Chủ đầu tư thu tiền bán nhà, "quên" tiền nộp thuế

11:13, 11/07/2015
|

(VnMedia) - Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp Bất động sản cho biết, thời gian vừa qua do thị trường sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không bán được hàng vì vậy không có tiền để nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế qua điều tra cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách nợ thuế đã bán nhà hoặc huy động vốn của khách hàng từ lâu nhưng vẫn cố tình chây ỳ…

>> Những doanh nghiệp nợ thuế "khủng" đang hoạt động thế nào?

Chủ đầu tư cố tình chây ỳ

Theo Cục Thuế Hà Nội, tính đến 1/7/2015 trên địa bàn thành phố có tới 56 dự án bất động sản đang nợ tiền sử dụng đất với tổng số trên 3.000 tỷ đồng. Trong bảng danh sách 28 dự án nợ gần 2.000 tỷ đồng tiền thuế do Cục Thuế Hà Nội mới công bố thì đa số dự án trong danh sách chưa được triển khai, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp đã được chủ đầu tư xây dựng và mở bán rầm rộ, thậm chí có dự án còn sắp bàn giao nhà.

Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông) hiện đang nợ 1.544 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Mặc dù, Hà Nội đã “ưu ái” giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 2 năm (2015-2017), mỗi quý chủ đầu tư phải nộp 193 tỷ. Thế nhưng, đã quá hạn nhiều tháng, chủ đầu tư vẫn chưa nộp đủ tiền sử dụng đất. Trong khi đó, năm 2013, chủ dự án đã tiến hành huy động vốn từ nhiều khách hàng với số tiền huy động lên đến 50-70% giá trị căn nhà, giá bán liền kề ghi trong hợp đồng là 18 triệu đồng/m2. Sang năm 2014, giá bán đất đô thị Phú Lương tiếp tục tăng lên mức 20-22triệu đồng/m2.

Chủ đầu tư xác nhận với PV VnMedia, hiện đã nhận góp vốn 2 block liền kề 20-21, số tiền huy động chỉ vào khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thị trường, các sàn bất động sản đang mua đi, bán lại nhiều block khác nhau tại dự án này.

Trao đổi với VnMedia, ông Trần Văn Giáp - Chi cục trưởng chi cục thuế Hà Đông cho biết, chủ đầu tư dự án Phú Lương hiện đang nợ tiền sử dụng đất 1.544 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã nhiều lần đôn đốc nhưng doanh nghiệp vẫn chưa nộp. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng không hề biết việc chủ đầu tư dự án đã tổ chức bán hàng, nhận góp vốn của khách hàng trên thị trường.

Cùng tại quận Hà Đông, dự án tháp doanh nhân (1 Thanh Bình, Hà Đông) do Tập đoàn Anh Quân làm chủ đầu tư cũng bị cơ quan thuế bêu tên trong danh sách nợ tiền sử dụng đất lần này. Số tiền nợ là 21 tỷ đồng.  Mặc dù, cơ quan thuế đốc thúc doanh nghiệp nộp tiền nhưng 5 năm nay doanh nghiệp vẫn chưa nộp đủ. Cực chẳng đã ngày 3/7, chi cục thuế Hà Đông đã phải thực hiện lệnh cưỡng chế hóa đơn đối với chủ đầu tư dự án này.

Tuy nhiên, trên thực tế, dự án tháp Anh Quân đã được bán cho rất nhiều khách hàng từ thời điểm năm 2010, đã có hàng chục khách hàng mua nhà với số tiền nộp cho chủ đầu tư lên đến 100 tỷ đồng. Mặc dù đã 5 năm trôi qua,  nhưng đến thực địa dự án tháp Anh Quân thời điểm này, PV chứng kiến cảnh hoang tàn, 1 cái móng trơ toàn sắt, công trường không bóng công nhân làm việc.

Tương tự, một dự án khác là chung cư Thành An Tower tọa lạc tại số 21 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, do Tổng công ty Thành An và công ty cổ phần tư vấn đầu tư Ba Đình làm chủ đầu tư. Dự án hiện nay vẫn còn nợ 143 tỷ đồng tiền thuế. Được biết, mặc dù chưa làm xong móng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục chào bán căn hộ với giá 31,5 đến 32,5 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp có tiền nhưng không muốn nộp?

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo của ngành Thuế nói, việc thu nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản rất khổ sở. “Số nợ của các dự án nhiều quá, mà doanh nghiệp chây ỳ, không chịu nộp. Họ có tiền đấy và thu được tiền từ khách hàng mua nhà rồi cũng không trả nợ. Có nơi đem tiền đầu tư vào dự án khác rồi…”- vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị này, một số dự án nợ đọng lớn là do năng lực tài chính rất yếu của doanh nghiệp. Phía Cục thuế TP Hà Nội cũng đã báo cáo lên Tổng cục Thuế một số trường hợp chây ỳ nợ đọng lớn, đã được gia hạn nộp tiền nhưng vẫn không thực hiện đúng cam kết. Sắp tới cơ quan thuế sẽ công bố thêm danh sách dự án nợ tiền sử dụng đất (tổng số 50 dự án).

Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên, chỉ ngay sau khi cơ quan thuế công bố danh tính các doanh nghiệp nợ thuế thì nhiều doanh nghiệp đã lập tức thu xếp tiền để nộp. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Viglacera ngày 7/7 đã nộp cho cơ quan thuế Nam Từ Liêm số tiền 644 tỷ đồng tiền sử dụng đất của đô thị Xuân Phương. Đây được xem là nỗ lực lớn của doanh nghiệp này.

Trước đó ngày 6/7, Cục trưởng cục thuế Hà Đông cho biết, chủ đầu tư dự án Phú Lương cũng vừa đăng ký nộp cho cơ quan thuế 6 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư cam kết sẽ nộp tiếp hơn 100 tỷ đồng trong những ngày tới.

Điều này chứng tỏ không phải doanh nghiệp nào cũng khó khăn đến mức không có tiền để nộp. Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án đã bán hết hàng thậm chí đã bàn giao nhà cho khách hàng thì không có lý gì không có tiền. Phải chăng họ đã tính toán chiếm dụng khoản tiền này để tiếp tục mở rộng đầu tư.

Theo một chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế có phần hơi xấu hổ khi bị bêu tên. Tuy nhiên, còn sướng hơn phải chịu cảnh đi vay ngân hàng. “Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ phải chịu phạt ngày với mức 0,02% trên số tiền sử dụng đất chậm nộp. Mặc dù mức phạt khá cao nhưng doanh nghiệp vẫn không muốn nộp khoản tiền này.  Họ muốn giữ lại để quay vòng vốn làm ăn. Bài toán kinh tế này hiệu quả hơn đi vay ngân hàng. Bởi vay ngân hàng thì doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, phải chịu lãi suất cao. Nếu rủi ro, tài sản đảm bảo có thể bị phát mãi, bị mua với giá rẻ…” - một chuyên gia cho biết.

Bài 2: Nợ thuế vẫn sướng hơn đi vay ngân hàng


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc