Chiều Hồ Tây, nao lòng người Hà Nội

16:46, 02/08/2016
|

(VnMedia) - Hồ Tây nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500 ha, đường vòng quanh hồ dài 17 km. Ngành địa dư lịch sử đã chứng minh rằng, hồ là một đoạn sông Hồng rớt lại, sau khi đổi dòng, có thể tới cả hàng nghìn năm. Hồ Tây hay còn gọi là hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên lưu giữa một sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại.

Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết... mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.

Mỗi sáng tinh mơ, hàng trăm người, cả già lẫn trẻ tìm ra chốn này để hít hà không khí trong lành và tập thể dục. Ðầu dốc đường Thanh Niên là cửa ngõ của những chiếc xe đạp chở đầy hoa, những gánh hàng ăn dân dã "chảy" vào lòng Hà Nội.
 
Bất cứ lúc nào trong ngày, nếu cảm thấy buồn man mác, cần một không gian để tĩnh tại, nhiều người đều chọn Hồ Tây! Giữa Hà Nội chật chội, một không gian hiếm hoi như Hồ Tây khiến nhiều người nâng niu như báu vật, đặc biệt với những người con xa Hà Nội lâu ngày. Ở đây, có nhiều người đến chỉ thích dạo quanh hồ để hít hà không khí trong trẻo rồi lại đi đâu đó hoặc trở về nhà. 
 
Hồ Tây không chỉ là địa chỉ du lịch lý tưởng mà nó còn chứa đựng những giá trị văn hóa dân tộc. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị: 102 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá... Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc... đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết. Phía tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử.
 
Một điều đặc biệt khác nữa của Hồ Tây, là người ta có thể tìm thấy nhiều mùa ở đây, chậm lại hồi tưởng về không gian, thời gian mỗi khi mùa hoa phượng nở, bằng lăng tím hay muồng hoàng yến rực vàng; cũng có cảm giác êm ái, bình yên khi vào mùa sen, khi sen tàn để thấy thu sang, một mùa đẹp nhất của Hà Nội...
 
Cùng ngắm những bức ảnh Hồ Tây bình dị mà rất thơ:
 

 

 

 

 

 

 

fd
Hồ Tây mênh mang một màu sắc bàng bạc khi hoàng hôn về.

 

 

a
Và ngay sau đó, có thể nhìn thấy ánh sáng rực rỡ lúc cuối ngày của mặt trời trước khi bóng tối ngập tràn không gian.

 An Khanh


Ý kiến bạn đọc