Từ 1/7: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực

11:34, 01/07/2012
|

(VnMedia) - Người tố cáo dù không yêu cầu cũng vẫn được bảo vệ, nhiều người có thể khiếu nại trực tiếp về cùng một nội dung... Đấy là nội dung trong Luật tố cáo và luật Khiếu nại có hiệu lực từ hôm nay 1/7.

Bảo vệ người tố cáo, không chấp nhận tố cáo nặc danh

Luật Tố cáo gồm 8 Chương và 50 Điều, quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo. Trong đó đáng chú ý, Luật mới vẫn duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn.

Theo Luật Tố cáo, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Người tố cáo sẽ được các cơ quan chức năng bảo vệ dù họ có yêu cầu hay không; các cơ quan thẩm quyền chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo nêu rõ họ, tên, địa chỉ…

Đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ; trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo cũng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo. 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này dù người tố cáo có yêu cầu hay không. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù hay trù dập thì người giải quyết tố cáo phải chủ động hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo.

Được từ chối tiếp dân  

Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều. Điểm mới của Luật khiếu nại là cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp trong trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ…

Luật Khiếu nại cũng quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, ngoài việc tự mình khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước..., người khiếu nại còn có quyền ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nhiều người cùng khiếu nại


Ngoài ra, Luật Khiếu nại còn bổ sung quy định việc giải quyết đối với khiếu nại nhiều người. Cụ thể, nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì có thể cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và cũng phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

Đáng lưu ý, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, người khiếu nại có quyền chọn một trong hai cách: hoặc khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính; hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Tức người khiếu nại không còn phải "khiếu nại trước rồi mới được quyền khởi kiện sau" như quy định trước đây...

Cùng với Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại, hai luật và một pháp lệnh khác cũng có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay. Đó là Luật Lưu trữ; Luật Đo lường và Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, thi hành văn bản pháp luật. Gồm 4 chương và 20 điều, Pháp lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cơ quan TƯ của tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan TƯ của tổ chức chính trị - xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước; việc đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử; xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản...

Pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc: “Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, “Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất” và phải “Tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản”.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc