Mìn tự chế: Lỏng quản lý, dễ gây họa

07:54, 02/07/2012
|

(VnMedia) - Trong thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ gài mìn tự chế, và sử dụng thuốc nổ trái phép khiến dư luận hoàng mang, lo sợ. Điều này gây nguy hiểm đến mạng sống con người và thật đáng báo động...

Ảnh minh họa
Hiện trường vụ nổ mìn cướp tiệm vàng Hoàng Tín 



Hàng loạt vụ gây án bằng mìn tự chế

Theo nhận định của cơ quan công an, những vụ án mà hung thủ gây án sử dụng mìn, thuốc nổ… đều dẫn đến hậu quả khôn lường.

Sau 10 ngày xảy ra vụ vụ án cướp tiệm vàng Hoàng Tín (số 124 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội) bằng mìn tự chế gây thương vong cho 15 người vẫn làm dư luận chưa hết bàng hoàng bởi sự manh động và liều lình mà đối tượng gây ra.

Sự việc xảy ra vào khoảng 11h trưa ngày 21/6, Tạ Văn Thanh Tạ (SN 1987), ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang  mang một túi xách túi màu đen đựng một quả mìn tự tạo, trong có 4kg thuốc nổ đến hiệu vàng Hoàng Tín. Thanh đã đặt túi lên quầy vàng và đưa cho chủ tiệm vàng là anh Vũ Hải Đường một tờ giấy với nội dung: hiện hắn đang cần tiền và yêu cầu chủ tiệm vàng phải đưa vàng và tiền nếu không  sẽ cho nổ bom.

Bị bất ngờ nhưng chủ tiệm vàng khá bình tĩnh chống trả, ném túi xách màu đen ra ngoài và hô hoán. Thấy động đối tượng này bỏ chạy nhưng chỉ được 30m thì túi xách chứa mìn phát nổ, khiến hơn mười người bị thương. Thanh bị bắt khoảng 20 phút sau đó, khi đang lẩn trốn ở khu vực ngõ 20 Cát Linh (quận Đống Đa).

Trước đó, sáng 5/1, Đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 38,5 ha đất đầm nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả vùng bãi bồi tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang - Tiên Lãng - Hải Phòng do Đoàn Văn Vươn đang quản lý. Khi tổ công tác bí mật tiếp cận nhà của Vươn xây dựng trên diện tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự chế phát nổ, làm 2 cán bộ chiến sĩ công an huyện Tiên Lãng bất tỉnh tại chỗ.

Một vụ án gây đau lòng cho nhiều người bởi sự dã man do chính cậu em rể gây nên. Do mâu thuẫn với chị dâu, sáng 1/12/2011, sg em rể đã gài mìn dưới gầm xe máy Honda Dream khiến chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1982, xã Nam Sơn, TP.Bắc Ninh, đang mang thai) chết trong khi cấp cứu tại bệnh viện do mất quá nhiều máu và con gái là cháu Nguyễn Khánh Vân (4 tuổi) bị đứt lìa bàn chân. Hung thủ cũng chính là thủ phạm gây ra một vụ nổ xe khác ở Kinh Môn, Hải Dương vào năm 2010.

Sử dụng mìn tự chế không những hại người mà đôi khi còn hại chính bản thân mình. Do sử dụng thuốc nổ để tự chế bom và bất ngờ phát nổ khiến anh N.V.H (SN 1990, trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) cụt cẳng tay phải, cơ thể mang nhiều thương tích, đa vết thương cổ vai trái, điếc 2 tai...
 
Cơ chế quản lý vật liệu nổ còn nhiều kẽ hở
 
Hàng loạt vụ án mà hung thu gài mìn, sử dụng thuốc nổ thời gian qua khiến dư luận lo ngại về việc quản lý thuốc nổ còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở hiện nay.

Một thực tế hiện nay là tình trạng vũ khí, vật liệu nổ tàn dư của chiến tranh vương vãi trên một số địa phương còn khá nhiều và đến nay vẫn chưa được thu hồi hết, nhất là các loại bom, mìn trong lòng đất vẫn còn, dẫn đến một số người dân vì mục đích kinh tế vẫn tiếp tục kiếm sống bằng nghề tìm bới, đào kiếm, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép…

Mặt khác, nhiều hộ ngư dân còn cất giấu, mua bán và sử dụng vật liệu nổ để sử dụng đánh bắt hải sản trái phép và số người bị chấn thương do sử dụng trái phép vật liệu nổ cứ tăng thêm hàng năm.

Ngoài ra, tại cửa khẩu Lạng Sơn việc buôn bán trôi nổi công cụ hỗ trợ, kíp mìn, chất nổ trên thị trường vẫn phổ biến. Người dân có thể dễ dàng mua bán kíp mìn, chất nổ… tại nơi đây. Mặc dù quy định về sử dụng, buôn bán chất cháy nổ rất ngặt nghèo song tại các công trường khai thác đá, hoặc các công trình cần đến chất nổ…, công tác quản lý còn khá lỏng lẻo. Nhiều khi, những người khai thác đá còn tự ý sang nhượng chất nổ cho mỏ khác, hoặc tuồn ra ngoài để bán …

Được biết, trong thời gian qua việc quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đã được các cấp, các ngành và cơ quan chức năng triển khai sâu rộng. Công tác tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ được triển khai đến các gia đình. Tại các trụ sở Công an xã, phường, thị trấn và các cấp chính quyền địa phương đều có địa điểm để người dân đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, công tác này chỉ có tác động đối với người dân có ý thức, còn đối với bọn tội phạm thì chúng luôn có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật…

Từ những sự việc đã xảy ra, có thể nói đây là những bài học cảnh báo về tình trạng sử dụng vật liệu nổ trái trong bộ phận người dân và phải chăng việc quản lý về thuốc nổ của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc