Hà Nội: Nhiều dự án bất động sản bị bán lúa non

15:26, 25/06/2015
|

(VnMedia) - Thời gian gần đây, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án chưa xây dựng xong hạ tầng, thậm chí chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã chia lô, bán nền dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư.


Chủ đầu tư "lách" luật
 

Nằm ngay cạnh khu đô thị Văn Phú, dự án khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông) đang được các văn phòng giao dịch nhà đất chào bán khá rầm rộ. Chủ đầu tư dự án là liên doanh công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trung Việt và Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Quang … Theo quy hoạch, dự án này có tổng diện tích 36,3 ha. Trong đó, diện tích đất ở 15 ha bao gồm 15,7 ha nhà cao tầng, nhà liền kề, biệt thự…

 

Qua thực tế tìm hiểu dự án, PV ghi nhận tại thời điểm này chủ đầu tư dự án khu đô thị Phú Lương mới đang thực hiện việc đổ đất san lấp mặt bằng, chưa làm xong hạ tầng. Thậm chí, nhiều diện tích đất dự án vẫn còn là cánh đồng hoang. Thế nhưng, có lẽ do thiếu năng lực tài chính, nên nhiều tháng nay chủ đầu tư dự án này đã đem các sản phẩm liền kề ra bán dưới hình thức “lúa non” để huy động tiền của người mua nhà.

 

Theo giới thiệu của các văn phòng môi giới nhà đất, hiện chủ đầu tư đã bán các block liền kề như liền kề 20, 21 cho một số đơn vị thứ cấp với mức giá bán giao động 20-22 triệu đồng/m2, các lô đất có diện tích 60-70m2. Sau đó,các đơn vị này bán đến tay người mua nhà giá 24-25 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, mức giá bán thực tế là vậy xong trong hợp đồng góp vốn giá bán lại được ghi thấp hơn 21 triệu đồng/m2. Số tiền chênh lệch gần 200 trăm triệu đồng/lô đất nền còn lại người mua phải trả cho văn phòng môi giới mà không có giấy tờ biên nhận.


  Ảnh minh họa

  Dự án đô thị Phú Lương (Hà Đông) mới đang tiến hành san lấp mặt bằng nhưng nhiều lô đất liền kề đã được bán trao tay cho khách hàng với tiền chênh lên đến vài trăm triệu đồng.

 

Lần theo số điện thoại quảng cáo bán hàng của Ban quản lý dự án đô thị Phú Lương, phóng viên được biết, hiện tại chủ đầu tư dự án đã ủy quyền cho sàn giao dịch bất động sản Linh Anh (tầng 4, số nhà 166 Trần Duy Hưng) bán sản phầm đất nền Phú Lương. Nếu khách hàng muốn mua phải qua sàn giao dịch này.

 

Theo nhân viên kinh doanh này, do dự án chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán nên chủ đầu tư “lách luật” ký dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Trong hợp đồng góp vốn đều ghi rõ lô số, vị trí lô đất, giá trị lô đất. Khách hàng sẽ nộp tiền theo tiến độ. Khi nào chủ đầu tư làm xong hạ tầng, khách hàng mới được chuyển sang hợp đồng mua bán.

Một dự án bất động sản khác được chào bán đình đám với mức tiền chênh khủng nhất trên thị trường là dự án CT 4 - Vimeco (Trung Hòa, Hà Nội). Mặc dù phải đến tháng 10/2015, dự án mới làm xong móng nhưng từ cuối năm 2014, chủ đầu tư dự án này đã thực hiện việc huy động vốn của khách hàng dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. Mặc dù, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư có thể huy động vốn không quá 20% số lượng căn hộ nhưng trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư không được ghi rõ số căn hộ, số tầng do chưa đủ điều kiện.

Thế nhưng, trong hợp đồng hợp tác, chủ đầu tư dự án vẫn ngang nhiên "lách" luật bán lúa non. Điều đáng nói, giá bán căn hộ CT4 Vimeco được ghi trong hợp đồng 24 triệu đồng/m2 xong trên thực tế khách mua nhà đã phải trả tiền chênh ngoài 350-450 triệu đồng/căn hộ. Số tiền chênh ngoài này không được xác nhận trên bất kỳ giấy tờ nào.

Theo giải thích của các chủ đầu tư, sở dĩ quá trình chạy dự án phải tốn kém rất nhiều tiền lobby do vậy, tại nhiều dự án chủ đầu tư thu tiền chênh ngoài không có giấy tờ biên nhận để không phải hạch toán sổ sách, dễ dàng trốn thuế.

Rủi ro đẩy khách hàng

Thời điểm vài năm trước, trên thị trường đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng góp vốn mua nhà nhưng chủ đầu tư dùng tiền góp vốn sai mục đích, không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Một loạt hệ lụy đã xảy ra, nhiều chủ đầu tư đã bị sa lưới pháp luật trong đó có dự án B5 Cầu Diễn do Tập đoàn Housing làm chủ đầu tư; dự án Lĩnh Nam do Tập đoàn Megastar làm chủ đầu tư;...

Đến thời điểm này, khi thị trường bất động sản có tín hiệu khởi sắc, tình trạng bán lúa non dự án bắt đầu được tái diễn. Điều đáng nói, vì say lợi nhuận, nhiều khách hàng dễ dàng mắc bẫy.

Theo tìm hiểu phóng viên, hầu hết các dự án bán lúa non đều xuất phát từ thực tế là chủ đầu tư đang rất đói vốn. Đơn cử, theo nguồn tin của PV từ Chi cục thuế Hà Đông, chủ đầu tư dự án Phú Lương đang nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước tại dự án này với số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng. Việc này sẽ dẫn đế rủi ro cho khách hàng mua nhà tại dự án Phú Lương. Thứ nhất, tiến độ cấp sổ đỏ sẽ bị chậm. Thứ hai, nếu chủ đầu tư thu tiền khách hàng để nộp tiền sử dụng đất thì tiến độ dự án sẽ bị chậm.

Còn theo báo cáo tài chính của chủ đầu tư dự án CT4 Vimeco, số tiền nợ của doanh nghiệp này cũng lên đến hơn 300 tỷ đồng. Để có tiền triển khai dự án, chủ đầu tư đã phải thế chấp nhiều tài sản để vay vốn tại các ngân hàng. Thậm chí, nhiều khoản vay của chủ đầu tư còn không có tài sản đảm bảo. Trong trường hợp, thị trường thanh khoản tốt, chủ đầu tư bán hàng sẽ thu được tiền để triển khai dự án. Ngược lại, thị trường kém, nếu không bán được hàng thì chủ đầu tư khó có thể có đủ tài chính để hoàn thành dự án và bàn giao nhà cho khách hàng theo đúng cam kết.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc