Hàng loạt “sếp” lớn công ty chứng khoán bị bắt

08:42, 11/08/2012
|

(VnMedia) - Vài tháng đầu năm nay, các công ty chứng khoán không chỉ lao đao vì “đỏ” sàn, thua lỗ liên tiếp mà còn dính tới pháp luật, khi nhiều lãnh đạo bị bắt vì nghi án thao túng làm giá chứng khoán, báo cáo, mua bán sai luật…

>> Bị khởi tố hình sự, Sacombank lại gặp hạn
>> Thao túng cổ phiếu, bị phạt tới 1,2 tỷ đồng
>> Thao túng giá chứng khoán sẽ bị xử lý hình sự
>> Bắt chủ tịch Chứng khoán SME vì tội lừa đảo
>> 6 công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt

Chỉ tính riêng đầu tháng 8 đến nay đã có khá nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán bị bắt. Trong ngày 10/8, liên tiếp có thông tin Công ty Chứng khoán Cao Su, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sacombank bị “sờ gáy”.

Chiều ngày 10/8/2012, trên website của cả hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đều đăng thông báo về việc ông Phan Minh Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC) đã bị bắt tạm giam.

Thông báo căn cứ trên Công văn số 86/CV-CKCS ngày 10/8/2012 của Công ty cổ phần Chứng khoán Cao Su trình lên. Trong đó, có công bố thông tin bất thường về việc Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này bị bắt.

Theo thông tin ban đầu, ông Ngọc bị bắt vì hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn là Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (RFC). Ông Phan Minh Anh Ngọc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Cao Su từ ngày 5/4/2011.

Ảnh minh họa

Ông Phan Huy Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SMEđã bị cơ quan công an khởi tố hồi đầu tháng 8/2012



Trước đó, một số thông tin đã công bố, tháng 1/2009, RFC huy động của nhiều tổ chức tài chính 600 tỷ đồng để gửi vào Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Agribank) nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, Công ty Cho thuê tài chính II đã mất khả năng trả nợ cho RFC...

Hiện RUBSE là một trong 6 công ty chứng khoán bị UBCKNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 23/4/2012 do tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%.

Vài tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán không chỉ lao đao vì “đỏ” sàn, thua lỗ liên tiếp mà còn dính tới pháp luật, khi nhiều công ty bị nghi án thao túng làm giá chứng khoán, báo cáo, mua bán sai luật…

Trước đó, ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Chứng khoán Liên Việt, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch Chứng khoán SME, cũng đã bị bắt tạm giam liên quan đến những hành vi sai phạm về tài chính.

Ngày 2/8, cơ quan công an cũng đã khởi tố và bắt giam ông Phan Huy Chí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME - về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ông Chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SME cũng bị bắt.

Theo một số thông tin ban đầu, năm 2010, ông Phạm Minh Tuấn đã chỉ đạo giả mạo giấy tờ của một cá nhân để ký hợp đồng cùng tham gia góp vốn đầu tư lô chứng khoán và đã nhận 107 tỷ đồng của một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, SME mới trả được một phần tiền để khắc phục hậu quả, nhưng không thể trả hết gần 60 tỷ đồng còn lại.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2011, SME lỗ 6 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 23 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý 3 còn 203,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 225 tỷ đồng. Cũng tính đến cuối quý 3/2011, các khoản phải thu ngắn hạn của SME là gần 667 tỷ đồng.

Trong năm 2011, cũng đã có hàng loạt lãnh đạo công ty chứng khoán bị dính líu tới pháp luật, như Công ty Chứng khoán Đại Nam, Công ty CK Woori, Công ty CK Hà Thành…


Đinh Bách

Ý kiến bạn đọc