Tiết lộ điểm trốn nắng hè tuyệt vời

11:25, 08/06/2016
|

(VnMedia) - Trong khi các tỉnh miền Bắc đang bước vào giai đoạn nóng đỉnh điểm, thì đến với Sa Pa vào thời gian này du khách sẽ cảm nhận được sự mát mẻ, dễ chịu. Đây là địa điểm trốn nắng, nóng không thể tuyệt vời hơn khi nhiệt độ trong ngày chỉ dao động từ 20 đến 25 độ C, thậm chí có những nơi xuống dưới 20 độ.

Bắt đầu từ những năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp.

Năm 1910, người Pháp xây dựng những biệt thự đầu tiên và Sa Pa (Lào Cai) được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Theo thống kê, người Pháp đã xây dựng tới gần 300 biệt thự tại nơi đây. Và đúng như người Pháp tiên liệu, Sa Pa ngày nay đã trở thành một trong những "thủ đô" nghỉ mát thu hút khách du lịch bậc nhất Việt Nam.

Sa Pa nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch đẹp và độc đáo, vậy địa điểm nào là nơi tham quan yêu thích của du khách?

Bảng thống kê các điểm du lịch được du khách chọn lựa khi đến Sa Pa.
Bảng thống kê các điểm du lịch được du khách chọn lựa khi đến Sa Pa.

Cùng VnMedia khám phá những điểm đặc biệt tại đây.

Chợ Sa Pa

Chợ Sa Pa là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo, đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm địa phương, đồng thời là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi...

Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H'Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, tù mù dưới bóng điện vàng nhạt, họ ngồi bên nhau ca hát, trò chuyện thâu đêm. Khi đã tìm được bạn tâm tình, họ trao kỷ vật cho nhau để rồi hẹn chợ sau gặp lại. Hoạt động văn hóa này đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn gìn giữ được. Chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.

Chợ Sa Pa được họp vào các ngày trong tuần, vào thứ bảy, chủ nhật sẽ đông hơn ngày thường. Bà con người dân tộc Mông, Dao.. xuống chợ trao đổi hàng hóa, hẹn hò tình cảm vào tối thứ 7 hàng tuần.

 

Ngoài tham quan, du khách còn có thể mua sắm nhiều sản vật, nông cụ địa phương.
Ngoài tham quan, du khách còn có thể mua sắm nhiều sản vật, nông cụ địa phương.

Nhà thờ đá

Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.

Nhà thờ có khá nhiều tên gọi do thói quen của người dân và khách du lịch như Nhà thờ đá cổ Sapa, Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi, Nhà thờ đá,…

Thác Tình yêu

Thác Tình yêu thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng Tây Nam. Thác Tình yêu có độ cao gần 100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Fansipan.

Đây là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng lý tưởng và đến đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về huyền thoại một câu chuyện tình đầy lãng mạn. 

Núi Hàm Rồng

Một trong những điểm đến rất đỗi quen thuộc với những du khách mỗi khi du lịch Sa Pa nghỉ ngơi và du lịch đó là Núi Hàm Rồng.

Không chỉ là điểm ngắm Sa Pa đẹp nhất, núi Hàm Rồng còn được biết đến như một khu vườn thượng uyển với các loài hoa khoe sắc quanh năm. Và đến đây quý khách cũng cảm nhận được những giá trị văn hoá của các tộc người thiểu số khi thăm quan khu vực biểu diễn ca nhạc của các chàng trai – cô gái dân tộc Mông hoặc khoác lên chiếu áo, chiếc váy để đóng giả làm những “Trai làng – Gái bản”…

Bản Cát Cát

Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Đây là bản đã có từ lâu đời và là một địa điểm du lịch văn hóa lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá về đời sống và con người vùng Tây Bắc.

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa đi khoảng ba cây số, từ phố nhỏ Fansipan qua con dốc sâu hút, ngoằn ngoèo là đến bản Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai. Bản nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong thung lũng với ba bề là núi, nơi người dân tộc Mông sinh sống.

Ðường xuống bản Cát Cát là độc đạo, hết đoạn đường dốc được trải thảm bê-tông thì đến những bậc thang lát đá. Gần 80 hộ dân của bản hầu hết nằm dọc theo con đường này, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si là trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rầm chảy, là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Ruộng bậc thang

Ai đến Sa Pa cũng đều thích thú, trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai. Những thửa ruộng bậc thang được ví như những chiếc thang khổng lồ nối liền đất trời trở thành điểm thu hút rất nhiều khách du lịch ở Sa Pa.

Những thửa ruộng bậc thang Sa Pa có từ hàng trăm năm nay và đều do những đôi bàn tay cần mẫn của người nông dân thuộc các dân tộc thiểu số kiến tạo nên. Làm ruộng bậc thang giỏi nhất phải kể tới người Hà Nhì, rồi tới người Mông, người Dao… quanh năm sống trên những triền núi cao Hoàng Liên Sơn.

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước, người ta khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu bạt tam cấp để tạo thành những vạt đất bằng. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về.

Ở Việt Nam hình thức canh tác này cũng rất phổ biến ở các vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc hoặc các vùng Trung du ở Bắc Bộ…

Thung lũng Mường Hoa

Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

Bản Tà Phìn

Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng.

Bảo tàng văn hóa Sa Pa

Bảo tàng Sa Pa hiện đang lưu giữ khoảng 200 hiện vật, mô hình và nhiều ấn phẩm, phim tư liệu về các dân tộc ở Sa Pa như người H’Mông, Tày, Giáy, Xa Phó, Hà Nhì và Dao đỏ. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử hơn 100 năm hình thành thị trấn này, cũng như khám phá đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa và trang phục riêng của từng dân tộc.

Núi Fansipan

Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi.

Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Fansipan.

Đầu năm 2016, dự án cáp treo Fansipan Sapa hoàn thành mang đến cho Sa Pa một lượng khách du lịch khổng lồ.

Mỗi lồng cáp treo có thể chở được 30 khách với giá 600 nghìn/ người lớn trên 1,3 m, 400 nghìn/lượt đối với trẻ em. Theo thống kê trung bình mỗi ngày cáp treo Fansipan Sapa tiếp nhận tới 8000 khách, cao điểm là trên 10.000 người.

Những năm gần đây, để thu hút khách du lịch đến địa phương nhiều hơn, Lào Cai đã lên kế hoạch phát triển tổng thể về ngành du lịch không khói này. Theo đó, du lịch sinh thái là một trong những điểm mạnh của du lịch Lào Cai với nhiều điểm đến hấp dẫn như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu – Suối vàng (Sa Pa); Hồ Na Cồ, khu vực lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà); Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát)… Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì được khai thác tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên, nổi bật là các phiên chợ, lễ hội, làng du lịch homestay… Du lịch mạo hiểm với chinh phục nóc nhà Đông Dương – đỉnh Fansipan, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà), dù lượn, leo vách đá… Du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Giác ở Sa Pa (đã khởi công từ tháng 5/2015 và dự kiến  tới tháng 5/2017 sẽ hoàn thành), Đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) và đền Bảo Hà (Bảo Yên) kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.

Ngoài ra tỉnh đã đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch độc đáo khác như du lịch chợ phiên tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương; du lịch chuyên đề về hoa với các tour mùa hoa tam giác mạch (Bắc Hà, Si Ma Cai), hoa Đỗ Quyên (Y Tý, VQG Hoàng Liên), thung lũng hoa (Bắc Hà)...


Ý kiến bạn đọc