Những sân bay khiến du khách "một đi không muốn trở lại" (Phần I)

14:26, 08/08/2016
|

(VnMedia) - Việc cất, hạ cánh luôn là công đoạn mệt mỏi nhất đối với phi công trong mỗi chuyến bay. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn bội phần nếu đó là những sân bay ở độ cao lớn, đường băng quá ngắn hoặc địa hình hiểm trở.

Bất cứ du khách nào từng một lần tới những sân bay dưới đây đều không thể nào quên và sẽ có nhiều chuyện để kể cho bạn bè và người thân. Nhưng trước tiên họ sẽ phải trải qua cảm giác bất an đến mức chỉ biết nhắm mắt cho tới khi nhận được thông báo máy bay đã cất hoặc hạ cánh an toàn.

Sân bay Saba

Sân bay Saba, cách quần đảo St. Maarten khoảng 40km về phía nam. Đây là sân bay thương mại có đường băng ngắn nhất thế giới, chỉ dài vẻn vẹn 400m.

Đường băng này đặc biệt nguy hiểm vì cả 2 đầu đường băng đều giáp biển. Điều đó có nghĩa là chỉ một sơ suất là sẽ có tai nạn thảm khốc xảy ra. Bất cứ phi công nào cất, hạ cánh ở sân bay này đều cần có loại bằng cấp đặc biệt.

Sân bay Toncontin

Sân bay nằm ở vùng Tegucigalpa, Honduras nổi tiếng về mức độ nguy hiểm và phức tạp đối với ngay cả những phi công dày dạn kinh nghiệm. Do sân bay nằm lọt thỏm ở thung lũng có độ cao 1000m so với mực nước biển và có rất nhiều dãy núi bao quanh, việc tiếp cận đường bằng không hề dễ dàng.

Khi hạ cánh, máy bay cần bẻ cua ở góc 45 độ. Dù đường băng có độ dài đạt chuẩn nhưng phi công buộc phải hạ độ cao rất gấp ngay khi vượt qua dãy núi để có thể đáp xuống đường băng. Mọi chuyện càng trở nên khó khăn khi nơi đây thường xuyên có những cơn gió mạnh thổi ngang, khiến việc hạ cánh thực sự là một bài test cực kỳ gian nan.

Du khách sẽ trải qua cảm giác hẫng rất sâu khi máy bay hạ độ cao đột ngột và đó chắc chắn là trải nghiệm không dành cho người yếu tim.

Sân bay LaGuardia

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố New York, Mỹ, sân bay LaGuardia có đường băng khá ngắn và giáp với 2 vịnh Flushing và Bowery. Điều nguy hiểm nhất là mỗi khi cất, hạ cánh, phi công sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị các máy bay khác cắt mặt vì bên cạnh là 2 sân bay rất đông đúc là JFK và Newark!

Sân bay Courchevel

Sân bay Courchevel là một trong những sân bay có đường băng ngắn nhất thế giới với độ dài chỉ 525m. Điểm khủng khiếp nhất của sân bay này là độ dốc tới 18,5% khiến các phi công gặp rất nhiều khó khăn cả khi cất và hạ cánh.

Trước khi hạ cánh tại sân bay Courchevel, phi công còn phải thực hiện những cú cua gắt do vướng dãy núi Alps.

Sân bay Wellington

Cùng có điểm chung là đường băng ngắn, sân bay Wellington ở New Zealand nằm lọt thỏm trong eo biển với điểm đầu và cuối đường băng là biển. Thế nên mỗi khi phải đáp chuyến bay hoặc cất cánh từ sân bay này, du khách không khỏi thấp thỏm lo âu.

Sân bay Kai Tak

Từ lâu sân bay Kai Tak đã được các phi công trong ngành hàng không thế giới gọi bằng cái tên “mẹ của các sân bay ghê rợn nhất thế giới”!

Mới nghe không ít người thấy lạ và tò mò về sân bay này. Mọi chuyện chỉ sáng tỏ nếu bạn được một lần ngồi trên máy bay hạ cánh xuống nơi đây. Sân bay được bao bọc xung quanh là những ngọn núi cao và một bên là khu dân cư sầm uất.

Việc phải bay vòng vòng để tránh núi, khu nhà cao tầng và cả những cơn gió thổi ngang cực mạnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào đủ để hành khách phải tái mặt. Nỗi kinh hoàng của các phi công cuối cùng đã không còn khi Hong Kong đóng cửa sân bay này vào năm 1998 và xây dựng sân bay quốc tế mới.

Sân bay “dựng tóc gáy” ở Nepal

Sân bay Lukla nổi tiếng thế giới về độ nguy hiểm và là thử thách đầu tiên cho bất cứ du khách nào muốn chinh phục ngọn núi Everest.

Nằm ở độ cao 2,438m so với mặt nước biển, sân bay Lukla có đường băng rất ngắn. Bên cạnh đó, trang bị cho sân bay cũng hết sức khiêm tốn. Nơi đây không hề có trạm không lưu theo chuẩn quốc tế, thậm chí đường băng cũng không có đèn, khiến việc hạ cánh trong thời tiết xấu vô cùng khó khăn. Còn khi cất cánh, chỉ cần một sai lầm cũng đủ khiến máy bay gặp nạn.

Tuy nhiên, do là “cửa ngõ” để lên đỉnh Everest nên nơi đây vẫn hàng ngày đón nhiều chuyến bay.

Sân bay Nam Cực

Tiếng gọi là sân bay nhưng nơi đây không hề có đường băng, đèn hiệu. Các máy bay hạ cánh trực tiếp xuống lớp băng vĩnh cửu nơi đây.

Trước khi tới đây, người ta tính toán trọng lượng máy bay một cách kỹ lưỡng sao cho hạ cánh không làm nứt lớp băng hoặc khiến cỗ máy khổng lồ này mắc kẹt trong băng tuyết.

Minh Quang (Theo Travel, Wonder)


Ý kiến bạn đọc