chống tham nhũng", đại biểu nêu.

Xác định địa vị pháp lý của các nguyên thủ Nhà nước

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), về việc hiến định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang và đối với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh quy định tại Điều 94. Lâu nay trong các Hiến pháp của nước ta đều đã quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân. Qua nghiên cứu chúng ta thấy rằng quy định đó là rất tổng quát và rất phù hợp với cơ chế Đảng lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nội hàm của khái niệm thống lĩnh là chưa đủ rõ để Chủ tịch nước thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

"Tôi đề nghị trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần bổ sung vào hiến định các nhiệm vụ cụ thể đó là nhiệm vụ và quyền hạn quyết định tổ chức lực lượng vũ trang trên thực tế Chủ tịch nước đã ban hành lệnh để thành lập sáp nhập vào các quyết định của tổ chức đối với các đơn vị, cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch như quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các bộ tư lệnh v.v... Quy định được ban hành lệnh sử dụng lực lượng vũ tranh nhân dân trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, lệnh quy định về nguyên tắc sử dụng lực lượng vũ trang. Ban hành lệnh thiết quân luật khi tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức ở đó không kiểm soát được tình hình. Đó là những nội dung rất cơ bản về thực hiện quyền thống lĩnh của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân và những nhiệm vụ đó trên thực tế đã được quy định trên một số đạo luật riêng lẻ mà tôi nghĩ rằng cần phải hiến định", đại biểu nói.

Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) cũng cho biết, đối với Chương IV, về thiết chế Chủ tịch nước, bản dự thảo cần làm rõ hơn thiết chế về Chủ tịch nước thuộc nhánh quyền lực nào? Hiến pháp một số nước đưa thiết chế Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ vào chung một chương hành pháp. Thực tế nước ta có thể không nhất thiết phải làm như vậy, nhưng có thể đưa vào Điều 93, Điều 94 trong Chương VI về Chủ tịch nước.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), để gắn với nhất thể hóa Chủ tịch nước cần có thêm một quyền đó là tổ chức Hội nghị chính trị đặc biệt như Hiến pháp năm 1959 đã xác định mà trong chống Mỹ Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị đặc biệt khi bàn và quyết các vấn đề quan trọng, lúc đó quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ.


Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), theo Hiến pháp hiện hành địa vị pháp lý của các cơ quan hành pháp Việt Nam bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và hệ thống hành pháp Việt Nam do Quốc hội quyết định. Theo đó Chính phủ được quy định là cơ quan chấp hành của Quốc hội, qua 4 bản Hiến pháp của Việt Nam địa vị pháp lý của Chủ tịch nước thì ngày càng mờ nhạt. Nếu như các Điều 49 và Điều 50 của Hiến pháp 1946 quy định Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia thì phải hội đủ cả 3 điều kiện đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang và đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ thì các bản Hiến pháp sau này đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch nước, không quy định rõ thực quyền của một nguyên thủ quốc gia so với Hiến pháp 1946.

Theo đại biểu, theo quy định của các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 không có chức danh Nhà nước nào hội đủ cả 3 quyền thực chất, tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia. Chúng ta có thể thấy một thực tế là Tổng Bí thư, Ban chấp hành Trung ương là Bí thư quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong quân đội thể hiện sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, quân ủy Trung ương thì đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Như vậy, Tổng Bí thư thực chất là người thống lĩnh lực lượng vũ trang và thay mặt cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Nhưng về pháp lý lại không được ghi nhận là người đứng đầu cơ quan hành pháp.

"Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ, nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại, nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp. Với các phân tích ở trên cho thấy quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm 3 nơi cho 3 người nắm giữ. Do vậy, tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi lần này cần sửa đổi để thống nhất lại sự phân tán này", bà Nguyệt nói.

Trình Quốc hội thông qua Hiếp pháp vào kỳ họp 6/2013

Theo ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp đã ghi chép đầy đủ ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. Ngay sau kỳ họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Hiến pháp.

"Chúng tôi cho rằng sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng của đất nước, cần phát huy tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ của đông đảo tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành, các cấp. Cũng chính vì vậy đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về Hiến pháp có phát thanh và truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi, tạo điều kiện để nhân dân nắm bắt được tinh thần và nội dung của Hiến pháp để tham gia xây dựng Hiến pháp", ông Lưu nói.

Sau khi lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 năm 2013.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc